Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) ngày 26/1 thông báo đã thành lập lực lượng đặc nhiệm để truy tố hình sự tội phạm trên ứng dụng nhắn tin Telegram, nhằm ngăn chặn các các mối đe dọa và nội dung kích động hận thù, bạo lực trên ứng dụng này.
Theo thông báo của BKA, nhiệm vụ của đơn vị mới là "xác định và truy tố các nghi can". Việc này được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng cảnh sát các bang và Trung tâm chống tội phạm mạng thuộc Cơ quan Tổng công tố Frankfurt am Main. Ngoài ra, BKA phối hợp với Cục Hình sự các bang theo dõi mức độ hợp tác của Telegram khi cần xoá và truy vấn dữ liệu trong lĩnh vực tội phạm mang động cơ chính trị, với mục đích cải thiện sự hợp tác, đặc biệt là làm rõ các cuộc gọi qua Telegram liên quan các hành động tội phạm nghiêm trọng như giết người.
Chủ tịch BKA Holger Münch cho biết đại dịch COVID-19 đã phần nào khiến người sử dụng mạng trở nên "cực đoan hóa" trên Telegram, có hành động đe dọa người khác hoặc thậm chí kích động giết người. Các chính trị gia và chuyên gia tham gia nỗ lực chống COVID-19 bị ảnh hưởng nhiều nhất. Giữa tháng 12 vừa qua, cảnh sát đã điều tra một nhóm trên Telegram lên kế hoạch sát hại Thủ hiến bang Sachsen, ông Michael Kretschmer. Do vậy, lực lượng chức năng cần phải kiên quyết xử lý tình trạng này, trong đó BKA sẽ nỗ lực hợp tác với Telegram, song sẽ tự hành động nếu Telegram không hợp tác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Nancy Faeser cho biết Telegram đặt trụ sở tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) cho đến nay vẫn từ chối hợp tác với nhà chức trách trong vấn đề này. Vài ngày trước đây, bà Faeser đã cảnh báo sẽ đóng cửa Telegram ở Đức. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Faeser kêu gọi châu Âu cần phải có giải pháp chung, bởi Đức không thể một mình giải quyết vấn đề này.