Tuyên Quang cần phát triển du lịch văn hóa tâm linh

Là cái nôi của cách mạng, không chỉ nổi tiếng với hàng trăm di tích lịch sử, Tuyên Quang còn có tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh phong phú với hệ thống đền chùa cùng nhiều lễ hội. Trong những năm qua, tỉnh đã chú ý phát triển “ngành công nghiệp không khói” này nhưng trên thực tế, tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết.

Giàu tiềm năng phát triển

Toàn tỉnh Tuyên Quang có hàng chục ngôi đền lớn nhỏ với hàng trăm năm tuổi, nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đền, chùa nơi đây không chỉ nổi tiếng linh thiêng, có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa mà còn nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, lạ mắt như: Đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than, đền Pác Tạ, đền Bắc Mục, đền Thác Cái… Đặc biệt là cụm các đền thờ Mẫu gồm: Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La ( thành phố Tuyên Quang), ba ngôi đền này được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII thờ Mẫu thần, nổi tiếng linh thiêng, lại có cảnh quan đẹp. Hàng năm, vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (âm lịch), tổ chức rước Kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Mẫu Ỷ La ra Đền Hạ, rồi tiếp đến lễ rước Kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế. Nghi thức uy nghi, có đầy đủ già trẻ gái trai và khách thập phương tham dự, tạo nên một không gian văn hóa độc đáo của xứ sở lâm tuyền.

Rước lễ về mâm Tồng trong Lễ hội Lồng Tồng ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) ngày 10/2/2011. Ảnh : An Đăng - TTXVN

Hệ thống chùa ở đây cũng nổi tiếng không kém với những nét riêng biệt không nơi nào có. Chùa An Vinh được tọa lạc trên quả đồi lớn thuộc địa phận xã Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang, được dựng từ thế kỷ XVIII trong khuôn viên 1.000m2, chùa còn lưu giữ 13 pho tượng cổ, hai chuông đồng và một khánh. Đặc biệt, chùa có hai văn bia đá được khắc vào năm Vĩnh Thịnh (1720) đời vua Lê Dụ Tông. Chùa có nhà tháp thờ: Đức Tiền Sư, Thích Tâm Quang, Thích Thanh Tụng.

Chùa Hang (huyện Yên Sơn), được xây dựng từ năm Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1537). Chùa được đặt trong hang đá thiên tạo khá lớn, nằm gọn trong lòng núi với hai mái vòm. Hang đá đã có từ nghìn đời nay, với nhiều nhũ đá đủ mọi hình thù tạo nên vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn. Hang có nhiều lối lên đỉnh núi, xuống suối ngầm, có giếng sâu trong mát nên du khách không thể không dừng bước mà thỏa mãn ham muốn khám phá. Cửa hang có dãy núi hình con rồng. Đứng nơi đây ngắm nhìn ra xa mới thấy non nước đất trời hòa vào làm một.

Không chỉ có hệ thống đền, chùa phong phú mà Tuyên Quang còn đa dạng các lễ hội truyền thống, độc đáo. Lễ hội Lồng Tồng (Chiêm Hóa) là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nét khác biệt của Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở đây là bà con cùng nhau ăn chung mâm cỗ, tổ chức trình diễn trang phục dân tộc. Lễ hội Chọi trâu Hàm Yên tổ chức vào ngày 10, 12 tháng Giêng âm lịch. Đây là dịp để tạ ơn trời đất, cầu mong cuộc sống hạnh phúc bình yên, làm ăn thịnh vượng và may mắn.

Đến với những điểm du lịch và không gian lễ hội này, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên mà còn là cơ hội để tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tâm linh của người Tuyên Quang xưa và nay; thành kính dâng hương để bày tỏ tấm lòng của mình. Du khách được hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội khi tham gia các trò chơi dân gian của các dân tộc như đánh pam, đánh yến, kéo co, đu dây… được thưởng thức những món ăn và tìm hiểu những nét văn hóa đọc đáo của riêng từng dân tộc nơi đây. Đặc biệt, đối với du khách nước ngoài, những chuyến du lịch văn hóa mang sắc thái tâm linh này chính là những trải nghiệm của họ về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và con người Tuyên Quang nói riêng…

Tiềm năng cần được cụ thể hóa

Có thể nói, các di tích văn hóa tâm linh trên địa bàn chính là lợi thế lớn để ngành du lịch Tuyên Quang khai thác một cách triệt để và hiệu quả… Năm 2011, tỉnh Tuyên Quang đón 600.000 lượt khách du lịch, đưa doanh thu du lịch của tỉnh lên 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh sẵn có của Tuyên Quang.

Để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã thực hiện một số dự án trùng tu tôn tạo nhiều đền, chùa, khôi phục nhiều lễ hội truyền thống, từng bước nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu du khách.

Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã đưa những điểm du lịch văn hóa tâm linh vào các tour du lịch trong phạm vi nội tỉnh như thành phố Tuyên Quang - Bình Ca - Tân Trào - Kim Quan; thành phố Tuyên Quang - Chiêm Hóa - Nà Hang - Hàm Yên; thành phố Tuyên Quang - Đá Bàn hoặc kết hợp với các tỉnh lân cận như tour Hà Nội – Tuyên Quang - Hà Giang - Đồng Văn – Lũng Cú – Hà Nội, Hà Nội – Tuyên Quang – Chiến khu Tân Trào – Hà Nội, Hà Nội – Tân Trào - Hồ Núi Cốc – Hà Nội…

Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các cấp ngành của tỉnh cũng đang tỏ ra lúng túng trong quy hoạch phát triển loạt hình du lịch còn đang rất mới này. Trong các kỳ hội chợ hay tại các khu du lịch, các mặt hàng lưu niệm được bày bán ở quầy hàng lưu niệm chưa thể hiện nét đặc trưng của Tuyên Quang. Ngoài ra, du khách đến Tuyên Quang thường không đi theo các tour du lịch của các công ty lữ hành mà chủ yếu tự tổ chức đi.

Để từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch văn hóa tâm linh đóng vai trò quan trọng, Tuyên Quang cần có quy hoạch tổng thể, thi hành những chính sách cụ thể và hợp lý để đánh thức được tiềm năng này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các điểm du lịch tâm linh trên các phương tiện truyền thông, hoặc biên soạn các ấn phẩm du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch trong nước và quốc tế, gắn kết các loại hình, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách. Mặt khác, tỉnh cần chủ động và tích cực tăng cường hợp tác du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước để vừa quảng bá cho ngành Du lịch tỉnh, vừa đúc rút những kinh nghiệm để từng bước phát triển ngành Du lịch của tỉnh.

Ông Hoàng Công Tính, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cho biết, tỉnh đang chuẩn bị thành lập Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch. Đây sẽ là cầu nối giúp Tuyên Quang tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của tỉnh, đồng thời, cung cấp thông tin, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch.

Nguyễn Văn Tý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN