01:09 29/01/2015

EU bất ngờ trưng “cà rốt” trước Nga

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, lãnh đạo châu Âu đột nhiên tỏ ra quan tâm đến giấc mơ Á - Âu của Nga.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, lãnh đạo châu Âu đột nhiên tỏ ra quan tâm đến giấc mơ Á - Âu của Nga.

Giữa lúc xung đột đẫm máu ở miền Đông Ukraine bùng phát, Moskva nhận được một đề xuất hội nhập với phương Tây và nhân tố đi đầu trong bước chuyển hướng này là Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Davos hôm 22/1


Phát biểu trong phiên họp của giới đầu tư và hoạch định chính sách chiều ngày 22/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu bài phát biểu của mình với những ngôn từ chỉ trích Nga, nói rằng Moskva đã vi phạm “những nguyên tắc cơ bản của trật tự hòa bình ở châu Âu”. Thế nhưng, khi được hỏi cuộc chiến ở Ukraine sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới, “bà đầm thép” của nước Đức làm cử tọa ngạc nhiên khi đề cập đến một tầm nhìn chiến lược địa chính trị vốn từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin quảng bá nhiều trước đó. “Tới đây, ở một bình diện rộng lớn hơn, chúng ta có thể khai phá những khả năng hợp tác, cùng với đó là một khu vực kinh tế như chính Tổng thống Putin từng mô tả là ‘từ Vladivostok tới Lisbon’”, bà Merkel đề cập.

Đó là một khu vực tự do thương mại mà ông Putin kì vọng một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực, trải dài trên một đường ranh giới hơn 14.000 km, từ rìa Tây của châu Âu đến ranh giới phía Đông của Nga và đương nhiên bỏ qua nước Mỹ. Nhiều năm qua, nhà lãnh đạo Putin đã rất nỗ lực để tạo lập một nền móng cho một dự án liên kết như vậy, mà gần đây nhất chính là sự ra đời của Liên minh Á - Âu (EAEU), một tổ chức theo mô hình của Liên minh châu Âu (EU) với những kết nối chặt chẽ về kinh tế và chính trị. Liên minh này chính thức đi vào vận hành từ 1/1 vừa qua, với 4 nước thành viên sáng lập là Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia

Tại Davos, tiếng nói của bà Merkel không lạc lõng. Ông Jose Manuel Barroso, người từng có 10 năm đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu (mới nghỉ tháng 9/2014), cũng đã công khai nói đến ý tưởng về tạo lập một không gian hợp tác hữu nghị giữa EAEU và EU. “Tại sao chúng ta lại không thể hợp tác với Liên minh Á - Âu? Liệu một ngày nào đó giấc mơ này sẽ thành hiện thực? Tôi đã nhiều lần nói chuyện với ông Putin về điều đó, dự án từ Lisbon tới Vladivostok. Tôi tin rằng rồi thì điều này cũng diễn ra”, ông Barroso bày tỏ.

Thế nhưng lý do thực sự là gì? Việc lãnh đạo EU bất chợt hâm nóng “giấc mơ” của ông Putin không hẳn là vì giá trị thực chất của nó. EU hiện đã quá mỏi mệt với việc phải tiếp nhận một số thành viên mới ở trình độ phát triển thấp hơn như Romania, Bulgaria. Dường như, EU đang muốn trưng ra “củ cà rốt” trước Nga, để buộc Moskva phải thay đổi quan điểm trong vấn đề Ukraine.

Điều này cũng đã hiện ra tại Davos. Cấp phó và là đối tác của bà Merkel trong Liên minh cầm quyền, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, nói rằng ông ủng hộ ý tưởng kết nối với EAEU, nhưng quan hệ đối tác đó chỉ có được nếu như giải quyết được những vấn đề trong hiện tại - cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo cách nhìn của ông Gabriel, để tiến đến một không gian hợp nhất từ Lisbon tới Vladivostok, thì bước đi đầu tiên là phải tạo lập một “thế giới khác” mà ở đó Ukraine sẽ trở lại đường biên giới như trước, với một nền hòa bình ổn định.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, EU dường như chỉ biết dựa vào các lệnh cấm vận chống Nga để buộc ông Putin thay đổi quan điểm. Nhưng cho đến nay, điều này vẫn chưa thành hiện thực. Tác động của lệnh cấm vận chưa thực sự rõ ràng, khi mà giá dầu giảm và đồng ruble mất giá được xem là những nhân tố gây ảnh hưởng nhiều nhất tới Nga. Khi “cây gậy” không mang lại hiệu quả, có vẻ như EU chuyển sang “củ cà rốt”. Tiếng nói “vỗ về” Nga tại Davos vì thế có thể chỉ là nỗ lực để phá băng bất đồng giữa các bên.

Hoài Thanh (Theo Times)