Tìm giải pháp thúc đẩy du lịch đường sông

Thành phố Hồ Chí Minh được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vì vậy lãnh đạo thành phố rất kỳ vọng vào sự phát triển sản phẩm du lịch đường sông, tạo điểm nhấn đặc biệt cho ngành du lịch của thành phố. Nhưng đến nay, việc khai thác các sản phẩm du lịch này vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chưa xứng tiềm năng 

Không chỉ lãnh đạo thành phố, Sở Du lịch, ngay cả các doanh nghiệp lữ hành cũng thẳng thắn nhìn nhận quá trình khai thác sản phẩm du lịch đường sông ở TP.HCM vẫn còn những bất cập. 

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Làng Du lịch Bình Quới, Công ty Du lịch Sinh Thái Cần Giờ, Công ty cổ phần Fiditour, Phú Thọ Tourist, Khu du lịch Sinh thái Cần Giờ... đã chủ động cung cấp các tour du lịch đường sông tại thành phố và các tỉnh lân cận. 

Riêng Công ty Du lịch Du ngoạn Việt cũng đã đầu tư 10 tỷ đồng khai thách du lịch đường sông trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mang lại hiệu ứng tích cực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố. 

Du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. Ảnh: TTXVN

Đại diện doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm đường sông, ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty du lịch Sài Gòn cho biết, du lịch đường sông nằm trong chiến lược phát triển của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Năm 2013, Công ty đã chào bán 7 tour đường sông theo các tuyến Thanh Đa, Đại lộ Đông Tây, Phú Mỹ Hưng, Địa đạo Củ Chi, Nhà vườn quận 9, Tuyến tham quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với các tuyến điểm tham quan khu du lịch Vàm Sát, khu đảo khỉ... 

Theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng năm 2016, lượng du khách tham gia du lịch đường sông có chiều hướng tăng trưởng khả quan, ước đạt 68.000 lượt khách. Tuy vậy, điều đáng buồn là nếu như năm 2011 có khoảng 37 doanh nghiệp với 130 phương tiện tham gia phát triển du lịch đường sông, thì nay giảm còn 19 doanh nghiệp với 100 phương tiện tham gia. Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, là do hệ thống cầu tàu bến đậu còn yếu, nguồn nước còn ô nhiễm, kênh rạch lấn chiếm, tham quan mua sắm tại các khu dân cư xa hơn còn đơn điệu, độ tĩnh không thông thuyền chưa phù hợp để khai thác cũng như phát triển du lịch đường sông. 

Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Saigontourist cũng chia sẻ, kết quả du lịch đường sông của công ty trong những năm qua chưa đạt như kỳ vọng ban đầu. Nguyên nhân là do hệ thống cầu tàu, bến bãi neo đậu, các điểm dừng chân, dịch vụ dọc hai bên bờ, cảnh quan môi trường chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, tại Bến Bạch Đằng không được khai thác việc đón tiếp khách mà chuyển về bến tàu khu du lịch Tân Cảng, khá xa trung tâm, đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý du khách khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh. 

Giải pháp phát triển 

Với lợi thế 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua, cùng hệ thống kênh rạch kết nối, tạo nên tuyến đường thủy hấp dẫn, Thành phố Hồ Chí Minh đang dần tạo ra bức tranh du lịch “trên bến, dưới thuyền” hiện đại, hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế. Đây là thế mạnh so với các thành phố trong khu vực bởi do không có nơi nào có mật độ sông rạch dày, tạo đà phát triển du lịch đường thủy nội đô, điều này thuận lợi cho việc thúc đẩy việc phát triển tour tham quan du lịch đường thủy. 

Để phát triển, khai thác du lịch đường sông tại thành phố một cách hiệu quả, ông Phan Xuân Anh kiến nghị thành phố dành ra 800 m cảng Nhà Rồng để cho ngành du lịch khai thác, tạo điều kiện cho các tàu du khách viễn dương được neo đậu. Qua đó, tăng thời gian cho du khách nghỉ đêm, đồng thời thúc đẩy việc chi tiêu của du khách nhiều hơn, mang lợi tức cho người dân thành phố. 

Mặt khác, việc quy hoạch, xây cầu lưu thông cần chú ý đến độ tĩnh không thông thuyền, nếu không sẽ tạo sự lãnh phí, khiến du lịch đường thủy không thể phát triển. Đối với vấn đề môi trường, ông Phan Xuân Anh kiến nghị cần kiểm soát vấn đề xả rác của người dân và số người câu cá, phóng uế quá nhiều. Tăng cường thêm ánh sáng hai bên dòng kênh, tạo không gian hấp dẫn cho khách tham quan du thuyền ban đêm. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Nhưng để du lịch là kinh tế mũi nhọn thì một trong những việc cần làm là đa dạng hóa sản phẩm du lịch để du khách đến chi tiêu và còn quay trở lại. 

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch chính là việc làm cần thiết lúc này để giữ chân du khách. Sắp tới, Sở Du lịch thành phố cần sớm hoàn thành Đề án phát triển du lịch đường sông, đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, doanh nghiệp lữ hành rà soát bến đậu cho các tàu, phân luồng giao thông đường thủy một cách bài bản, tạo hành lang thông thoáng cho du khách thưởng ngoạn, ngắm cảnh, hấp dẫn hơn. 

Với quyết tâm của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, cùng sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp lữ hành, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch đường sông của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển hơn nữa, là một trong những niềm tự hào của người dân thành phố khi giới thiệu những sản phẩm du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh đến với du khách. 
Gia Thuận
Gỡ khó cho du lịch đường sông
Gỡ khó cho du lịch đường sông

Cần có nhiều chính sách thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng bến bãi để loại hình du lịch đường sông có thể phát triển được như kỳ vọng... Đây là những kiến nghị của đại biểu tại hội thảo “Du lịch đường sông – hướng phát triển đặc sắc du lịch TP Hồ Chí Minh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 22/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN