Xây dựng thương hiệu du lịch biển - Bài 2: Du lịch biển gắn với bản sắc văn hóa

Để tạo nên thương hiệu du lịch biển có nhiều yếu tố, trong đó giá trị văn hóa vùng biển đảo có vai trò đặc biệt quan trọng.


Đảo Lý Sơn - sức hút từ truyền thống


Nhân dịp nghỉ hè, Đỗ Ngọc (ĐH Hà Nội) cùng các bạn đã lựa chọn Lý Sơn (Quảng Ngãi) là điểm đến du lịch, mặc dù nhóm hoàn toàn có thể chọn địa điểm khác gần hơn. “Nhóm em chọn Lý Sơn cho chuyến du lịch hè của mình, nơi đây không chỉ hấp dẫn nhờ cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, mà còn thu hút bởi nét văn hóa đặc trưng. Chúng em đến đây để tìm hiểu về biển đảo Tổ quốc, nơi đây còn nhiều dấu tích, lưu giữ dấu ấn của đội hùng binh Hoàng Sa giữ nước từ ngàn xưa”, Ngọc cho biết.

 

Đoàn thuyền lễ và hình nhân thế mạng ra khơi, một trong những nghi thức trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Lý Sơn giống như một cô gái đẹp làm mê đắm lòng người. Ai đó đã từng ví, đảo Lý Sơn trông xa như một chiến hạm nổi giữa biển, với 5 ngọn núi cao, đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt ra muôn trùng biển khơi, thâu tóm toàn cảnh Lý Sơn trong tầm mắt. Trên những ngọn núi ấy vẫn còn những dấu vết rất rõ về sự phun trào nham thạch từ hàng triệu năm trước, trong đó, nổi tiếng là hai miệng núi lửa Giếng Tiền và Thời Lới.


Nhưng nếu chỉ có cảnh quan, chắc chắn Lý Sơn đã không thể ngày càng trở nên nổi tiếng và củng cố được vị trí của mình trong lòng du khách như vậy. Quan trọng chính là cách làm du lịch biển của Lý Sơn.

Những giá trị văn hóa sẽ là điểm nhấn, dấu ấn đậm nét trong xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam, là nền tảng để tạo ra những sản phẩm du lịch biển đặc trưng, độc đáo và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Ông Hoàng Nhất Thống (Văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)


Tận dụng sự độc đáo của thiên nhiên ban tặng, Lý Sơn chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đảo như: Lặn biển, câu cá, ngắm san hô bằng thuyền đáy kính… và phát triển du lịch “Đảo xanh huyền thoại”, đưa du khách trải nghiệm cùng nông dân thu hoạch, trồng tỏi, cùng người ngư dân đảo đi thuyền thúng đánh bắt cá rồi mang về tự chế biến, nấu nướng… như những dân làng chài thực sự.


Cùng với đó là việc phát huy những nét văn hóa đặc trưng ở đây. Nhiều người tìm đến Lý Sơn để tìm hiểu về chủ quyền biển đảo quê hương bởi nơi đây có nhiều di sản văn hóa, nhiều tư liệu quý về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc với 50 di tích, nhiều loại văn hóa phi vật thể về tinh thần, tín ngưỡng độc đáo, được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Cùng đó là rất nhiều lễ hội dân gian như hội đua thuyền tứ linh, hội dồi bòng, lễ hội đình An Hải… cũng luôn được phục dựng.

Đặc biệt, hàng năm người dân mọi miền tìm về Lý Sơn để tham dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một lễ hội tiêu biểu, độc đáo, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và ghi nhớ công ơn những hùng binh thuộc hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hàng năm, lễ đều được tổ chức quy mô, ngày càng thu hút nhiều khách tham quan.


Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, ông Nguyễn Phúc Nhân cho biết: “Lý Sơn còn lưu lại rất nhiều bằng chứng về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản bắc hải năm xưa; tờ lệnh do tộc họ Đặng ở Lý Sơn hiến tặng quốc gia là tài sản vô giá, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học về chủ quyền quốc gia, khẳng định rõ ràng chủ quyền Biển Đông của Việt Nam và nhiều bằng chứng có giá trị lịch sử khác. Mỗi khách du lịch đến đây sẽ được giới thiệu đầy đủ về những bằng chứng chủ quyền thiêng liêng này, đây là nét độc đáo riêng biệt chỉ có ở Lý Sơn đang được phát huy”.


Chọn cách để tỏa sáng


Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, thì phát triển du lịch gắn với văn hóa vùng miền là vấn đề cấp thiết, cũng là điều các địa phương đang hướng tới.


Ông Trần Văn Ngoan, Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Hướng phát triển của Quảng Ninh là kết hợp lợi thế du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn, gắn kết với các di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, lễ hội dân gian và các làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực… của cộng đồng dân cư ven biển. Để quảng bá sản phẩm địa phương, chương trình "Mỗi làng một sản phẩm", đã giới thiệu sản phẩm bản địa như chả mực Hạ Long, hải sản Cô Tô, ngán Quảng Yên, nước mắm Cái Rồng… đến với du khách. Cùng đó là du lịch tâm linh, văn hóa biển đảo như: Tham quan bãi cọc Bạch Đằng, miếu vua Bà, đền Trần Hưng Đạo, lễ hội đền Cửa Ông… cùng các lễ hội quảng bá du lịch như "Lễ hội du lịch Quảng Ninh", "Lễ hội Carnaval Hạ Long" tổ chức hàng năm thu hút du khách trong và ngoài nước. Với hướng phát triển này, ngành du lịch Quảng Ninh ngày càng có sức hút và tăng trưởng mạnh".


Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những địa phương đã có sự phát triển và đầu tư du lịch gắn với đặc điểm, văn hóa vùng miền, thì còn nhiều nơi chưa coi trọng yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch biển. Mặc dù vùng biển đảo nước ta có nhiều di sản văn hóa cả về hữu thể và phi vật thể nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng để trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo cho từng vùng.


"Xây dựng thương hiệu biển đòi hỏi tích hợp nhiều yếu tố, trong đó yếu tố văn hóa không thể thiếu. Do vậy, rất cần thiết hoàn thiện thể chế chính sách về vấn đề này, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch biển bền vững của các doanh nghiệp, cộng đồng biển đảo trong các hoạt động du lịch. Các địa phương cần đầu tư tìm tòi, nghiên cứu nghiêm túc về hướng phát triển, để tạo nét văn hóa riêng của từng địa phương, tạo dấu ấn và thu hút khách du lịch", PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ quốc gia) khẳng định.


Đồng quan điểm, ông Hoàng Nhất Thống (Văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết: "Để phát triển du lịch biển bền vững cần phải bảo tồn, tôn tạo những di tích lịch sử, công trình kiến trúc, duy trì tuyền thống, phong tục, tập quán, nghi thức, lễ hội… Cần có đầu tư cho văn hóa vùng biển đảo mới nâng tầm giá trị thương hiệu du lịch biển Việt Nam trong hội nhập quốc tế".


Thu Trang

 

Bài cuối: Tạo sức mạnh đồng bộ

Xây dựng thương hiệu du lịch biển  - Bài cuối: Tạo sức mạnh đồng bộ
Xây dựng thương hiệu du lịch biển - Bài cuối: Tạo sức mạnh đồng bộ

Để đảm bảo xây dựng thương hiệu du lịch biển bền vững, cần tổng hợp rất nhiều yếu tố như phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn biển, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời có những quy hoạch biển phù hợp với điều kiện từng vùng miền…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN