05:14 17/05/2012

Đụng độ tại Libi, 7 người thiệt mạng

7 người đã thiệt mạng và hơn 20 bị thương trong vụ đụng độ xảy ra ngày 16/5 tại thành phố Ghadames (Libi)

Phát ngôn viên Chính phủ Libi Nasser al-Manaa cho biết, 7 người đã thiệt mạng và hơn 20 bị thương trong vụ đụng độ xảy ra ngày 16/5 tại thành phố Ghadames, cách thủ đô Tripôli 600km về phía Tây Nam và gần biên giới với Angiêri và Tuynidi.

 

Trước đó, ngày 5/4/2012 Libi cũng xảy ra cuộc xung đột giáo phái làm 18 người thiệt mạng. Trong ảnh: Các tay súng vùng Zuwarah thu nhặt vũ khí sau một ngày diễn ra xung đột. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong số những người thiệt mạng, có 6 tay súng tiến hành vụ tấn công và một người dân địa phương. Nhân viên y tế địa phương cũng đã xác nhận con số thương vong trên.

 

Ông Manaa  không nêu danh tính của các tay súng song cho biết quân đội chính phủ đã tiến vào Ghadames và kiểm soát được tình hình. Trong khi đó, các quan chức thành phố Ghadames khẳng định các tay súng tiến hành vụ tấn công thuộc cộng đồng người Tuareg. N gười đứng đầu Hội đồng thành phố Ghadames, Saraj al-Din Bubaker cho biết một nhóm người Tuareg đã tấn công thành phố bằng súng phóng lựu khiến một số gia đình phải đi sơ tán.

 

Được biết đến như "Hòn ngọc của sa mạc", Ghadames là nơi lưu giữ nhiều di tích La Mã và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

Cộng đồng người Tuareg bị cáo buộc ủng hộ chính quyền Moamer Kadhafi, vì vậy sau khi chính quyền này sụp đổ, người Tuareg đã bị đuổi ra khỏi một số thành phố của Libi, trong đó có Ghadames. Các tổ chức nhân quyền cho rằng sau khi chính quyền Kadhafi sụp đổ, cộng đồng người Taureg đã trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc và là mục tiêu trong các vụ tấn công báo thù.

 

Trong một diễn biến liên quan, một quan chức ngoại giao cấp cao của Libi ngày 16/5 cho biết con trai cố lãnh đạo Kadhafi, Seif al-Islam, đang từ chối việc chỉ định luật sư bào chữa.

 

Trong thời gian tới, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) sẽ phải quyết định có chấp nhận yêu cầu của chính quyền Libi xét xử Ixlam tại tòa án trong nước hay không. Hiện Ixlam đang bị lực lượng dân quân ở thành phố Zintan giam giữ và các tổ chức nhân quyền nghi ngờ Ixlam không được tiếp cận với các luật sư bào chữa.

 

Phó Đại sứ Libi tại Liên hợp quốc, Ibrahim Dabbashi khẳng định Ixlam có thể có luật sư bào chữa nếu anh ta muốn và theo luật pháp của Libi, không thể xét xử Ixlam nếu không có luật sư bào chữa. Theo ông Dabbashi , cho đến nay Ixlam vẫn từ chối chỉ định luật sư bào chữa cho mình, trong khi về phía chính quyền hoàn toàn không có trở ngại nào trong việc chỉ định luật sư bào chữa cho anh ta.

 

ICC trước đó đã chỉ định luật sư Xavier-Jean Keita bào chữa cho Ixlam tại tòa án ở La Hay, tuy nhiên ông này không liên lạc được với Ixlam. Trưởng công tố ICC, ông Luis Moreno-Ocampo cho biết văn phòng của ông sẽ đưa ra quan điểm với ICC vào ngày 4/6 tới về việc liệu có cho phép chính quyền Libi xét xử Ixlam hay không. Theo ông, các thẩm phán có thể cần thêm các bằng chứng từ chính phủ Libi hoặc các bên liên quan khác để đi đến kết luận về việc này.

 

TTXVN/Tin tức