07:10 16/07/2012

Đức ra điều kiện cứu trợ các nước láng giềng

Bà Merkel cảnh báo: "Bất cứ nước nào tìm cách né tránh các điều kiện và sự giám sát sẽ không có cơ hội nhận tiền cứu trợ từ nước Đức".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ZDF phát sóng tối 15/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với một Liên minh châu Âu (EU) tập trung quyền lực và gắn bó chặt chẽ hơn.

 

 Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu cho thấy Berlin sẽ gắn điều kiện vào những khoản cứu trợ dành cho các nước láng giềng đang ngập trong nợ nần.

 

Ngày 27/6, tại Paris, Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) có cuộc găọ với Tổng thống Pháp Francois Hollande bàn biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ảnh: THX/TTXVN

 

Theo Thủ tướng Merkel, về dài hạn, EU nên trở thành một liên minh chính trị chặt chẽ hơn với những công cụ mang tính ràng buộc đối với các thành viên, và có thể trừng phạt quốc gia nào vi phạm luật lệ. Tương lai của EU sẽ là chủ đề chi phối cuộc bầu cử liên bang ở Đức trong năm 2013 khi bà Merkel tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba. Nữ Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh rằng các gói cứu trợ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang khủng hoảng nợ công không thể không gắn với điều kiện. Những quốc gia ngập trong nợ nần phải cần tới "phao cứu sinh" từ bên ngoài nên tuân thủ triệt để những mục tiêu tài chính của mình, đồng thời chấp nhận vai trò giám sát sâu rộng hơn từ phía EU. Bà Merkel cảnh báo: "Bất cứ nước nào tìm cách né tránh các điều kiện và sự giám sát sẽ không có cơ hội nhận tiền cứu trợ từ nước Đức".

 

Mặc dù vậy, khi đề cập tới việc Hạ viện Đức chuẩn bị bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ trị giá 100 tỷ euro dành cho các ngân hàng Tây Ban Nha vào ngày 19/7 tới đây, Thủ tướng Merkel tin rằng kế hoạch này vẫn giành được sự ủng hộ của đa số các nghị sỹ. Đối với trường hợp Hy Lạp, bà cho biết Đức đang chờ bản báo cáo đánh giá của các kiểm toán viên thuộc Nhóm Bộ ba gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và EU trước khi triển khai những bước đi mới.

 

Trong khi đó, ông Vittorio Grilli - Bộ trưởng Tài chính Italia mới được bổ nhiệm, ngày 15/7 đã lên tiếng kêu gọi các thị trường quốc tế cần ghi nhận những kết quả mà nước này đạt được trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng nợ. Quan chức này nhấn mạnh tiến trình giao bán các hoá đơn đã được cải thiện đáng kể so với một năm trước đây. Đường cong lợi suất - đồ thị phản ánh mối quan hệ giữa lãi suất và kỳ hạn của một công cụ nợ (cùng mức tín dụng và chất lượng), hiện nay đã hoàn toàn khác trước. Gió đang xoay chiều khi lãi suất ngắn hạn dần dần thấp hơn dài hạn. Cải cách cơ cấu đã được tiến hành, và không có nước nào làm được nhiều việc trong một thời gian ngắn như vậy, ông Grilli khẳng định.

 

* Theo đánh giá của giới phân tích, mặc dù đã có tiến triển, nhưng cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone hiện vẫn chưa có lối thoát. Và một mùa Hè khó khăn nữa đang đến với những diễn biến không lường trước được có thể khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. Alexandre Hezez thuộc hãng quản lý tài sản Convictions AM cho rằng tâm lý thị trường hiện nay rất tiêu cực. Nguyên nhân chủ yếu là các nguy cơ đe dọa khu vực ngân hàng khó có thể được hoá giải trong một vài tháng tới. Giới phân tích cảnh báo khi các nhà đầu tư đổ xô đi nghỉ, khối lượng giao dịch sẽ "xuống dốc không phanh" trong tháng Bảy và Tám. Còn nhớ, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Paris, Pháp đã giảm tới 18% trong khoảng thời gian từ 1/7 đến 1/9/2011.

 

Chiến lược gia về đầu tư Jean-Francois Robin của hãng Natixis cho rằng cuối tháng Bảy và cả tháng 8/2012 sẽ là cao điểm của tình trạng căng thẳng trên thị trường. Nếu lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha cao hơn mức 7,5%, nước này sẽ không còn cách nào khác là phải kêu gọi thêm cứu trợ. Những động thái như thế này một lần nữa lại khiến thị trường bị đóng băng. Nhà kinh tế Christian Parisot thuộc hãng Aurel BGC dự báo rằng giá cổ phiếu trên thị trường sẽ giảm mạnh do tác động của viễn canh bấp bênh và những kết quả dưới mức mong đợi.

 

TTXVN/Tin tức