05:11 22/05/2012

Đức, Pháp cam kết hỗ trợ giữ Hy Lạp trong Eurozone

Ngày 21/5, Đức và Pháp - hai nền kinh tế chủ chốt trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cam kết sẽ làm mọi việc cần thiết để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone.

Ngày 21/5, Đức và Pháp - hai nền kinh tế chủ chốt trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cam kết sẽ làm mọi việc cần thiết để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone.

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp đầu tiên giữa Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và người đồng cấp Pháp Pierre Moscovici tại Béclin. Bộ trưởng Tài chính Đức khẳng định: "Chúng tôi đã nhất trí sẽ làm tất cả để giữ Hy Lạp ở lại trong câu lạc bộ Euro".

 

Lãnh đạo một số nước và định chế tài chính quốc tế đặc biệt lo ngại khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone (ảnh minh họa). Nguồn: Internet

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp nhấn mạnh châu Âu phải hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở Hy Lạp vào thời điểm nước này đang trải qua cuộc suy thoái trầm trọng. Người đứng đầu Bộ Tài chính trong chính phủ mới ở Pháp cũng lưu ý rằng Hy Lạp có vị trí của họ trong Eurozone và Aten phải tôn trọng những cam kết trước đó và có những cải cách cần thiết để đổi lấy những gói cứu trợ khổng lồ.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố trên của các nhà quản lý tài chính cấp cao hai nền kinh tế đầu tàu trong Eurozone không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Hy Lạp, mà cả với khu vực sử dụng đồng ơrô trong bối cảnh hiện nay. Bởi việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo "hiệu ứng đôminô" trong Eurozone, giữa lúc một số nền kinh tế trong khu vực này cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự Hy Lạp.

Lãnh đạo một số nước và định chế tài chính quốc tế đặc biệt lo ngại khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone sau khi mới đây, nước này phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai trong vòng chưa đầy 2 tuần, một sự kiện được đánh giá có thể mang lại chiến thắng cho Liên minh các lực lượng cực tả Syriza, lực lượng vốn phản đối những cải cách mà chính quyền Aten trước đó buộc phải thực hiện để nhận được cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

TTXVN/Tin tức