11:10 01/11/2012

Đưa KH&CN trở thành động lực quan trọng nhất

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng tiếp tục khẳng định vai trò, nền tảng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng tiếp tục khẳng định vai trò, nền tảng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên lề kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nghiêm Vũ Khải (ảnh), Thứ trưởng Bộ KH&CN về vấn đề này.

 


Thưa thứ trưởng! Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật KH&CN (sửa đổi), vậy mục tiêu của việc sửa đổi là gì?


Tại phiên họp toàn thể tại hội trường ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật KH&CN (sửa đổi).


Thực tế cho thấy, năm 2012 đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN. Tháng 4/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2020. Đầu tháng 10/2012, tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) cũng đã ra Nghị quyết về KH&CN và tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét Luật KH&CN (sửa đổi). Mục tiêu của Luật KH&CN (sửa đổi) lần này tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, coi KH&CN là quốc sách hàng đầu và là nền tảng, động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Luật KH&CN (sửa đổi) lần này thể hiện chủ trương, giải pháp rất căn bản và có tính quyết liệt để thực sự đưa KH&CN trở thành động lực quan trọng nhất. Điều này thể hiện rõ trong kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua thể hiện quyết tâm chính trị, từ đó thể chế hóa những qui phạm pháp luật, cơ chế thực sự có hiệu lực, tăng cường năng lực KH&CN quốc gia, trong đó có cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực KH&CN đủ sức để giải quyết những vấn đề quan trọng, thiết yếu của đất nước, vừa có ý nghĩa trước mắt lại có tầm nhìn lâu dài để bảo đảm phát triển đất nước.


Trong Luật KH&CN (sửa đổi) lần này sẽ thể chế, cụ thể hóa một số nội dung rất căn bản. Quan trọng là những chủ trương, đầu tư được xác định rõ trong kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: Ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để phát triển KH&CN. Đây là câu nói toát lên chủ trương, bản chất và mục đích của việc sửa đổi Luật KH&CN.


Dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) gồm 80 điều, được chia thành 8 chương (bỏ 17/59 điều, sửa đổi 42/59 điều của Luật KH&CN hiện hành, đồng thời bổ sung 38 điều mới). So với luật hiện hành, có một số điểm mới sau đây: Sửa đổi, bổ sung làm rõ các quy định về tổ chức (Điều 10), nhiệm vụ của các tổ chức KH&CN (Điều 12) cho phù hợp với thực tiễn, với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; quy định rõ thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ (Điều 11); Giao cho Chính phủ quy hoạch hệ thống các tổ chức KH&CN của Nhà nước để bảo đảm phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN, thực hiện có hiệu quả các hoạt động KH&CN (Điều 10); bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cho đầy đủ hơn, phù hợp với thực tiễn và theo hướng phát huy sức sáng tạo, khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN (Điều 14, 15, 22 và 23). Bổ sung mục về tổ chức KH&CN có vốn nước ngoài và văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam cho phù hợp với tình hình hiện nay, có cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của các đơn vị có vốn nước ngoài thực tế đã hoạt động tại Việt Nam (Điều 16, 17, 18, 19). Bổ sung mục về điều kiện thành lập, ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN nhằm tạo điều kiện phát triển nhanh loại hình doanh nghiệp được hình thành từ kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, giúp các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu và có thể tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thông qua việc chuyển nhượng tài sản trí tuệ hoặc hưởng lợi nhuận từ doanh nghiệp mà họ có thể góp vốn bằng tài sản trí tuệ (Điều 20, 21). Chương III về tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN gồm 23 điều (từ Điều 24 đến Điều 44), được chia thành 5 mục: Phê duyệt nhiệm vụ KH&CN; phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hợp đồng KH&CN; đánh giá, nghiệm thu, đăng ký, lưu chiểu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; quyền sở hữu, quyền tác giả kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Một trong những điều mà giới khoa học và các doanh nghiệp quan tâm là Luật KH&CN (sửa đổi) lần này làm thế nào để phối hợp tốt hơn trong việc liên kết 4 nhà? Thứ trưởng có đánh giá gì về vấn đề này?


Một trong những nhược điểm trong quá trình quản lý cũng như trong quá trình hoạt động khoa học vừa qua là việc gắn kết giữa nhà khoa học với thực tiễn chưa thông suốt. Thường là các nhà khoa học hoặc tổ chức nghiên cứu những vấn đề mà họ có sở trường, có điều kiện chứ chưa thực sự gắn với thực tiễn. Trong lần sửa đổi này, Luật KH&CN hướng tới những vấn đề sau:


Thứ nhất là xác định nguồn kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước hay có sự phối hợp đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân khác. Rõ ràng xác định nhiệm vụ là yêu cầu cơ bản nhất hướng đến thực tiễn, đến những vấn đề trọng yếu. Ví dụ như vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, vấn đề sức khỏe của người dân, vấn đề bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu… Thực tiễn đó đang đặt ra nhiệm vụ rất to lớn, vì vậy bây giờ cần xác định nhiệm vụ của KH&CN gắn vào thực tiễn.


Thứ hai là xác định lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN.


Thứ ba là kiểm tra, giám sát, điều chỉnh những nội dung, mục đích của các đề tài, dự án. Và cuối cùng là nâng cao ứng dụng KH&CN vào thực tiễn cuộc sống.


Nhiệm vụ đặt ra hướng tới việc ai sẽ là người sử dụng kết quả nghiên cứu đó. Ví dụ như doanh nghiệp, hay cộng đồng, hay địa phương có thể tham gia vào ngay từ giai đoạn xác định nhiệm vụ và họ có thể hỗ trợ phối hợp trong quá trình thực hiện cho đến khi kết quả nghiên cứu ra đời thì đã có người, có nơi đón nhận kết quả ấy và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Đó là chủ trương xuyên suốt của Luật KH&CN.


Hàng năm, Nhà nước đầu tư 2% ngân sách cho KH&CN. Đây là nỗ lực lớn của Nhà nước, nhưng đầu tư của xã hội hiện tại rất thấp. Ở những nước tiên tiến và có nền KH&CN phát triển thì Nhà nước bỏ ra một phần, ngoài xã hội đóng góp tới 4 - 5 phần. Nhưng ở nước ta hiện nay đầu tư cho KH&CN chủ yếu là nguồn đầu tư của Nhà nước, phần đầu tư ở ngoài xã hội có đóng góp nhưng chưa nhiều. Từ đó, chúng ta phải phấn đấu đầu tư ngoài xã hội dành cho KH&CN tăng lên trong tương lai. Tôi nghĩ đầu tư nguồn tài chính là yếu tố rất quan trọng, nhưng tất nhiên còn căn cứ vào việc sử dụng nó như thế nào thì vô cùng quan trọng vì hiện tại chúng ta chưa có nguồn lực. Hy vọng trong thời gian tới KH&CN sẽ có bước phát triển đột phá như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mục tiêu CNH - HĐH đất nước.


Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Viết Tôn (thực hiện)