TPHCM: Quà lưu niệm cho du khách còn đơn điệu

Hàng năm thành phố Hồ Chí Minh đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế, cho thấy nhu cầu mua sắm quà lưu niệm của khách du lịch tại thành phố rất cao. Thế nhưng, cho đến nay quà lưu niệm dành cho khách du lịch của thành phố vẫn còn đơn điệu, thiếu những sản phẩm độc đáo và chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Thiếu sản phẩm lưu niệm đặc trưng

Là trung tâm kinh tế của cả nước nên thành phố Hồ Chí Minh “hội tụ” khá nhiều quà lưu niệm từ các địa phương trong nước, thậm chí cả ở nước ngoài. Nhờ thế, ngay tại thành phố khách du lịch dễ dàng mua được các sản phẩm lưu niệm vốn là đặc trưng của các tỉnh như gáo dừa, đồ trang trí bằng dừa ở Bến Tre; gốm, đồ thủ công mỹ nghệ ở Đồng Nai, Bình Dương… Mặc dù vậy, khách du lịch lại gặp nhiều khó khăn khi muốn mua sản phẩm lưu niệm đặc trưng riêng của thành phố.

Anh Lê Hồng Tú, một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: Khi dẫn khách nước ngoài tham quan các chợ, các khu phố bán hàng lưu niệm của thành phố, tôi thấy họ chỉ xem lướt qua mà ít khi mua, bởi những sản phẩm này họ đã mua khi đi du lịch tại các tỉnh miền Tây. Còn hàng lưu niệm đặc trưng của thành phố, năm này qua năm khác vẫn chỉ là đồ thủ công mỹ nghệ in hình cô gái mặc áo dài, nón lá, vải may áo dài… chưa có sản phẩm lưu niệm nào thật sự độc đáo, thu hút sự chú ý của khách du lịch. Không chỉ vậy, khách du lịch còn nhận xét thành phố bán quá nhiều sản phẩm của nước ngoài.

Du khách tham quan và mua sắm tại chợ Bến Thành. Ảnh: TTXVN


Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành, Sở Du lịch thành phố chia sẻ: Trên thực tế, tiểu thương ở các chợ và các chủ cửa hàng vẫn chưa nhận diện được nhu cầu mua sắm của khách du lịch cũng như chưa định hướng được họ cần phải bán cái gì mang đặc trưng của thành phố để thu hút khách du lịch. Chỉ cần sản phẩm lưu niệm nào đẹp và rẻ, tiểu thương sẵn sàng nhập về mà không quan tâm nguồn gốc, xuất xứ trong hay ngoài nước hoặc sản phẩm được làm tại thành phố hay những địa phương khác. Về lâu dài, cách buôn bán như thế này sẽ không bền vững, đến lúc nào đó khách du lịch sẽ không còn muốn đến thành phố để tham quan mua sắm nữa.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia du lịch, thành phố vẫn chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho quà lưu niệm cả về chất xám và tài chính. Người thợ thủ công còn yếu ở khâu thiết kế, do đó họ thường sao chép, làm theo những mẫu sản phẩm có sẵn trên thị trường. Chính vì điều này mà sản phẩm quà lưu niệm của thành phố vẫn chưa độc đáo, mang đặc trưng riêng của thành phố. Đây cũng là “kẽ hở” để các sản phẩm lưu niệm nước ngoài “tràn ngập” thành phố. Mặt khác, các ngày hội du lịch diễn ra ở thành phố vẫn nặng về giới thiệu các tour du lịch mà ít hoặc không đề cập đến các làng nghề và quà lưu niệm. Qua đó, hình ảnh về làng nghề và quà lưu niệm của thành phố chưa được quảng bá rộng rãi tới các doanh nghiệp du lịch nước ngoài, cũng như chưa khuyến khích được người thợ thủ công cố gắng tìm tòi sáng tạo ra nhiều quà lưu niệm độc đáo.

Xây dựng trung tâm bán hàng lưu niệm

Để có được một sản phẩm mang tính đại diện cho một địa phương phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phát triển quà lưu niệm của chính địa phương đó. Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có những hoạt động nhằm phát triển quà lưu niệm cho khách du lịch


 Ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết: Ban quản lý chợ đang định hướng cho các tiểu thương buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ trong chợ chỉ bán những mặt hàng đặc trưng riêng có của thành phố và chỉ có ở chợ Bến Thành mới bán những mặt hàng độc đáo này. Có như vậy, chợ Bến Thành mới luôn là điểm đến mua sắm quà lưu niệm đầy hấp dẫn đối với khách du lịch. Mà muốn làm được điều này, các tiểu thương phải biết liên kết với các làng nghề truyền thống tại thành phố. Hai bên cùng nhau tham gia thiết kế và sản xuất mặt hàng lưu niệm. Và thợ thủ công chỉ cung cấp các mặt hàng do mình sản xuất cho các tiểu thương trong chợ Bến Thành hoặc một số đại lý bán quà lưu niệm khác trong thành phố… nhằm tránh trường hợp các mặt hàng này được bày bán nhiều nơi làm mất đi giá trị bản địa của món quà.

Theo Sở Du lịch, bên cạnh khuyến khích các tiểu thương mạnh dạn đầu tư cho quà lưu niệm, thành phố đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm chuyên bán mặt hàng lưu niệm nhằm hạn chế tình trạng quà lưu niệm đang được bày bán xen kẽ với những mặt hàng khác trong cùng một gian hàng tại các trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, hiện nay UBND thành phố có chủ trương xây phố đi bộ ở tuyến đường Nguyễn Huệ và các quầy bán hàng lưu niệm lưu động sẽ được đặt dọc tuyến đường này để phục vụ khách du lịch. Du khách vừa đi bộ ngắm cảnh quan thành phố, vừa có thể ghé các quầy hàng lựa chọn quà lưu niệm.

Với cách làm này, quà lưu niệm của thành phố dễ tiếp cận được với khách du lịch và ngược lại cũng tạo ra được sự thuận lợi cho khách du lịch trong lựa chọn mua sắm mặt hàng lưu niệm. Ngoài ra, để khuyến khích việc thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm trong những năm tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các doanh nghiệp du lịch mở các cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm, tổ chức trưng bày và chọn ra những sản phẩm độc đáo đặc trưng cho thành phố.


Lan Phương
Đẩy mạnh xúc tiến du lịch Việt Nam
Đẩy mạnh xúc tiến du lịch Việt Nam

Tổng cục Du lịch đã giới thiệu tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam: “VietNam- Timeless Charm" vào ngày 4/12 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN