Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam - Bài 2: Liên kết để đa dạng nguồn khách và thị trường

Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp lữ hành cần đẩy mạnh liên kết phát triển các thị trường nhằm đa dạng nguồn khách đến Việt Nam nhiều hơn.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Doanh nghiệp vẫn "đói" khách

Là doanh nghiệp lữ hành lớn tại Việt Nam, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, các thống kê khách quốc tế đến Việt Nam đều tăng, tuy nhiên thực tế các công ty du lịch vẫn "đói" khách.

"Việt Nam thường đón những dòng khách trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… nhưng đa số du khách này thường chỉ chọn 1- 2 dịch vụ lẻ, không chọn mua tour theo đoàn. Điều này không tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp du lịch. Sở dĩ khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhưng doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều lợi nhuận là do các đơn vị không cung cấp được các dịch vụ trọn gói. Ví dụ như Công ty Saigontourist chỉ cung cấp được dịch vụ cho thuê xe. Đây là dịch vụ "xương xẩu" nhất trong một tour du lịch. Vì vậy, doanh nghiệp lữ hành mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, để lợi nhuận không ra ngoài, giúp ngành du lịch phát triển đúng thực chất, lành mạnh", ông Võ Việt Hòa nhận định.

"Đối với khách Nhật Bản, trước kia họ đến Việt Nam khá nhiều nhưng gần đây khách Nhật đến Việt Nam không tăng do người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như các thị trường Thái Lan, Úc, châu Âu, Hàn Quốc. Dù các chuyến bay từ Nhật về TP Hồ Chí Minh nhiều, khách đông nhưng theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, họ chủ yếu là doanh nhân. Đối với khách Trung Quốc, gần đây chúng tôi phục vụ phân khúc khách trung và cao cấp đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu bằng du thuyền. Đây là thị trường lớn, đa dạng nhu cầu. Sau 2 năm trông chờ, khách Trung Quốc không bùng nổ như kỳ vọng nhưng năm 2024 có thể tốt hơn khi Trung Quốc có chính sách khuyến khích du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, du khách Trung Quốc lại không xem Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung là điểm đến chính", ông Võ Việt Hòa phân tích thêm.

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài nghe Hướng dẫn viên giới thiệu về Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh. 

Tương tự, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, làm sao để tăng trưởng khách nước ngoài bền vững, làm sao để đón nhiều du khách mà chi phí thấp nhất là 2 vấn đề cơ bản của ngành kinh tế du lịch Việt Nam cần xử lý. Thực tế, lượng khách du lịch đến Việt Nam đang tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp.

"Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, năm nay đặt mục tiêu 17 - 18 triệu du khách, Hiệp hội thì đưa mục tiêu 20 triệu du khách cho doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ cùng phấn đấu. Tuy nhiên, có một thực tế là số du khách tăng nhưng khách đi tour không tăng nhiều. Cụ thể như lượng khách hàn Quốc, Nhật Bản đến Việt Nam theo hướng riêng của họ nên không tạo nguồn thu cho ngành du lịch Việt Nam. Đối với dòng khách Trung Quốc cũng đã tăng trở lại sau mùa dịch bệnh nhưng du khách thường chọn tour du lịch giá rẻ nên dù lượng khách tăng nhưng nguồn thu cho doanh nghiệp không nhiều", ông Vũ Thế Bình cho biết. 

Theo ông Vũ Thế Bình, để "cứu lấy mình", trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp phát hiện ra những vấn đề bất hợp lý, những vướng mắc về chính sách, doanh nghiệp cần chủ động phản ánh đến Hiệp hội để Hiệp hội tổng hợp đề xuất đến Chính phủ tháo gỡ. "Mặt khác, muốn thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, chúng ta cần có sản phẩm du lịch phù hợp từng thị trường khách, có sản phẩm mới theo xu hướng du lịch thế giới. Muốn có sản phẩm mới cần có chính sách thích hợp, linh hoạt. Trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách của Việt Nam rất chậm và khó nhất là chính sách về visa, vừa qua chính sách này đã khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn", ông Vũ Thế Bình cho biết thêm.

"Ngoài việc làm mới sản phẩm, các địa phương cũng cần làm mới các hoạt động xúc tiến du lịch. Hiện nay, các chính sách xúc tiến du lịch bị lạc hậu hơn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức lễ hội để giới thiệu đến du khách và thường nhầm lẫn giữa quảng bá giới thiệu, xúc tiến thu hút khách nội địa với khách quốc tế. Trong khi đó, khách du lịch quốc tế không đủ thời gian và sự quan tâm để tham gia những lễ hội mà chúng ta tổ chức ở khắp nơi. Vì vậy, đã đến lúc cần có chiến lược xúc tiến du lịch tầm quốc gia để xúc tiến theo các xu hướng du lịch mới, có tính trọng tâm, trọng điểm để các tỉnh, thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược, từ đó mới có thể thu hút nhiều du khách đến hơn", ông Vũ Thế Bình đề xuất.

Để mỗi du khách là một "đại sứ du lịch"

Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, khi nhắc tới du lịch quốc tế và đón khách quốc tế ở các thị trường thì Thái Lan là điểm đến được nhắc tới nhiều. Cụ thể, đỉnh điểm trước COVID-19, Việt Nam có gần 30 thị trường khách, còn Thái Lan có trên 40 thị trường khách (trong đó có những thị trường đạt trên 100.000 lượt khách). Do đó, để du khách trở lại, Việt Nam cần xác định thị trường quan trọng, từ đó đẩy mạnh quảng bá, hợp tác, liên kết giữa trung ương và địa phương; giữa các bộ, ngành và các doanh nghiệp với nhau; tăng cường công tác truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội hình ảnh du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế

"Nếu trước đây, ngành du lịch chỉ tập trung vào B2B (hỗ trợ doanh nghiệp), thì giờ ngành du lịch cần phải tiếp cận trực tiếp với khách hàng để cung cấp thông tin các điểm đến ở Việt Nam. Hiện nay, khách quốc tế không chỉ đi du lịch thuần túy mà khách kinh doanh cũng nhiều và đều ở khách sạn. Qua nghiên cứu chi tiêu cho thấy chi tiêu hiện nay của khách chỉ ở mức độ cơ bản, ăn ở, đi lại… do đó, cần phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Muốn vậy, ngành du lịch cần đẩy mạnh liên kết với ngành Nông nghiệp, Công thương để cho du khách tăng chi tiêu khi đến Việt Nam. Ngược lại, để đạt hiệu quả về doanh thu, tất cả các ngành cần liên kết với nhau để tạo sản phẩm ưu đãi nhất, giá cả cạnh tranh nhưng có chất lượng cao nhất nhằm thu hút, kích thích nhu cầu chi tiêu của khách", ông Nguyễn Quý Phương đề nghị.

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài trải nghiệm, tham quan tìm hiểu về TP Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng.

Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Võ Việt Hòa cho biết, muốn thu hút du khách đến Việt Nam và để đổi mới hoạt xúc tiến thương mại, Saigontourist sẽ đồng hành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham gia các sự kiện, tham gia mái nhà chung du lịch Việt Nam nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn. Đơn vị cũng mong có thể phát triển các văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc... để có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư hơn nữa nhân lực trẻ, giỏi trong công tác xúc tiến thương mại du lịch để có thể giới thiệu bài bản về du lịch Việt Nam cho bạn bè quốc tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam (dịch vụ xe buýt 2 tầng) cho biết, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và ở lại lâu hơn, chính sách về quảng bá, xúc tiến từ sớm là rất quan trọng. Bởi như du khách châu Âu, châu Mỹ thường lên kế hoạch đi du lịch từ rất sớm, có thể từ 6 tháng đến một năm. Nếu không có kế hoạch xúc tiến, quảng bá từ sớm, bài bản, rất khó để khách tới Việt Nam rồi quyết định ở lại thêm một vài ngày. Trong khi nếu quảng bá sớm, họ sẽ có thể sắp xếp lịch trình để ở lại 1 - 2 tuần. Đặc biệt, mỗi khách du lịch, trong đó có khách quốc tế đều là một "đại sứ" giúp quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam. Nếu làm tốt, có sản phẩm dịch vụ du lịch tốt, để lại ấn tượng, chúng ta hoàn toàn có thể khuyến khích, có chính sách quà tặng… để du khách quốc tế đánh giá, bình chọn hoặc check-in ở Việt Nam đăng trên mạng xã hội - một cách quảng bá, truyền thông giúp lan tỏa mạnh mẽ cho ngành du lịch.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề liên kết trong ngành du lịch rất quan trọng, trong đó việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương, nhà quản lý cùng nhau tạo các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt, tránh sự trùng lặp là điều kiện đầu tiên hấp dẫn du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà quản lý cũng cần liên kết trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

"Vừa qua, Việt Nam đã có văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở Lào, sắp tới Hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh mong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch có thêm văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở một số khu vực, đặc biệt là ở các nước Đông Bắc Á để mở rộng các thị trường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam mở rộng hơn", bà Nguyễn Thị Khánh cho biết.

"Mặt khác, để tránh những rủi ro lớn từ việc quá lệ thuộc vào một thị trường du lịch như hiện nay và hướng tới phát triển thị trường du lịch về chất lượng hơn là số lượng, Việt Nam cũng cần có những giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc vùng miền để thu hút đa dạng nhiều đối tượng khách", bà Nguyễn Thị Khánh đề xuất thêm.

Bài cuối: Tháo gỡ các điểm nghẽn từ chính sách

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam - Bài 1: TP Hồ Chí Minh phát huy vai trò tiên phong
Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam - Bài 1: TP Hồ Chí Minh phát huy vai trò tiên phong

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng đáng kể so với cùng kỳ. Riêng TP Hồ Chí Minh, ước tính quý 1 đón gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là địa phương tiên phong trong việc triển khai nhiều giải pháp thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi trong những tháng đầu năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN