10:15 16/10/2010

Edwin Wilson - Cơn ác mộng của CIA(Kỳ I)

Wilson xuất thân từ một trang trại tồi tàn ở bang Idaho (Mỹ) và có thời kỳ phải làm công việc phục dịch trong một tiệm giặt là quần áo để kiếm tiền học đại học ở Oregon.

Chân dung cựu điệp viên CIA Edwin Wilson.

Wilson xuất thân từ một trang trại tồi tàn ở bang Idaho (Mỹ) và có thời kỳ phải làm công việc phục dịch trong một tiệm giặt là quần áo để kiếm tiền học đại học ở Oregon. Năm 1952, anh ta đăng ký gia nhập lực lượng lính thủy đánh bộ, và đến năm 1955 thì gia nhập CIA, làm nhân viên an ninh. Suốt 16 năm sau đó, Wilson là một điệp viên bí mật cho đến khi rời CIA năm 1972. Trong thời gian này, anh ta chỉ kiếm được 20.800 USD/năm. Năm 1976, Wilson lại làm việc cho lực lượng tình báo hải quân có tên là Lực lượng đặc biệt 157, nhưng cũng với đồng lương ít ỏi.


Kỳ I: Tuyển dụng nhân viên CIA


Vì muốn trở nên giàu có, Wilson đã ấp ủ kế hoạch bán vũ khí và các tin tức tối mật của CIA cho Libi để kiếm tiền. Từ năm 1971, Wilson đã khôn khéo luồn sâu vào tổ chức tình báo của nước Mỹ. Ngoài việc "thu nạp" Villaverde - một người gốc Cuba, Mulcahy - một chuyên gia trong lĩnh vực điện tử và Dubberstein - một nhà khảo cổ học, chuyện gia về Trung Đông, Wilson đã tuyển mộ hàng chục nhân viên tình báo và chuyên gia vũ khí, trong đó có cả các nhân viên CIA đang làm việc, các quan chức quân đội cao cấp và một số chuyên gia chế tạo vũ khí. Thông qua những mối quan hệ này, anh ta nắm trong tay những tin tức tình báo tối mật của CIA gửi về từ khu vực Viễn Đông, phương pháp sử dụng máy tính của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) của Mỹ để phát hiện tàu ngầm và tên lửa, những thiết bị phục vụ cho công việc ám sát từ các nhà chuyên cung cấp cho CIA và những vũ khí tối tân bí mật từ căn cứ thử nghiệm của hải quân và CIA ở China Lake, bang California. Wilson đã bí mật chuyển giao cho Libi những tin tức tình báo và chất nổ dạng dẻo dùng để chế tạo bom cho các mục đích khủng bố được ngụy trang dưới dạng những hộp đựng gạt tàn thuốc lá và những thiết bị quan sát thông thường khác. Thậm chí, loại chất nổ trong những hộp đựng gạt tàn thuốc này có những đặc tính, dấu hiệu riêng biệt, được coi là sản phẩm chỉ CIA mới có.

Những thiệt hại mà Wilson đã gây ra cho ngành tình báo Mỹ không thể chỉ đo đếm qua những bí mật và công nghệ vũ khí bị đánh cắp; mà nó làm lung lay nền tảng vốn có của CIA: Sự tin tưởng. Giám đốc CIA coi việc thâm nhập của Wilson vào cơ quan tình báo của nước Mỹ thông qua những nhân viên mà tổ chức này tuyển dụng là một cơn ác mộng. Những điệp viên này thông thuộc mọi ngọn nguồn, phương pháp và cả những "gót chân asin" trong hoạt động của CIA. Họ đã leo lên những vị trí cao để có thể tiếp cận những bí mật quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Cuốn sách viết về cuộc đời Edwin Wilson với tiêu đề "Lái súng".

CIA sử dụng một biện pháp để đối phó với những trường hợp nhân viên bán thông tin cho đối phương, đó là phương pháp "thẩm định chất lượng", như điều tra những mối quan hệ và việc đi lại, kiểm soát thu nhập và nếu cần thiết có thể tiến hành nghe lén điện thoại và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo dõi khác. Tuy nhiên, tất cả những phương pháp "thẩm định chất lượng" đều không thể phát hiện được việc tuyển dụng các nhân viên CIA của Wilson. Ít nhất hai nhân viên đang làm việc cho CIA đã bí mật hợp tác với Wilson (một người trong số họ đã sử dụng danh nghĩa nhân viên CIA để tuyển mộ cả một đội lính Mũ nồi xanh cho Libi. Ngoài ra, Wilson còn thuê nhiều cựu nhân viên CIA bởi nhiều người trong số họ vẫn được quyền tiếp cận những bí mật của CIA. Bên cạnh đó, mặc dù đã ra khỏi CIA, nhưng Wilson vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với hai nhân vật cao cấp của tổ chức này - Thomas G. Clines, Giám đốc phụ trách đào tạo cho những nhiệm vụ bí mật, và Theodore G. Shackley - người nắm vị trí thứ hai trong mạng lưới phản gián này. Cả hai nhân vật trên đều tham gia những cuộc họp do Wilson tổ chức với những người mà anh ta tuyển dụng và các nhà cung cấp vũ khí. Cách làm này đã đánh lừa nhiều người rằng các hoạt động của Wilson đều có sự cho phép của CIA.