06:23 23/06/2015

Đừng coi đó là thất bại

Tại SEA Games 28 vừa kết thúc ở Singapore, dù không lọt vào trận chung kết, nhưng U23 Việt Nam đã để lại một dấu ấn khó quên với người hâm mộ về lối đá kỹ thuật, cống hiến.

Tại SEA Games 28 vừa kết thúc ở Singapore, dù không lọt vào trận chung kết, nhưng U23 Việt Nam đã để lại một dấu ấn khó quên với người hâm mộ về lối đá kỹ thuật, cống hiến. 


SEA Games 28 chắc chắn sẽ là một bài học đáng quý cho U23 Việt Nam khi để thua đối thủ dưới tầm Myanmar ở trận bán kết, nhưng đừng xem đó là thất bại, mà phải coi đó là thời điểm cần thiết để những nhà hoạch định bóng đá nước nhà nhìn nhận và đánh giá chính xác về công tác đầu tư cho bóng đá hiện nay.


Nói đầu tư cho bóng đá thì hết sức mung lung, xin chỉ gói gọn trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Cần phải khẳng định, sở dĩ bóng đá Việt Nam có được lứa cầu thủ chất lượng như U23 hiện nay, nếu nhận xét một cách chính xác, đó là sự nỗ lực của các câu lạc bộ (CLB) trong việc đầu tư cho công tác đào tạo trẻ nhiều năm qua, tiêu biểu là Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Tuy nhiên, nền bóng đá Việt Nam không thể chỉ trông chờ ở một lứa cầu thủ, mà cần có nhiều lứa tuổi kế cận nhằm bảo đảm tính hệ thống trong đào tạo cầu thủ trẻ. Muốn làm được như vậy, sự đầu tư của một CLB thôi chưa đủ, mà cần có nhiều CLB như Hoàng Anh Gia Lai. Bên cạnh đó, vai trò của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hết sức quan trọng.


Tuy nhiên, công tác đào tạo cầu thủ trẻ thời gian qua vẫn biểu hiện sự manh mún, theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu tính liên kết giữa các trung tâm đào tạo với nhau, giữa VFF và các câu lạc bộ. Hiện nay, công tác đào tạo trẻ chủ yếu dựa vào điều kiện của câu lạc bộ và của từng địa phương. Đơn cử như SLNA, mục đích của họ là đào tạo cầu thủ trẻ để bổ sung cho đội với cách làm từ thời Đoàn Bóng đá SLNA; Viettel dù không có đội chuyên nghiệp nhưng vẫn cứ đào tạo; HAGL thì xác định đầu tư vào bóng đá trẻ theo công nghệ Arsenal với hy vọng cầu thủ “xuất khẩu” được thì phần ăn chia với Arsenal cũng tăng, đồng thời cũng đảm bảo việc đầu ra cho đội HAGL đang thiếu. Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) thì tập trung các cựu tuyển thủ về huấn luyện cầu thủ trẻ theo từng khóa và cũng chưa định hình được đầu ra cho các cầu thủ trẻ. VFF thì không trực tiếp đào tạo trẻ, nhưng nay vẫn muốn ôm chuyện đào tạo cầu thủ với mục tiêu là tranh thủ nguồn kinh phí từ Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA).


Còn nhớ, những năm 90 của thế kỷ trước, công tác đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài (thông qua sự giới thiệu và hỗ trợ của FIFA). Tuy nhiên, do bất đồng về quan điểm nên rất nhiều chuyên gia nổi tiếng đã không trụ được lâu với bóng đá Việt Nam. Điển hình, ông Klau Efbighausen (được Ủy ban Olympic Đức tài trợ) cho sang hỗ trợ bóng đá Việt Nam, nhưng ông lại bị cô lập và sớm phải trở về nước. Tiếp đến là ông Rainer Willfeld (người Đức) được đánh giá có kinh nghiệm trong công tác đào tạo trẻ, nhưng ông cũng không được VFF giao việc cụ thể, đành “ngồi chơi xơi nước” trong thời gian dài.


Nhìn sang đất nước Nhật Bản, các đội tuyển của họ vốn được hình thành dựa trên sự tuyển chọn từ nhiều tuyến cầu thủ của 15 câu lạc bộ chuyên nghiệp đang đá tại J.League. Đây đều là những cầu thủ đã chọn con đường thi đấu chuyên nghiệp và được rèn luyện thông qua các giải đấu mà các CLB chuyên nghiệp bắt buộc phải tham gia. Các tuyến trẻ của các CLB chuyên nghiệp Nhật Bản được hình thành dựa trên cơ sở đào tạo của chính các CLB này và nguồn cầu thủ lại đến từ một hệ thống khác cung cấp chứ không phải trực tiếp tuyển chọn đại trà như kiểu các lò đào tạo của ta đang thực hiện. Nói cách khác, muốn được có mặt trong những đội tuyển trẻ (nhiều lứa tuổi) của các CLB, các cầu thủ trẻ đã phải trải qua thử thách khắc nghiệt từ những trung tâm bóng đá cấp thấp. Có lẽ, đây là lý do mà giải đấu chuyên nghiệp của Nhật Bản chất lượng vượt xa so với giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.


Theo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp đã được VFF ban hành, các CLB phải có trung tâm đào tạo trẻ hoặc học viện bóng đá. Đây là chủ trương đúng và hy vọng nó sớm được đầu tư đúng tầm để bóng đá nước nhà không còn phải mang tiếng là “ăn xổi”.


Yến Nhi