10:10 20/10/2014

Đường sắt Việt Nam với bài toán hiện đại hóa

Ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tuyến tàu hỏa đầu tiên sau khi Việt Nam giành độc lập từ Hải Phòng về Hà Nội, Người đã gửi thư khen ngợi nhân viên hỏa xa.

Ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tuyến tàu hỏa đầu tiên sau khi Việt Nam giành độc lập từ Hải Phòng về Hà Nội, Người đã gửi thư khen ngợi nhân viên hỏa xa. Năm 1996, thể theo nguyện vọng và đề nghị của công nhân viên chức ngành đường sắt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/10 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành đường sắt.

Lịch sử Đường sắt Việt Nam có từ 130 năm trước khi thực dân Pháp ồ ạt bình định và khai thác tài nguyên của nước ta. Thời kỳ này, chúng xây dựng những tuyến xe goòng phục vụ việc khai thác, vận chuyển khoáng sản, mủ cao su. Năm 1881, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, rồi nhiều tuyến đường sắt khác. Đến năm 1936, Việt Nam đã có trên 2.600 km đường xe lửa chạy suốt chiều dài đất nước và nhiều trục ngang quan trọng khác.


Cùng với việc xây dựng và phát triển hệ thống đường sắt, thực dân Pháp còn cho xây dựng rất nhiều nhà máy phục vụ cho khai thác hỏa xa thuộc địa. Tại các nhà máy này, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo anh chị em công nhân giàu lòng yêu nước, là cơ sở tin cậy để Đảng ta xây dựng phong trào. Thời kỳ này, tàu hỏa trở thành phương tiện truyền tải tài liệu, là đầu mối giao thông liên lạc tốt nhất của Đảng.


Ảnh minh họa.


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, hòa bình chưa được bao lâu thì đế quốc Pháp quay lại gây hấn ở Nam Bộ. Ngành đường sắt tổ chức những chuyến tàu Nam tiến, đưa tiễn những chiến sỹ con em miền Bắc vào Nam chiến đấu.


Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, công nhân ngành đường sắt đã thực hiện tốt chủ trương tiêu thổ kháng chiến nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược; khôi phục, phát triển hoạt động của các tuyến đường sắt. Đội ngũ công nhân đường sắt chấp nhận mọi hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông đường sắt, vận tải chi viện cho chiến trường đánh to thắng lớn, với tinh thần: “Tiếng hát át tiếng bom”, “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, sáng tạo ra phương thức vận tải nổi tiếng “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày toàn thắng.


Đất nước thống nhất, toàn ngành vượt qua khó khăn, thiếu thốn, huy động tối đa nhân tài, vật lực cùng 10 vạn quân dân cả nước làm mới và khôi phục con đường sắt dài gần 2000 km đã bị phá hoại trong chiến tranh, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa của nhân dân hai miền. Ngành cũng đã xây dựng thêm một số tuyến đường sắt mới như: tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Uông Bí, tuyến đường sắt vành đài phía Tây Hà Nội,…


Bước vào thời kỳ đổi mới, Ngành đường sắt đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, bước đi thích hợp cho từng giai đoạn, lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện ngành đường sắt Việt Nam. Từ năm 1988 đến năm 2004, ngành đường sắt đã 9 lần rút ngắn thời gian chạy tàu hành khách từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh xuống còn 29h30. Nhiều nhà ga đã tổ chức tốt các dịch vụ đưa đón khách đi tàu trật tự an toàn, lộ trình hoạt động của các chuyến tàu được ngành được sắt hoạt động theo một quy trình nghiêm ngặt phối hợp thông suốt giữa các bộ phận trong toàn tuyến. Đến nay, cơ sở vật chất, kỹ thuật và chất lượng vận tải của ngành được củng cố và phát triển.


Những năm gần đây, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt thì ngành đường sắt còn đầu tư cho sức kéo, sức chở như thay các đầu máy hơi nước bằng các đầu máy diezen, có công suất lớn. Ngành cũng tự thiết kế và chế tạo các toa xe cao cấp, có tiện nghi ngày một tốt hơn: toa xe 2 tầng, toa xe container, chế tạo và lắp rắp đầu máy diezen có công suất lớn. Đối với các ga của đường sắt thì đã nối mạng, bán vé bằng hệ thống điện toán, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Để đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường sắt thì các đường ngang không có người gác ngành đã lắp hệ thống cảnh báo tự động. Mặc dù do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, trong những năm qua sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt vẫn tăng trưởng trên 13%/năm, kinh doanh có lãi trên 20%.


Cùng với việc đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật, ngành còn chú trọng đến năng lực và phẩm chất cán bộ, trình độ và tay nghề của công nhân viên thông qua các trường đào tạo của ngành và hợp tác tuyển lựa các trí thức trẻ từ các trường đại học trong và ngoài nước, đồng thời có chế độ chính sách đãi ngộ chính đáng, khuyến khích tài năng phát triển trong lao động sáng tạo. Ngành đã chủ động hội nhập với các nước trong khu vực và toàn thế giới, để đón nhận những vận hội mới, trước mắt là những dự án phát triển của Hiệp hội đường sắt ASEAN.


Trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục nêu cao ý chí tự lực, tự cường, giữ vững đoàn kết, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2050.


Ngành đường sắt đang tập trung nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tăng sản lượng và doanh thu hàng năm trên 10%/năm và nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường sắt. Tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển cơ cấu hạ tầng đường sắt. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đường sắt để nâng cao sản lượng và doanh thu, nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, sắp xếp và đổi mới, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp trong đường sắt. Đầu tư nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành đường sắt như nhân lực cho đường sắt điện khí hóa, đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc.



Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN