09:08 27/09/2012

Dự thảo Quy chế thu mua, tạm trữ lúa gạo: Mục tiêu là hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đang gấp rút lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo “Quy chế thu mua, tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa”.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đang gấp rút lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo “Quy chế thu mua, tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa”.

 

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về vấn đề này.

 

´Có ý kiến cho rằng, dự thảo quy chế tạm trữ lúa gạo quy định, hộ nông dân tạm trữ tại nhà, tại cơ sở sản xuất của mình, cơ sở của tổ hợp tác, hợp tác xã, với số lượng tạm trữ thấp nhất 10 tấn lúa/hộ là điều không khả thi. Bởi hiện nay, hơn 86% trong tổng số 1,5 triệu hộ nông dân ở ĐBSCL chỉ canh tác trên diện tích từ 0,3 đến dưới 1 ha đất lúa. Như vậy, hầu hết nông dân sẽ không đủ điều kiện để được tham gia chương trình tạm trữ. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

 


Nếu quy chế này được thực hiện, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng cho nông dân trong thời gian tạm trữ (lãi suất 0%). Tuy nhiên, quy định mức tạm trữ đối với hộ nông dân là 3 tấn, 5 tấn thóc/điểm chứa thì ngay từ đầu sẽ có nhiều hộ nông dân có điều kiện tham gia, nhưng như thế việc hỗ trợ sẽ manh mún, nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát. Nếu từng hộ nông dân chưa đủ điều kiện tham gia chương trình tạm trữ thì họ có thể liên kết với nhau thành tổ hợp tác, có được 10 tấn thóc trở lên, cùng đầu tư xây dựng kho chứa, đầu tư máy sấy lúa... khi đó các hộ sẽ đủ điều kiện tham gia chương trình và không phải bán lúa sớm như trước đây. Ở đây cái được hơn cho người nông dân chính là họ sẽ được hưởng lợi khi hợp tác sản xuất, hợp tác làm ăn.


´Mục đích của đề án là hỗ trợ người trồng lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa. Có quan điểm cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp cho người dân vì theo ước tính mỗi nông dân ở khu vực ĐBSCL phải đóng đến 14 loại phí mỗi năm. Vậy nên chăng chúng ta có thể hỗ trợ người dân bằng cách giảm các loại thuế, phí này?


Nếu các loại thuế, phí thu từ người dân không đúng luật, hoặc chồng chéo thì các cơ quan nhà nước cần phải rà soát lại để cắt bỏ. Mỗi chính sách Nhà nước đưa ra đều có một mục đích riêng cho từng đối tượng và phải đảm bảo mục tiêu của Nhà nước và đảm bảo không vi phạm các cam kết thương mại quốc tế. Mục đích của đề án này là thông qua việc mua tạm trữ lúa, gạo để hỗ trợ cho người nông dân. Bản thân người nông dân hiện đã được Nhà nước hỗ trợ qua nhiều chính sách khác nhau. Ví dụ, chính sách hỗ trợ cho nông dân vay vốn sản xuất; hỗ trợ nông dân giữ đất nông nghiệp...


´Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất lúa gạo của nước ta chưa cao là do năng lực của ngành chế biến còn hạn chế, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?


Đúng vậy, năng lực của ngành chế biến sau thu hoạch của nước ta còn hạn chế và lạc hậu so với các nước khác, thất thoát sau thu hoạch lớn. Hiện có tới 70% sản lượng lúa gạo còn chế biến bằng công nghệ xay xát lạc hậu khiến tỷ lệ hao hụt lớn, chất lượng gạo giảm. Về công nghệ, quy trình sản xuất, kho chứa... còn nhiều vấn đề bất cập. Theo số liệu tổng kết về ngành sản xuất lúa gạo, tổn thất sau thu hoạch những năm qua là tương đối cao, trên 13%. Chính vì vậy, Bộ NN & PTNT đã tham mưu đề xuất với Chính phủ để ban hành Nghị quyết 48/NQ - CP ngày 23/9/2009 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản với mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch xuống còn khoảng 6% vào năm 2020.


Tuy nhiên, trong sản xuất lúa gạo có nhiều khâu như: giống, quy trình sản xuất, chế biến... thì hiện tại ở mỗi khâu này đều đang có nhiều thất thoát do tập quán và những hạn chế trong năng lực sản xuất. Ví dụ ở khâu giống, hiện tỷ lệ giống gieo sạ trên mỗi héc ta còn khá cao, nếu áp dụng công cụ sạ hàng hoặc sạ máy có thể giảm bớt được lượng giống. Tương tự như vậy, trong quy trình bón phân, nhiều nơi nông dân cũng có tập quán sử dụng một lượng phân bón lớn hơn nhu cầu, chưa áp dụng quy trình bón phân theo nhu cầu từng thời kỳ sinh trưởng của lúa... Tất cả những điều chưa hợp lý này cộng lại khiến chi phí sản xuất bị đội lên. Hiện các cơ quan quản lý và các nhà khoa học đang từng bước cải thiện quy trình sản xuất, trong đó quy trình sản xuất VietGAP, chương trình xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn mà Bộ đã và đang triển khai sẽ giải quyết những bất cập này, hướng đến mục tiêu sản xuất lúa gạo chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao.


Xin cảm ơn ông!


Thành Trung (thực hiện)