09:00 26/09/2011

Đưa "Mưa Huế" trở thành sản phẩm du lịch độc đáo

Ý tưởng đưa "Mưa Huế", từ một hiện tượng thời tiết bất lợi thành một sản phẩm du lịch lần đầu tiên được đưa ra trong hội thảo khoa học quốc tế "Xây dựng thương hiệu du lịch Huế" tại thành phố Huế từ tháng 2/2011.

Ý tưởng đưa "Mưa Huế", từ một hiện tượng thời tiết bất lợi thành một sản phẩm du lịch lần đầu tiên được đưa ra trong hội thảo khoa học quốc tế "Xây dựng thương hiệu du lịch Huế" tại thành phố Huế từ tháng 2/2011. Hiện thực hóa ý tưởng đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ triển khai để đưa "Mưa Huế" trở thành sản phẩm du lịch. Đây cũng sẽ là nét độc đáo và mới lạ nhất tại Festival Huế 2012.


 

Một cơn mưa Huế được các nhiếp ảnh gia ghi lại.


Theo Ban tổ chức Festival Huế, tỉnh sẽ biến những bất lợi về thời tiết thành sản phẩm du lịch bằng cách tạo ra những không gian thưởng lãm nghệ thuật trong mưa với phần triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh, nhạc phẩm... về mưa xứ Huế. Các hoạt động nghệ thuật gắn với khung cảnh trời mưa Huế như nhạc nước, múa rối nước, nghe thơ, vẽ tranh, chụp ảnh dưới mưa, trình diễn thời trang dưới mưa, giúp du khách trải nghiệm mưa Huế bằng những phương tiện vận chuyển phổ biến trong mưa của người dân...

Tính ra, mỗi năm Thừa Thiên - Huế có lượng mưa từ 2.700 mm - 4.000 mm, lớn nhất nước và số ngày mưa cũng kéo dài nhất, từ 200 - 220 ngày. Chính dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy song song bờ biển đến Thừa Thiên - Huế đột nhiên rẽ nhánh đâm ngang ra Biển Đông, chắn ngang hướng thổi của gió mùa đông bắc, khiến không khí lạnh tràn xuống bị chặn là nguyên nhân khiến cho vùng đất Cố đô mưa gần như quanh năm suốt tháng.

Trong kiến trúc cung đình Huế đều có hệ thống các trường lang, cầu có mái che nối từ nơi này sang nơi khác chính là sự thích nghi của người xưa về mưa dầm xứ Huế. Mưa dầm xứ Huế thường đi liền với gió và lạnh, chính những yếu tố tự nhiên này đã tạo ra phong cách sống của người Huế, đó là xem trọng mái ấm gia đình, một nếp sống hướng nội, kín đáo. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Tấn Phan nhìn mưa Huế qua nét ẩm thực, cho rằng nhìn vào khối lượng của những ấm, chén, khay trà, dụng cụ hỏa thực... từ triều đình đến người dân xứ Huế đủ thấy sự hình thành khá rõ nét một phong cách riêng phù hợp với điều kiện mưa dầm gió lạnh triền miên của vùng đất này.

Mưa Huế đã đi vào thi ca, nhạc họa: "Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả, trắng trời Trị Thiên" (Tố Hữu). Có người ví mưa Huế là một cách chơi đàn của trời (thiên vũ cầm), phép cộng của những sự va đập tinh tế và vô thường. Có lúc lặng lẽ như tiếng nói thầm trên mái lá, có lúc xa xôi như một câu chuyện xưa, hay có lúc cười nắc nẻ. Mưa Huế bí ẩn như một con người (Nguyễn Xuân Hoàng). Còn đối với họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế thì những "cấu trúc, sự nhòe mờ không ranh giới trong tranh tôi là ảnh hưởng vô thức của mưa Huế". Anh cũng cho biết: Nhiều nghệ sĩ khác của Huế cũng vậy, mưa Huế cũng là chất xúc tác cho sáng tác, gợi liên tưởng tạo hình. Không có những đợt mưa dai dẳng, Huế lúc đó sẽ không còn là Huế nữa.

Hy vọng "Mưa Huế" sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo để du khách có thể thưởng ngoạn được những khía cạnh nhân văn khác, ngoài những bất lợi về mặt thời tiết do mưa Huế mang lại...

Quốc Việt