05:15 05/05/2015

Dưa hấu Quảng Nam khó tìm đầu ra ổn định

Do đầu ra không ổn định nên bà con trồng dưa hấu tại tỉnh Quảng Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Trong những ngày này, người dân các huyện phía Nam tỉnh Quảng Nam như Núi Thành, Phú Ninh đang tập trung thu hoạch dưa hấu để xuất bán. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định nên bà con trồng dưa gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Người nông dân thua lỗ vì dưa hấu. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN


Hiện Phú Ninh là địa phương trồng dưa hấu nhiều nhất với khoảng 500 ha và đã đến kỳ thu hoạch. Do đầu vụ có mưa lớn cộng với việc ngưng cấp nước của thủy lợi Phú Ninh (sửa chữa kênh) nên đã ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng dưa trên địa bàn. 


Ông Đặng Bá Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, hiện trên địa bàn huyện Phú Ninh, các xã trồng nhiều dưa hấu gồm có Tam Phước, Tam Thành, Tam Lộc, thị trấn Phú Thịnh… Do ảnh hưởng của thời tiết nên có một số diện tích dưa đạt dưới 2 kg/quả và người dân phải bán với giá dưới 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, diện tích này chiếm không nhiều. Lãnh đạo huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng tư vấn, hỗ trợ về thị trường cho người dân để xuất bán theo đúng thời vụ. Tuy nhiên, do dưa hấu là mặt hàng nông sản không để lâu ngày được, cộng với việc trên địa bàn chưa có doanh nghiệp nào hợp tác thu mua và chế biến nên đầu ra cho sản phẩm này vẫn chưa ổn định. 


Theo khảo sát, người dân trên địa bàn huyện Phú Ninh đang xuất bán dưa tại ruộng với giá khoảng 3.500 đồng/kg loại dưa trên 2 kg/quả cho thương lái. Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết nếu tính theo giá thị trường thì mức giá hiện nay thấp hơn so với cùng kỳ của năm ngoái. Tuy nhiên, với mức giá này thì người dân trồng dưa vẫn đang có lãi. 


Để người nông dân trồng dưa thực sự đạt hiệu quả kinh tế cao và mang tính ổn định, hiện Phú Ninh đã quy hoạch vùng trồng dưa hấu theo hướng chuyên canh. Nếu trong trường hợp người dân không may bị thiên tai thì huyện sẽ xem xét hỗ trợ về giống cũng như kỹ thuật. 


Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Quảng Nam cũng cần sớm xem xét, xúc tiến phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có kế hoạch dài hơi trong việc thu mua, chế biến loại nông sản này tránh tình trạng người dân bị tư thương ép giá, để yên tâm sản xuất.



Nguyễn Sơn (TTXVN)