Thắng cảnh Ao Bà Om

Không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, Ao Bà Om (tọa lạc tại ấp Trà Cú, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) còn là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đồng thời là địa điểm gắn liền truyền thuyết cổ xưa của người dân tộc Khmer.


Ao Bà Om có hình chữ nhật, chiều dài khoảng 500 m, rộng khoảng 300 m; xung quanh ao có rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nhiều cây có hình thù rất lạ mắt, tạo nên sự lôi cuốn kỳ điệu.

 

Ao Bà Om về đêm.


Theo truyền thuyết của người Khmer, xưa kia để có một hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, các vị trưởng lão đồng bào Khmer quyết tâm đào một ao lớn để trữ nước, nhưng do phum sóc ít người nên rất khó vận động đồng bào bỏ công đào ao lớn như vậy. Cuối cùng các vị trưởng lão nghĩ ra cách phát động cuộc thi đào ao giữa hai nhóm nam và nữ. Quy định của cuộc thi này đào một ngày một đêm, thời gian tính bắt đầu từ lúc mặt trời mới mọc ngày hôm trước đến khi mặt trời hôm sau ló dạng, nếu bên nào chưa xong sẽ bị thua cuộc và nhường quyền làm gia chủ cho bên thắng.

 

Các hương thân phụ lão người dân tộc Khmer hướng về Ao Bà Om nhân ngày lễ hội.

Nét duyên.

 

Năm 1994, Ao Bà Om và chùa Ân được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.


Ỷ lại vào sức mạnh của mình nên nhóm nam vừa làm, vừa chơi; còn nhóm nữ thì phải cố gắng hết sức cũng không thể thắng. Trong số các cô gái tham gia cuộc thi có một người phụ nữ tên Om, người phụ nữ này biết dù cố gắng thế nào đi chăng nữa cũng không thể thắng được, vì nam giới có sức mạnh còn nữ giới thì tay mềm chân yếu nên đã nghĩ ra cách là vào khoảng nửa đêm họ thả đèn ở phía đông làm cho nhóm nam tưởng rằng mặt trời sắp mọc nên nghỉ ngơi chờ ban giám khảo tới chấm điểm. Kết quả là do quá mệt nên nhóm nam đã ngủ quên tới sáng và họ đã thua cuộc.

 

Trong ngày lễ Oc Om Bóc (15 tháng 10 âm lịch), nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ rất sôi nổi được diễn ra tại Ao Bà Om.


Xưa kia, đồng bào trong phum sóc đặt tên cho ao này là Ao đôi (tiếng Khmer gọi là Srắs Ku) bởi một ao nam và một ao nữ nằm cạnh nhau. Nhưng trải qua thời gian, do nhỏ và cạn nên ao của nhóm nam đã bị lạng mất (hiện nay vẫn còn dấu tích) chỉ còn hiện diện ao của nhóm nữ và đồng bào kể cho nhau nghe rằng đó chính là Ao Bà Om với ý nghĩa ao nước đó là do công sức và trí thông minh của bà Om (người phụ nữ trong truyền thuyết).

 

Hội thi quết Cốm dẹp tại Ao Bà Om nhân ngày lễ Oc Om Bóc.

 

 Trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Khmer thu hút nhiều du khách.

 

Ao Bà Om còn là nơi nghỉ mát dã ngoại khá lý tướng.


Ngày nay, các hương thân phụ lão người dân tộc Khmer ở địa phương cũng không biết chính xác là Ao Bà Om có từ khi nào, người ta chỉ biết sau khi nhóm nam thua cuộc phải nhường quyền gia chủ cho nhóm nữ nên đã cảm thấy rất hổ thẹn và quyết tâm xuống tóc đi tu. Từ đó cạnh Ao Bà Om đã xuất hiện ngôi chùa của người dân tộc Khmer có tên là Chùa Ân (một trong những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất của tỉnh Trà Vinh). 


Nằm cạnh Ao Bà Om là chùa Ân rất đẹp và nổi tiếng.


Theo ghi chép thì ngôi chùa này được xây dựng từ năm 990, tức cách nay 1023 năm, mốc thời gian này cũng là mốc thời gian để người dân địa phương xác định tuổi thọ của Ao Bà Om.


Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Ao Bà Om vẫn rất đẹp và là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Vào những ngày lễ hội hoặc mùa hè nắng nóng, các hộ dân và các học sinh, sinh viên địa phương xem nơi đây là điểm nghỉ mát khá lý tưởng.


Đặc biệt hơn là vào các ngày lễ hội truyền thống hằng năm của đồng bào dân tộc Khmer, tại Ao Bà Om luôn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian rất sôi nổi..., thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan. Từ đó tạo nên điểm nhấn về du lịch sinh thái của tỉnh Trà Vinh.



Bài: Xuân Trang, Ảnh: Bá Thi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN