Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc

Ngày 10/10, tại thành phố Hà Giang, ban tổ chức chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc giai đoạn 2009 – 2015, phương hướng giai đoạn 2015 – 2020.


Khai mạc chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 7 năm 2015, với sự tham gia của 6 tỉnh vùng Việt Bắc.

Tham dự có đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam; lãnh đạo 6 tỉnh Việt Bắc là Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và các doanh nghiệp lữ hành đến từ nhiều tỉnh trong cả nước.

Tại hội nghị, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá cao chương trình hợp tác phát triển du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc thời gian qua; đồng thời khẳng định 6 tỉnh Việt Bắc là địa bàn chiến lược biên giới của cả nước, có điều kiện tự nhiên phong phú và đặc sắc, thuận lợi cho phát triển du lịch.

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cũng lưu ý việc phát triển du lịch ở vùng Việt Bắc còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, ngành du lịch 6 tỉnh Việt Bắc cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, quan tâm khắc phục từ những vấn đề cơ bản như vệ sinh, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, tình trạng “chặt chém” du khách… Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần chọn ra những sản phẩm du lịch đặc thù để phục vụ du khách, vì du lịch là một ngành kinh tế, không có sản phẩm tốt thì không thể phát triển. Để phát triển du lịch bền vững nhất thiết phải quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá. Từ đó hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển vùng kinh tế Việt Bắc phát triển mạnh, xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa các tỉnh miền núi với miền xuôi.

Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc trong thời gian tới như: Tập trung thu hút đầu tư, mở ra cơ hội mới, đầu tư chiến lược cho phát triển du lịch; vấn đề đặt ra khai thác cái gì cũng như việc hợp tác phát triển du lịch thời gian tới nên mở rộng không gian hợp tác liên kết trong phát triển du lịch một cách toàn diện.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng chia sẻ nhiều ý tưởng, góp ý cho các địa phương trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành có kinh nghiệm lâu năm sau khi khảo sát địa bàn các tỉnh Việt Bắc đều nhận định, đây là mảnh đất có nhiều tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Sự tương tác giữa du khách và người dân bản địa hầu như chưa có. Thời gian tới, các địa phương nên xây dựng những nhóm hướng dẫn viên là người bản địa, nhằm cung cấp thông tin về con người cũng như nét văn hóa lịch sử, di sản nơi mà khách đến tham quan. Đây cũng là cách tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời kết nối tình cảm của du khách với địa phương.

Trong giai đoạn 2009 - 2015, chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc đã góp phần thu hút lượng khách du lịch đến thăm quan 6 tỉnh trong khu vực tăng đều và ổn định qua các năm. Chỉ tính riêng năm 2014, tổng lượng khách đến với các tỉnh đạt trên 6,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 410 nghìn lượt, tổng doanh thu du lịch xã hội đạt trên 4.500 tỷ đồng. Đến hết năm 2014, trên địa bàn 6 tỉnh đã có trên 1.100 cơ sở lưu trú, trong đó có 250 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 - 4 sao.

Tin, ảnh: Đỗ Bình (TTXVN)
Xây dựng Thái Nguyên xứng tầm trung tâm vùng Việt Bắc
Xây dựng Thái Nguyên xứng tầm trung tâm vùng Việt Bắc

Năm 2014 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, góp phần giữ vững vị thế là tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN