11:21 10/11/2011

Đưa hát Xẩm trở lại cộng đồng

Nhận thức được tầm quan trọng của nghệ thuật hát Xẩm đối với đời sống văn hóa của người dân Việt và ý thức gìn giữ nền văn hóa dân gian, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, khôi phục và đưa được loại hình nghệ thuật này trở lại với công chúng.

Nhận thức được tầm quan trọng của nghệ thuật hát Xẩm đối với đời sống văn hóa của người dân Việt và ý thức gìn giữ nền văn hóa dân gian, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, khôi phục và đưa được loại hình nghệ thuật này trở lại với công chúng.

Nhận thấy Xẩm là một loại hình nghệ thuật dân gian quý báu của Hà Nội cũng như Việt Nam, rất cần được phục hồi, năm 2005, nhóm các nhà nghiên cứu gồm GS.TS Phạm Minh Khang (nguyên Chủ nhiệm Khoa Lý luận- Sáng tác- Chỉ huy), nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Văn Ty, nhạc sỹ Quang Long, nhạc sỹ Mai Tuyết Hoa... thuộc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (TTAN Việt Nam) quyết tâm phục hồi nghệ thuật hát Xẩm. Thành quả đầu tiên của công trình nghiên cứu mang tính thực tiễn này là album “Xẩm Hà Nội” được NXB Âm nhạc phát hành. Sau đó là sự xuất hiện của chiếu Xẩm dân gian “Hà Nội 36 phố phường” tại chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, cho tới bây giờ sân khấu này vẫn sáng đèn vào các tối thứ 7 hằng tuần ngay tại dưới chân Tượng đài Hà Nội mùa đông năm 1946.


Có đến tận nơi xem các nghệ sỹ biểu diễn mới thấy được nét đặc sắc và giá trị của loại hình nghệ thuật này. Giữa chốn Hà thành hoa lệ, nhóm nghệ sĩ trẻ gồm các chàng trai bận quần áo nâu, những cô gái áo nâu yếm thắm, váy “bu gà”, đi chân đất hát Xẩm trên sân khấu đã thu hút đông đảo khán giả. Chương trình bắt đầu vào lúc 20 giờ, nhưng từ 18 giờ, người dân đã đến rất đông, có người sợ thiếu ghế, tự mang ghế từ nhà đến ngồi xem. Trời mưa, giá rét hay nóng nực, sân khấu lúc nào cũng chật kín khán giả. Sau mỗi tiết mục biểu diễn, những tràng vỗ tay nồng nhiệt không ngớt vang lên…

Đã nhiều lần cùng những người bạn già của mình đến chiếu Xẩm ở chợ Đồng Xuân, nhưng mỗi lần đến đây, bà Nguyễn Thị Mai, trú tại quận Hoàn Kiếm lại có một cảm xúc khác nhau. Bà Mai kể lại: Ngày bé, mỗi khi được bố mẹ cho đi chợ, hay đi chơi công viên, tôi hay được nghe những bài hát Xẩm này và có ấn tượng rất đặc biệt. May sao, sau nhiều năm vắng bóng, bây giờ tôi lại được nghe hát Xẩm, dù công việc bận rộn, nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian để đi nghe hát Xẩm vào các tối thứ 7 hàng tuần. Chị Lục Hoa, một du khách người Trung Quốc cũng vô cùng thích thú khi xem loại hình nghệ thuật này. Chị Hoa cho biết: “Tôi đã sang Việt Nam 3 lần, và cả 3 lần tôi đều đến đây nghe hát. Đất nước các bạn có những loại hình nghệ thuật rất độc đáo, tôi thấy rất thích...”.

Không chỉ có người già, những du khách nước ngoài yêu thích, mà rất nhiều bạn trẻ khi được nghe hát Xẩm đã mê và xin theo học loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nghệ sỹ trẻ Thu Phương là một ví dụ. Mới 26 tuổi đời, nhưng Thu Phương đã gắn bó với Xẩm hơn 4 năm nay. Phương kể: Cách đây khoảng 5 năm, một lần xem tivi phát chương trình hát Xẩm của TTAN Việt Nam, vốn mê âm nhạc dân gian từ nhỏ, em đã đóng cửa cửa hàng chăm sóc sắc đẹp vốn đang rất đông khách của mình, khăn gói lên Hà Nội xin học hát Xẩm, với mong muốn đơn giản là học để bù đắp những kiến thức thiếu hụt của mình, được học nghệ thuật mà mình yêu thích. Được những người thầy ở Trung tâm dìu dắt, rồi em được đi biểu diễn, được khán giả đón nhận, cổ vũ, dành cho em nhiều tình cảm chân thành, em rất hạnh phúc vì thấy việc làm của mình có ý nghĩa. Em nghĩ, nếu được tạo điều kiện, có nhiều cơ hội để tiếp xúc và thử sức mình với âm nhạc dân gian, thì các bạn trẻ sẽ hiểu và yêu dòng nhạc này hơn…

Cũng chỉ vì mê nhạc truyền thống, nên dù bị gia đình phản đối kịch liệt, nhưng nghệ sỹ trẻ Đức Huy vẫn bỏ cả đại học để theo học hát Xẩm và các loại hình nghệ thuật dân gian. Huy tâm sự: Quyết định này xuất phát từ tình yêu sâu sắc với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là hát Xẩm, một loại hình nghệ thuật dân gian rất bình dị, nhưng cũng rất đặc sắc. Giống như Thu Phương, Huy chỉ mong muốn nghệ thuật truyền thống được mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ biết đến và coi trọng.

Trong những nỗ lực đưa hát Xẩm trở lại với cộng đồng, TTAN Việt Nam còn tổ chức phục dựng lại lễ Giỗ tổ nghề hát Xẩm truyền thống sau 50 năm gián đoạn.

Nhạc sỹ Thao Giang, Phó Giám đốc TTAN Việt Nam cho biết: Ngoài nỗ lực của các nghệ sỹ, chiếu Xẩm Đồng Xuân vẫn tồn tại và được biểu diễn miễn phí cho bà con đến hôm nay là nhờ có sự giúp đỡ của Công ty Cổ phần Đồng Xuân. Đã 6 năm nay, kể từ khi chiếu Xẩm “Hà Nội 36 phố phường” ra mắt (năm 2005), ngoài việc tạo điều kiện về địa điểm, Công ty cổ phần Đồng Xuân còn hỗ trợ toàn bộ cho các hoạt động biểu diễn. Chính vì vậy mà chúng tôi mới có điều kiện biểu diễn cho bà con. Cũng từ chiếu Xẩm này, mà rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã tìm đến trung tâm xin theo học hát Xẩm. Còn du khách trong và ngoài nước cũng cảm thấy thích thú hơn mỗi khi đến với chợ đêm Đồng Xuân...

Tin vui đến với những người yêu nghệ thuật hát Xẩm, là trong năm 2011, lần đầu tiên, hát Xẩm cùng với các loại hình âm nhạc dân gian khác của khu vực đồng bằng Bắc bộ như ca trù, hát văn - trống quân, quan họ sẽ được đưa vào đào tạo chính quy và cấp bằng đại học. Nhạc sỹ Thao Giang, Phó Giám đốc TTAN Việt Nam cho biết: Học viện Âm nhạc Huế và TTAN Việt Nam chính thức được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên môn cho các ngành học đàn hát dân ca cho các học viên. Trong năm học 2011-2012, chuyên ngành đàn hát dân ca khoa Di sản Âm nhạc của Học viện Âm nhạc Huế và TTAN Việt Nam đã bắt đầu tuyển sinh. Khóa học đầu tiên sẽ khai giảng trong một ngày gần đây. Mục đích của chúng tôi là không chỉ đào tạo ra các nghệ sĩ nắm được lý luận mà còn đào tạo nên các nhà nghiên cứu môn dân tộc nhạc học nắm được thực tiễn để sau này vừa lưu giữ, vừa truyền dạy lại cho lớp trẻ sau này.

Phương Lan