10:07 30/10/2016

Dừng ngay trò “like là làm”

Vừa qua, nhiều phụ huynh và học sinh trong cả nước bàng hoàng khi một nữ sinh tên N.H (13 tuổi, ở Khánh Hòa) châm lửa đốt trường THCS Phạm Ngũ Lão thuộc xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tại sao một nữ học sinh lại dám làm chuyện "động trời" như vậy?

Nguyên nhân là nữ sinh này đã thách thức trên trang Facebook cá nhân của mình "nếu được 1.000 likes sẽ châm lửa đốt trường". Không ngờ dòng thời gian (status) vu vơ ấy lại nhận được hơn cả 1.000 likes. Cô bé đã mang xăng tới trường đốt.

"Like là làm" (hay nói là làm) là phong trào của giới trẻ trong cộng đồng mạng xã hội, nhen nhóm trong thời gian gần đây. Các bạn trẻ, đôi khi chỉ vì muốn câu like, có ý đùa giỡn hay chỉ là những lời nói vu vơ khiến cho các thành viên Facebook khác nhảy vào like tới tấp để thách thức cá nhân phải thực hiện lời mình đã nói. Do sĩ diện hão, cái tôi quá lớn, ở tuổi dở dở ương ươngchưa suy nghĩ chín chắn nên các bạn trẻ có những hành động không tưởng.

Trước đó, vào tháng 9/2016, một thanh niên tên N.T (quận Tân Phú, TP.HCM) đã tẩm xăng tự thiêu để thực hiện lời hứa: "Bức hình này đủ 40.000 like tôi đổ xăng từ trên người xuống rồi lấy hột quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa!”. Thật không ngờ, lượt like về bức hình đó đã vượt lên cả trăm nghìn và chàng trai trẻ đã thực hiện lời hứa. May thay chàng trai 20 tuổi này mặc lớp áo dày và nhảy nhanh xuống nước nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Không riêng gì các bạn trẻ bồng bột mà ngay cả nghệ sĩ cũng làm trò này. Vào mùa SEA Games 28 (2015), ở môn bóng đá nam, trước trận Việt Nam gặp Thái Lan vòng bảng B, ca sĩ T.H đã "nói là làm" trên tường nhà Facebook của mình rằng, nếu Việt Nam thua, anh sẽ cạo đầu. Không ngờ Việt Nam thua thật (1 - 3), T.H buộc phải "xuống tóc".

Những nhân vật chính thách thức trong việc "nói là làm" trên Facebook thật đáng trách nhưng một bộ phận cư dân mạng cũng cần phải kịch liệt lên án. Thay vì không quan tâm đến những câu chuyện nhảm nhí ấy, các bạn lại lao vào like, view, share, tag một cách vô tội vạ mà không nghĩ đến hậu quả. Thậm chí, các bạn còn sử dụng nhiều tài khoản Facebook cố like cho bằng được đủ số lượng để người thách thức buộc phải làm theo. Nếu như lờ đi, những người trẻ rảnh rỗi này ép buộc, hối thúc, thậm chí dọa sẽ bị đánh (ngoài đời) nếu không thực hiện lời hứa của mình.

Trước đây phong trào "like là làm" đôi khi xuất phát trong những suy nghĩ nhất thời của các bạn trẻ, và nó mang tính chất nhẹ nhàng, dễ thực hiện. Nhưng hiện tại, hành động này đang chuyển qua vạch tiêu cực khi mức độ thực hiện lời hứa không còn dừng lại ở chỗ: hôn, mặc áo tắm, hát, múa, lắc mông mà đã trở thành hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy chính quyền địa phương, nhà trường phải khéo léo xử lý kịp thời để các em, nhất là những em vị thành niên thôi ngay hành động phá hoại tài sản công, hủy hoại thân thể mình, xâm phạm đến danh dự người khác... theo phong trào “nói là làm”. Trào lưu này đang mạnh lên, nếu không có giải pháp kịp thời chấn chỉnh có thể các bạn sẽ bị người xấu lợi dụng, kích động, ảnh hưởng đến Nhà nước Việt Nam ta.

Về gia đình, phụ huynh nên quan tâm con cái thường xuyên để trẻ giảm bớt việc "lướt phây" hàng giờ rồi làm những điều dại dột, sống ảo thái quá. Tuổi vị thành niên thường có những suy nghĩ thiếu chín chắn, hay làm những điều dại dột khi bị châm chọc, khích bác, mỉa mai. Bởi bản ngã ở giai đoạn này chưa hoàn chỉnh nên cha mẹ phải cho con cái thấy việc gì có ích cần làm và việc gì vô bổ nên tránh xa. Cần dạy con cái sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, không nên hủy hoại thân thể mình. Thay vì "nói là làm" bằng hành động ngông cuồng, nên đặt mục tiêu cho mình theo hướng tích cực và chẳng cần vận động ai like mà chính mình phải phấn đấu vươn lên.
Nguyễn Hoàng Duy