11:08 04/11/2014

EC nhiệm kỳ mới: sự trông đợi đầy sốt ruột

Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới được trông đợi với nhiều tò mò và "sốt ruột".

Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ mới bắt đầu khởi động từ ngày 1/11 nhưng chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 3/11 và đây là một Ủy ban được trông đợi với nhiều tò mò và "sốt ruột".

Tòa nhà Berlaymont, nơi đóng đô của EC. Ảnh: Telegraph


Tân chủ tịch Jean-Claude Juncker và 27 ủy viên của mình trong đó có ủy viên của Bỉ Marianne Thyssen phụ trách các vấn đề về việc làm, bắt đầu nhiệm kỳ mới với nhiều vấn đề quan trọng.

Trước tiên, sự sốt ruột tập trung vào những thách thức mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt. Thứ nhất đó là thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Mặc dù thị trường lao động có vẻ ổn định nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại ở mức đáng báo động tại một số quốc gia thành viên. Tình trạng nghèo đói gia tăng và giải quyết việc làm chính là mối ưu tiên của tân Chủ tịch EC.

Để giải quyết nhiệm vụ "ưu tiên này", ê kíp của Chủ tịch Juncker phải giải thích được khoản tiền đầu tư trị giá 300 tỷ euro được hứa hẹn cho toàn châu Âu sẽ lấy ở đâu. Và khoản tiền này sẽ được đầu tư chính xác vào đâu?

Tất cả đang trông chờ vị tân Chủ tịch, người đã hứa sẽ ngay lập tức bàn đến việc này với ê kíp của mình, đặc biệt với vị phó Chủ tịch EC Jyrki Katainen. Cuối năm nay, ông Jean-Claude Juncker sẽ trình bày kế hoạch của mình.

Những thách thức khác

Hội nghị Thượng đỉnh mới đây của EU xác định các thách thức của Liên minh mà trước mắt là chính sách của châu Âu nhằm chống lại sự nóng lên của trái đất, trong bối cảnh hội nghị của Liên hiệp quốc về khí hậu sẽ diễn ra tại Paris.

28 thành viên đưa ra mục tiêu, EC phải tìm ra khuôn khổ pháp lý và đảm nhiệm vai trò khó khăn đối với các quốc gia khác như Trung Quốc hoặc Nga.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng phải tập trung vào chính sách năng lượng của Liên minh hiện quá phụ thuộc vào bên ngoài để có thể bứt ra khỏi sự phụ thuộc nguồn khí đốt từ Nga. Một thách thức khác, đó là chính sách nhập cư mà hiện nay các cuộc xung đột đang gia tăng khiến số lượng người nhập cư tới gõ cửa các quốc gia thành viên EU ngày một đông.

Ngoài những thách thức nêu trên, bộ máy tổ chức của EC cũng kích thích sự tò mò của bên ngoài do Ủy ban nhiệm kỳ mới có khá nhiều chính trị gia quan trọng: 7 phó chủ tịch chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của các ủy viên đồng thời cũng theo dõi họ.

Trong số các ủy viên có những người giữ những vị trí được nhiều người đánh giá là "không thể tưởng tượng" như ủy viên Anh phụ trách điều phối thị trường tài chính, ủy viên Hungary phụ trách các vấn đề về công dân và nhân quyền, ủy viên Tây Ban Nha, cổ đông của các công ty dầu khí phụ trách chống biến đổi khí hậu…

Giới quan sát còn nghi ngờ vai trò thực sự của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khi so sánh giữa ông và người phó Chủ tịch thứ nhất Frans Timmermans, người mà ông Juncker coi là "cánh tay phải và bàn tay trái" của mình.

Tóm lại, đây là một quá trình "quét dọn" tòa nhà Berlaymont, nơi EC đóng đô, hoặc chí ít đây là lời hứa của một sự thay đổi mạnh mẽ mà mọi người đang trông đợi vào EC nhiều đổi mới.


Hương Giang(Phóng viên TTXVN tại Bỉ)