03:08 05/03/2015

Đưa học sinh trở lại trường sau Tết

Để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần sau Tết Nguyên đán, các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động cử thầy, cô giáo leo đèo, lội suối về các bản vận động phụ huynh, để học sinh ra lớp.

Để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần sau Tết Nguyên đán, các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động cử thầy, cô giáo leo đèo, lội suối về các bản vận động phụ huynh, để học sinh ra lớp.

Không để học sinh nghỉ học

Thầy giáo Hà Ánh Hùng, hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các năm trước, sau Tết, học sinh người dân tộc thiểu số nghỉ học nhiều, vì vậy dù về quê ăn Tết hay ở lại trường thì các thầy, cô giáo phải về trường sớm từ mồng 6/1 (Âm lịch) để đi từng bản vận động học sinh quay lại trường. Tuy vất vả, nhưng đưa được một em về trường là niềm vui của thầy cô giáo vùng cao biên giới như chúng tôi”.

Giáo viên vùng cao không ngại khó khăn, dịp lễ Tết, mùa vụ thường xuyên bám bản để vận động các em tới lớp.



Năm nay các em học sinh tỉnh Lai Châu được nghỉ Tết dài ngày, từ ngày 15 đến ngày mồng 1/3, buổi học đầu tiên Trường Tiểu học số 2 xã Pa Ủ vắng 16 em trên tổng số 197 em học sinh. “Năm nay tỷ lệ học sinh nghỉ học ít như vậy là do mấy ngày trước cán bộ Phòng Giáo dục huyện Mường Tè cùng với chính quyền xã, thầy cô giáo đi từng bản, gặp từng gia đình để vận động, đưa các em học sinh về trường bằng được. Ngày đầu tiên trường tổ chức học lại mà chỉ có 16 em nghỉ học là tốt rồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi vận động. Nếu không làm nhanh, ăn rằm xong, bước vào mùa phát nương làm rẫy, các em học sinh người La Hủ theo bố mẹ đi nương thì “mất” hết học sinh. Ngày mai, các thầy cô giáo tiếp tục chia nhau về từng bản để thuyết phục số học sinh còn lại về trường, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần”, thầy Hà Ánh Hùng chia sẻ.

Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè cho biết: “Huyện Mường Tè (Lai Châu) là huyện vùng cao, biên giới, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, địa hình chia cắt, đi lại rất khó khăn, nên các em học sinh vất vả và chịu nhiều thiệt thòi. Mùa làm nương, dịp lễ Tết, đầu năm học, các thầy cô giáo luôn bám bản để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em mình tới trường, tới lớp. Năm nay, trong ba ngày trước khi bước vào buổi học đầu tiên sau Tết, cán bộ Phòng giáo dục đã cùng giáo viên các trường, chính quyền địa phương, đồn biên phòng đến các bản để vận động học sinh ra lớp đầy đủ. Trường có học sinh người Mảng, người La Hủ thì tỷ lệ học sinh ra lớp sau Tết đạt 80%, vì dịp hè, lễ Tết, mùa làm nương là các em đua nhau nghỉ học. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền để vận động các em về trường sao cho đạt tỷ lệ một trăm phần trăm”.

Trước Tết diễn ra tục bắt vợ của dân tộc Mông, sau Tết các đôi nam nữ hợp lòng nhau thì gia đình tổ chức đám cưới, để chuẩn bị bước vào mùa vụ mới. Phụ huynh học sinh người Mông đến xin phép cho con được nghỉ học ở nhà vui rằm và ăn cưới cùng gia đình. Thầy Cao Đức Phú, hiệu trưởng Trường THCS xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết: “Phụ huynh xin phép thầy cô giáo cho con được nghỉ hết rằm tháng Giêng, nhà trường không cho nghỉ thì các em cũng tìm mọi cách để trốn về nhà. Bước vào học được hơn một tuần rồi, trường có 20 em người Mông vẫn chưa xuống học, tuy các bản này ở xa, đi lại khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cùng cán bộ xã vào tận nơi, gặp gia đình vận động để các em quay lại”.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền


Học sinh người dân tộc nghỉ học sau dịp lễ Tết, mùa hè, mùa làm nương vẫn diễn ra phổ biến ở các trường học vùng cao. Trong những năm gần đây tình trạng này được cải thiện dần nhờ sự chủ động, tích cực của ngành giáo dục chăm lo cho các em học sinh và tăng cường bám bản vận động đưa học sinh ra lớp. Tuy nhiên, lời giải cho việc học sinh dân tộc không nghỉ học, bỏ học vẫn còn luẩn quẩn, mặc dầu đội ngũ giáo viên vùng cao yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Theo ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Sơn La, để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, không còn tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài, chính quyền xã cần nâng cao trách nhiệm để giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân… phối hợp với trường học để xây dựng quy chế khen thưởng thường xuyên cho học sinh chăm ngoan học giỏi và gia đình hiếu học. Hương ước của các bản phải có nội dung cụ thể cho các gia đình phải khuyến khích con em đi học, không bắt ép con cái nghỉ đi nương và bỏ học kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi. Người dân sẽ dần nâng cao ý thức, quan tâm đến việc học của con cái, không để con mình nghỉ học, bỏ học.

Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Lai Châu cho rằng: “Bên cạnh việc khen thưởng các em hiếu học, học giỏi thì mỗi trường học vùng cao phải thực hiện nuôi, dạy các em học sinh thật tốt, giáo viên không cần đi vận động và đưa xe đến tận nhà đón, các em cũng tự giác tới trường bằng đôi chân của mình. Nhà trường phải tính toán khẩu phần ăn của học sinh, nấu như thế nào đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với sở thích của học sinh từng dân tộc; tổ chức trò chơi phải đa dạng và có thưởng… tạo môi trường vui tươi, thoải mái, hòa đồng giữa thầy và trò, học sinh dân tộc này với học sinh dân tộc khác. Môi trường giáo dục cải thiện, tỷ lệ chuyên cần đảm bảo và chất lượng giáo dục sẽ dần được nâng lên”.


Bài và ảnh: Việt Hoàng