06:06 18/06/2011

Đức lên kế hoạch hủy diệt Liên Xô bằng... chết đói - Kỳ cuối: Đảo lộn cung cầu, hãm người chết đói

Kế hoạch cung ứng lương thực của Backe giờ đây chia Liên Xô thành hai vùng: Một “vùng dư thừa” bao gồm vùng Caucasus, toàn miền nam và đông nam Liên Xô.

Kế hoạch cung ứng lương thực của Backe giờ đây chia Liên Xô thành hai vùng: Một “vùng dư thừa” bao gồm vùng Caucasus, toàn miền nam và đông nam Liên Xô. Và một “vùng nhận hỗ trợ” không sản xuất nhiều nông nghiệp là “khu vực rừng” ở miền bắc, miền trung nước Nga cũng như Bêlarút với những trung tâm công nghiệp Mátxcơva và Leningrad.

Người dân Leningrad phải lấy tuyết để làm nước sinh hoạt.


Chỉ thị của Backe yêu cầu, những người chiếm đóng Đức phải chấm dứt việc phân chia lại giữa vựa ngũ cốc và vùng khô cằn, ít sản xuất nông nghiệp của đất nước khổng lồ này và nên chuyển số ngũ cốc dư thừa về Đức. Backe ý thức được rất rõ hậu quả của kế hoạch này: “Từ đó, đương nhiên là ngành công nghiệp sẽ chết cũng như một phần lớn người dân ở những vùng được nhận hỗ trợ trước đây sẽ đói”. Đặc biệt, dân thành phố sẽ phải chịu đựng “nạn đói lớn nhất”, nhưng cần phải từ chối mọi việc tìm cách cứu con người trước cái chết, bởi vì nó sẽ làm giảm sức chịu đựng của nước Đức.

Tư tưởng của chỉ thị này cũng được cấp dưới hào hứng đón nhận. Ví như nhà lâm nghiệp học Eugen von Engelhardt đã tính toán tình hình ở Bêlarút. Y viết vào một bảng biểu: “Dân thành phố: 2.000.000” và viết bằng tay mục tiêu mỉa mai: “Chết đói”. Theo ý muốn của y thì trong tổng số 8,6 triệu người dân nông thôn, khoảng một nửa cũng cần phải chết. Khoảng 1 triệu công nhân nông nghiệp “tự nguyện và không có đòi hỏi” từ Bêlarút có thể sử dụng làm công nhân lao động cưỡng bức.

Việc hủy diệt thông qua giảm thiểu cung cấp lương thực chỉ là một khía cạnh của chính sách kinh tế dã man, mà với chính sách đó, bọn Quốc xã bóc lột những người bị chiếm đóng khắp nơi ở châu Âu, trong đó, chúng cướp đi hàng tấn vàng, kim cương, buộc các nước bị chiếm đóng phải cống nạp, sửa đổi tỉ giá chuyển đổi có lợi cho đồng mark và đưa một đội quân nô lệ lao động về nước làm việc. Riêng chính sách nông nghiệp đã làm hàng triệu người chết, còn nhiều hơn cả kế hoạch ban đầu.

Chỉ hai tháng sau khi tấn công Liên Xô, quân đội Đức đã bắt đầu để cho Leningrad bị đói có hệ thống, thay vì chiếm lĩnh. Mặc dù quân đội Liên Xô chiến đấu quyết liệt, nhưng lẽ ra quân đội Đức vẫn có thể chiếm được thành phố đã bị tàn phá nặng nề vì đạn pháo và bom của không quân Đức. Nhưng đích thân Hitler đã ra lệnh, kể cả trong trường hợp thành phố đầu hàng, không một lính Đức nào được bước vào thành phố Leningrad để khỏi phải nuôi người dân ở đó. Bản án tử hình đối với hàng trăm nghìn người ở Leningrad được y “nói trại” ra là, Đức không quan tâm tới việc “duy trì” 3 triệu rưỡi dân ở đó.

Nhiều làng mạc bị lính Đức đốt trụi, dân bị giết để khỏi tốn thức ăn.


Tổng cộng, quân Đức đã bao vây thành phố trong 871 ngày, từ 8/9/1941 tới 27/1/1944. Goebbels tự hào ghi nhận là ở Leningrad đã “diễn ra một thảm kịch thành phố, mà lịch sử chưa từng biết tới”. Bị kiệt sức vì đói và lạnh âm 40 độ C, hơn 1 triệu người đã không sống sót được qua thời kỳ thành phố bị bao vây.

Leningrad chỉ là nơi thực thi kiên quyết nhất chính sách bỏ đói của Đức. Ở các thành phố khác, các nhà chức trách Đức cũng đưa mình trở thành quan tòa quyết định sự sống, cái chết và để cho những “kẻ sống thừa” bị chết đói có hệ thống để khỏi phải cho ăn. Họ đặt ra những kế hoạch tỉ mỉ: Những công nhân khỏe mạnh còn làm việc được cho những kẻ chiếm đóng thì được cung cấp thức ăn khá hơn. Những người ốm, yếu hoặc người Do Thái thường chỉ nhận được một nửa khẩu phần ăn vốn đã nghèo nàn. Và ở những làng mà theo đánh giá của cơ quan hành chính Đức có sản lượng quá ít, thì thường bị lấy cớ là chống du kích nên đốt trụi cả làng, dân làng bị bắt đi lao động cưỡng bức hoặc bị bắn chết.

Ngược lại, những kẻ chiếm đóng lại luôn thừa thức ăn. Chúng còn điều hàng đoàn tàu hỏa chở đầy ngũ cốc về Đức. Năm 1942, khi ở vùng Brest thuộc Bêlarút, khẩu phần bánh mỳ cho dân chúng bị hạ xuống 100 gram, thì các nhà chức trách Đức đóng ở địa phương còn dùng lúa mạch đen và lúa mỳ để cho ngựa ăn. Và trong khi quân đội Đức gửi về cho gia đình, họ hàng những thùng thức ăn thì tính riêng tới tháng 5/1942 đã có trên 2 triệu tù binh Nga bị chết, trong đó có nhiều người bị chết đói. Theo tính toán của bọn Quốc xã, về lâu dài, hàng triệu người chết sẽ nhường chỗ để định cư “chủng tộc thượng đẳng Aryan” ở miền đông.

Herbert Backe, kỹ sư nông nghiệp, người tham gia chính vào việc vạch ra chính sách bỏ đói này thì sao? Ngay từ đầu y đã biết là y phạm tội ác chống lại loài người. Năm 1941, khi viết về kế hoạch của mình, y đã nhấn mạnh rằng người ta phải chú ý để kẻ thù không được biết gì và người ta không được phép trích dẫn điều gì. Nhưng bất chấp mọi sự thận trọng, sau khi chiến tranh kết thúc, Backe đã bị bắt, sau khi đã leo lên chức Bộ trưởng Lương thực năm 1944 và lẽ ra bị đưa ra tòa án Nuernberg xét xử tội phạm chiến tranh. Nhưng trước khi phiên tòa bắt đầu, y đã treo cổ tự tử trong xà lim.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)