10:23 25/10/2011

EU bấn loạn với các giải pháp khủng hoảng?

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang có những diễn biến nhanh chóng, nhưng đáng tiếc hầu hết đều theo hướng tiêu cực. Nó dồn các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đến một tình thế chênh vênh mà bất cứ nỗ lực thoát hiểm nào cũng có thể đẩy họ xuống vực.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang có những diễn biến nhanh chóng, nhưng đáng tiếc hầu hết đều theo hướng tiêu cực. Nó dồn các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đến một tình thế chênh vênh mà bất cứ nỗ lực thoát hiểm nào cũng có thể đẩy họ xuống vực.

Tín hiệu khả quan nhất trong các diễn biến gần đây là thông báo đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/10, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nhà lãnh đạo EU đã có một sự chuẩn bị tốt cho hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của nhóm, dự kiến vào ngày 26/10. Chỉ nhìn vào mật độ dày đặc của các hội nghị cũng thấy một không khí khẩn trương như thế nào. Ba vấn đề, cũng là ba mũi chủ công, mà các nhà lãnh đạo EU đang hướng tới bao gồm: Ổn định tình hình Hy Lạp, tái cấp vốn cho các ngân hàng khu vực và tăng cường quỹ cứu trợ Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF). Đây là một gói giải pháp khá toàn diện, nhưng có thực hiện được hay không lại là một câu chuyện khác.

Một khi các chính sách úy lạo nhà đầu tư không còn tác dụng, thì các giải pháp còn lại, dù có được gán cho mỹ từ nào đi nữa, cũng chỉ xoay quanh một chữ: “Tiền”. Có bốn nguồn chính để EU huy động tiền vào lúc này, bao gồm (1) từ chính các thành viên, (2) từ cỗ máy in tiền chung của khu vực là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông qua EFSF, (3) từ các nhà đầu tư tư nhân và (4) từ các đối tác bên ngoài.

Thế nhưng, thông báo mới nhất của ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế khiến giới quan sát không khỏi giật mình. Tình hình Hy Lạp đã diễn biến xấu đến mức chỉ riêng giải cứu thành viên này, EU sẽ phải cần tới 611 tỷ USD, tức là sẽ “ngốn” hết ngân sách của EFSF, trong khi quỹ này sắp tới còn phải lo cho Bồ Đào Nha, Ailen và có thể là cả Tây Ban Nha. Với nền kinh tế trong nước trì trệ và lãi suất trái phiếu tăng cao, các thành viên như Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang có nguy cơ không gánh nổi món nợ của chính mình. Chìa tay cứu Hy Lạp đồng nghĩa với việc họ sẽ bị cuốn theo xuống vực thẳm.

Ngay cả Pháp cũng đang có nguy cơ bị đánh tụt hạng tín dụng do nợ công tăng cao và các ngân hàng thương mại lún quá sâu vào cuộc khủng hoảng khu vực. Đó là lý do tại sao Pháp khăng khăng muốn ECB phải gánh trách nhiệm chính trong việc giải cứu Hy Lạp. Tuy nhiên Đức không đồng ý, với lý do hiến pháp trong nước không cho phép (dù có cho phép thì chính phủ Đức cũng không muốn). Vì vậy, trở ngại lớn nhất của giải pháp ECB là bất đồng giữa hai thành viên có tiếng nói nhất khu vực. Chừng nào hai “ông lớn” này chưa đạt được sự nhất trí, chừng đó gói giải pháp cứu Eurozone vẫn chỉ là giải pháp “treo”.

Nguồn cứu trợ được hy vọng tiếp theo là giới đầu tư tư nhân, trong đó chủ yếu là các ngân hàng thương mại khu vực. Các nhà lãnh đạo EU đang cố thuyết phục giới ngân hàng chấp nhận thiệt hại ít nhất 50% giá trị trái phiếu của Hy Lạp mà họ nắm giữ, đồng thời muốn họ tăng vốn cơ sở - tức giảm nguồn vốn có thể cho vay. Đề nghị này giống như một mặt chặt bớt chân của các ngân hàng thương mại, mặt khác giục họ chìa tay cứu các nền kinh tế EU. Thậm chí một “cái vòng luẩn quẩn” sẽ xuất hiện, trong đó ngân hàng không có vốn để cho vay sẽ cản trở nền kinh tế hồi phục, gián tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách của chính phủ và cuối cùng khiến khủng hoảng thêm trầm trọng.

Cái phao cuối cùng cho Eurozone là các quỹ đầu tư trái phiếu ngoài khu vực, như của Trung Quốc hay các nước Trung Đông đang thặng dư ngân sách. Câu hỏi đặt ra là đâu là lý do thuyết phục họ bỏ tiền một khi chính các thành viên EU không muốn?

Mới đây thôi, lo ngại của các nhà đầu tư trên các thị trường chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa trên thế giới chỉ là nguy cơ EU không đủ sức chống đỡ một khi đám cháy khủng hoảng lan ra các nền kinh tế thành viên “gạo cội” như Tây Ban Nha và Italia. Giờ thì chỉ riêng Hy Lạp cũng đủ khiến cả khu vực sụp đổ. Trong khi đó, có tin các nhà lãnh đạo EU đang tìm cách “cấm” các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế thông báo những tin xấu về khả năng trả nợ của các thành viên. Có vẻ như EU đang bấn loạn với các giải pháp, giữa lúc cuộc khủng hoảng bắt đầu chạm vào những vấn đề cốt tử.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)