12:01 31/12/2011

Eo biển Hormuz tiếp tục "nóng"

Hải quân Mỹ ngày 30/12 cho biết, hai tàu chiến của Mỹ đã đi qua eo biển Hormuz, trong bối cảnh Iran cảnh báo đóng cửa tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất của thế giới này.

Hải quân Mỹ ngày 30/12 cho biết, hai tàu chiến của Mỹ đã đi qua eo biển Hormuz, trong bối cảnh Iran cảnh báo đóng cửa tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất của thế giới này. Theo người phát ngôn Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ, Rebecca Rebarich, tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay đã "thực hiện hành trình thường lệ qua eo biển Hormuz theo kế hoạch đã định" và không có sự cố nào xảy ra.

Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN


Sự kiện trên diễn ra giữa thời điểm Iran và Mỹ liên tục đưa ra những cảnh báo liên quan đến eo biển Hormuz. Hôm 28/12, Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi cảnh báo "sẽ không một giọt dầu nào có thể đi qua Hormuz" nếu phương Tây áp đặt những lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Tư lệnh Hải quân Iran, Đô đốc Habibollah Sayari, cũng tuyên bố các lực lượng vũ trang Iran có thể "dễ dàng" đóng cửa eo biển, nơi vận chuyển gần 40% lượng dầu thô buôn bán trên thế giới.

Phản ứng với đe dọa này của Iran, ngày 29/12, thư ký báo chí Lầu Năm Góc George Little nhấn mạnh, "Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ hành vi nào cản trở hoạt động lưu thông qua Hormuz". Mỹ cũng cảnh báo "bất cứ ai đe dọa gián đoạn tự do hàng hải qua một eo biển quốc tế sẽ không được dung thứ".

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bác lời cảnh báo này của Mỹ, đồng thời tuyên bố rằng Têhêran sẽ có những hành động dứt khoát nhằm "bảo vệ lợi ích sống còn" của mình.

Căng thẳng có dấu hiệu gia tăng khi cuối tuần qua, Hải quân Iran tiến hành tập trận rầm rộ kéo dài 10 ngày gần eo biển Hormuz. Cuộc tập trận mang tên Velayat 90 nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, khả năng phòng thủ của Hải quân Iran tại các vùng biển quốc tế.

Eo biển Hormuz là cửa ngõ chiến lược nối vùng Vịnh Persique với các nước xuất khẩu dầu như Baranh, Iran, Côoét, Cata, Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, với Ấn Độ Dương. Mỗi ngày, có tới hơn 1/3 lượng dầu thô được vận chuyển bằng tàu của thế giới đi qua vùng biển này. Oasinhtơn hiện đang duy trì hiện diện quân sự lớn tại vùng Vịnh, trong đó có Hạm đội 5 đóng tại Baranh, chủ yếu nhằm đảm bảo tuyến vận chuyển quan trọng tại đây không bị cản trở.

Theo nhận định của giới quan sát, Têhêran khó có khả năng đóng cửa eo biển Hormuz, bởi nền kinh tế Iran cũng phụ thuộc rất lớn vào ngành xuất khẩu dầu mỏ.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Iran sẽ không thể phong tỏa eo biển Hormuz bởi các tàu của Iran chủ yếu là loại tàu nhỏ và không có khả năng trụ lại nhiều ngày ở những vùng biển mở trong một đội hình cần sự phối hợp. Iran sẽ không thể lặp lại hành động phong tỏa như các tàu hải quân lớn của Mỹ từng làm. Iran vẫn có thể cản trở các tàu chở dầu và tàu chiến của phương Tây bằng cách sử dụng tên lửa, đặt thủy lôi và có khả năng là cả các vụ tấn công bằng những thuyền nhỏ. Tuy nhiên, giới phân tích khẳng định rằng Iran sẽ không thể dễ dàng làm chìm các tàu chở dầu lớn và kiên cố hơn cả tàu chiến.

Suzanne Maloney, một chuyên gia về Iran tại Viện Brookings, cho rằng quân đội Mỹ có thể đưa ra cảnh báo nếu các tàu của Iran rời khỏi khu vực bờ biển tiến ra eo biển Hormuz, Mỹ sẽ coi đó là hành động gây chiến. Vấn đề then chốt hiện nay là liệu Iran có gây ra bất ổn ở eo biển Hormuz dẫn đến đối đầu quân sự với Mỹ hay không. Bà Maloney khẳng định rằng cả Iran và chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ rất thận trọng trong việc để căng thẳng leo thang quá mức.

Hằng - Hạnh