07:09 25/07/2012

ECOSOC bác đơn của Liên đoàn Khmer Campuchia Krom

Tại phiên họp, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định sự đánh giá cao của Việt Nam đối với hoạt động tích cực của các tổ chức phi chính phủ trong đời sống quốc tế và ở các quốc gia.

Ngày 23/7, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Hội đồng Kinh tế Xã hội của LHQ (ECOSOC) đã thông qua bằng bỏ phiếu dưới đề mục "Các tổ chức phi chính phủ" dự thảo quyết định do Việt Nam đệ trình về việc bác đơn của tổ chức gọi là Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF) xin hưởng quy chế tư vấn với ECOSOC.


Tại phiên họp, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định sự đánh giá cao của Việt Nam đối với hoạt động tích cực của các tổ chức phi chính phủ trong đời sống quốc tế và ở các quốc gia. Hiện có gần 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam dưới nhiều hình thức hợp tác về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới.


Đại sứ Lê Hoài Trung đã cung cấp những bằng chứng về mục tiêu cùng những hành động của KKF nhằm kích động ly khai, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo và phá hoại trật tự xã hội ở Việt Nam, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, trong đó có các nguyên tắc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị của các quốc gia. KKF nhiều lần xuyên tạc chính sách của Nhà nước Việt Nam và tình hình thực tế ở Việt Nam. Các mục tiêu và hành động đó vi phạm quy định của ECOSOC là các tổ chức phi chính phủ xin quy chế tư vấn phải có mục tiêu phù hợp với tinh thần, mục đích, nguyên tắc của Hiến chương LHQ và không được có các việc làm vì động cơ chính trị chống lại quốc gia thành viên LHQ.


Đại sứ Lê Hoài Trung cũng giới thiệu quy định của Hiến pháp Việt Nam về việc Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc cùng các biện pháp thực hiện và thực tế đời sống của cộng đồng 54 các dân tộc Việt Nam, trong đó có đồng bào Khmer, ngày càng được cải thiện trên nhiều mặt.


Chia sẻ lo ngại về ý đồ và các hoạt động của KKF, nhiều nước ở trong và ngoài khu vực đã nhất trí với đề nghị của Việt Nam là không để tổ chức này có quy chế tư vấn, cũng qua đó để các tổ chức phi chính phủ nhận thức cần nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu của ECOSOC về quy chế này.

 


Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)