10:13 26/10/2013

Đua bò Bảy Núi

Hằng năm vào dịp Tết Sene Dolta cổ truyền, bà con người Khmer ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn - An Giang đều tổ chức đua bò, một loại hình thể thao đậm chất văn hóa cổ truyền.

Hằng năm vào dịp Tết Sene Dolta cổ truyền, bà con người Khmer ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn - An Giang đều tổ chức đua bò, một loại hình thể thao đậm chất văn hóa cổ truyền.

 

Tài xế Chau Chiêu cho bò uống bia trước ngày ra trường đua.


Để cuộc đua diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, hào hứng, mang đến cho khán giả nhiều pha tranh tài quyết liệt, gay cấn, bất ngờ trên tinh thần “thượng võ”, các chủ bò và người điều khiển đôi bò (tài xế), tiếng dân tộc gọi là sầm-ních-cô phải là những tay lão luyện, đầy bản lĩnh và yêu quý bò, hiểu tính, ý bò như con của mình.

 

Khán giả đang theo dõi trận đua.


Anh Chau Sóc Khung ở ấp Srây Skôth, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên nói: muốn giành thắng lợi, các chủ bò phải có tài “thao luyện” và sở hữu nhiều đôi bò “chiến”, được tuyển chọn từ nhiều đàn khác nhau để ghép đôi sao cho đồng cân, đồng sức. Muốn có được một con bò hay, tướng tá “oai hùng” có khi bỏ ra tám chín chục triệu đồng vẫn chưa tìm được.

 

Quang cảnh đua bò ngày 4/10/2013 tại Tịnh Biên - An Giang.


Hầu hết bò đua đều phải thiến. Thường bò 5 tuổi có thể cho ra đấu trường nhưng sung mãn nhất là từ 8 đến 10 tuổi. Theo anh Chau Sóc Khung, quá trình chăm sóc và thuần dưỡng bò mới là yếu tố quyết định. Nếu như bò không được tập luyện thường xuyên, thể lực yếu sẽ dễ bị thua trong đoạn nước rút. Người điều khiển phải là người có thể lực tốt, dạn dày kinh nghiệm, đầy đủ bản lĩnh và gan dạ mới có thể vượt qua vòng đua đầy cam go và thử thách. Họ vừa cầm dây vàm để kìm cương, vừa cầm roi có đầu nhọn, tiếng dân tộc gọi là Tà púc Sầm luôl để thúc bò.

 

Đôi bò đang tranh nhau quyết liệt trên đường đua.


Chủ bò Năm Tượng có hai người con trai đều là kiện tướng đua bò từng đoạt giải I năm 2008 và 2012 bày tỏ: Việc huấn luyện bò đua còn cực hơn nuôi con vì trước ngày thi đấu 2 tháng phải dẫn ra đồng dợt mỗi buổi sáng từ 8 giờ - 12 giờ. Cũng trong thời gian tập luyện bò được nghỉ ngơi, dưỡng sức, không những được miễn cày bừa mà còn được chăm sóc kỹ lưỡng, ăn toàn cỏ ngon, đêm ngủ mùng, ngày tắm hai lần. Đặc biệt trước 10 ngày thi đấu, nhiều người còn cho bò ăn cháo đậu xanh hoặc cháo trắng nấu lỏng, uống nước cám, nước dừa tươi, có khi còn tẩm bổ cả bia và sô đa hột gà.

 

Ban tổ chức trao giải cho các chủ bò đoạt giải năm 2013.


Ông Nguyễn Văn Tấn, một “lão tướng” đua bò Bảy Núi cho biết, nếu hiểu được tính nết, đặc điểm của bò, ai cũng có thể dạy bảo chúng. Mỗi lần cho bò ăn ông đều có những cử chỉ thân thiện với chúng như vỗ nhẹ vào lưng, sờ vào đầu và miệng luôn nói chuyện thì thầm để giúp nó quen được tiếng người.

 

Niềm vui của chủ bò Trần Văn Các đã giành được nhiều chiến thắng.


Ông nói: Đua bò rất hấp dẫn nhưng nếu như chủ nuôi không say mê, không dạn dày kinh nghiệm thì khó giành được chiến thắng. Điều quan trọng trước hết là phải chọn được một đôi bò khỏe mạnh, dễ dạy, đặc biệt là trung thành với chủ, sự trung thành đó thường biểu hiện qua các nét ngoại hình như ngực nở, bụng thon về phía mông, mặt dài, thẳng, đều đặn, không hủng hót. Người ta còn chú ý đến cặp sừng phải cong đều, mắt sáng và xéo không biểu lộ nhút nhát, tai nhỏ, lưng thẳng không được oằn, đuôi dài huốt nhượng, đầu đủ bốn xoáy…. Bò muốn chạy nhanh, bốn chân phải lành lặn, rắn chắc và bốn móng đều đặn. Đặc biệt là bộ lông phải thật nhuyễn, bám sát da và không thấm nước.


Tài xế Nguyễn Văn Bi, người từng đoạt danh hiệu tài xế xuất sắc chia sẻ: Bò đua phải được huấn luyện thường xuyên giữa nơi đông người để bò dạn dĩ và quen dần với trường đua. Nhất là tài xế phải bình tĩnh, khôn khéo, chỉ cần một chút bất cẩn hoặc tinh thần thiếu tập trung là sẽ chiến bại vì điều lệ quy định rất nghiêm ngặt.


Sau cuộc đua, bà con vùng Bảy Núi yêu quý và gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu.

 

Hoài Phương