Tạo đà để Lào Cai trở thành trung tâm du lịch lớn

Để Lào Cai trở thành 1 trong 4 điểm du lịch phát triển của các tỉnh miền núi phía Bắc và là một trung tâm du lịch lớn của miền Bắc, ngành du lịch Lào Cai đang tập trung thực hiện các giải pháp như quy hoạch, đầu tư về du lịch; tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua hai nhóm vấn đề là đào tạo nhân lực làm công tác hướng dẫn viên và đội ngũ nhân viên nhà hàng khách sạn...

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và xúc tiến quảng bá



Theo các chuyên gia văn hóa, Lào Cai có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch cả 3 loại hình: du lịch văn hóa-lịch sử; du lịch sinh thái-mạo hiểm và du lịch cộng đồng..., tập trung ở các địa bàn có lợi thế như thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, Bắc Hà và Bảo Yên... Do đó, từ lâu tỉnh đã quy hoạch các tuyến, điểm du lịch và ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại các địa bàn trên.

Để ngành công nghiệp "không khói" này trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, các nhà chuyên môn, nhà quản lý và các địa phương trên cần coi trọng xúc tiến, quảng bá gắn với đầu tư hạ tầng và dịch vụ để phát triển du lịch bền vững.

Những năm gần đây, hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch đã được đẩy mạnh, góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách và các dự án đầu tư vào lĩnh vực này như thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về các tiềm năng, thế mạnh; các sản phẩm du lịch dịch vụ của địa phương để phục vụ du khách.



Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, tổ chức các cuộc họp báo công bố các sự kiện và chương trình du lịch trong năm, tổ chức thành công các sự kiện trong Chương trình "Du lịch về cội nguồn" hợp tác giữa 3 tỉnh Lào Cai-Yên Bái-Phú Thọ, tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch tại các hội chợ du lịch quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, hội chợ du lịch quốc tế Côn Minh-Trung Quốc… được chú trọng.

Việc tiếp nhận website từ vùng Aquitaine của Cộng hòa Pháp và duy trì các website đã tiếp thêm sức mạnh cho hoạt động quảng bá du lịch Lào Cai trực tuyến trên mạng internet, đưa hình ảnh du lịch Lào Cai đến với bạn bè quốc tế ngày càng mạnh mẽ hơn.

Với những việc làm cụ thể, thiết thực trong hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch của Lào Cai thời gian qua đã đem lại kết quả đáng khích lệ trong việc thu hút khách du lịch và các dự án đầu tư vào địa bàn. Giai đoạn 2006-2010, tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng và vui chơi giải trí (đặc biệt là hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp) trong toàn tỉnh ước đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, đã thu hút được 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn trong lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đầu tư đạt trên 28 triệu USD và một dự án du lịch sinh thái từ nguồn vốn của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) viện trợ không hoàn lại với tổng giá trị 1,79 triệu euro.

Hơn nữa, địa phương đã phê duyệt 11 dự án đầu tư trong nước về du lịch, trong đó có các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập đoàn Cao Su Việt Nam..., với tổng số vốn đạt trên 17 triệu USD.

Đào tạo nguồn nhân lực


Theo Sở Nội vụ Lào Cai, nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến thời điểm này tổng số mới có khoảng trên 2.500 lao động trực tiếp, trong đó trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 20%.

Đa số lao động trực tiếp có trình độ trung, sơ cấp, chưa qua đào tạo chuyên ngành du lịch và làm việc theo hợp đồng thời vụ. Trong tổng số khoảng 400 hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh đến nay chỉ có 54 trường hợp có thẻ hướng dẫn viên toàn quốc (chiếm 13,5%).

Nhằm chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Luật Du lịch, bắt buộc hướng dẫn viên phải có bằng đại học. Đến nay ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cấp 54 thẻ hướng dẫn viên du lịch toàn quốc; trong đó, tiếng Trung Quốc là 32 người, tiếng Anh là 18 người và ngoại ngữ khác là 4 người; cấp và đổi lại 192 thẻ hướng dẫn viên du lịch địa phương.

Trong thời gian tới sẽ ban hành Giấy chứng nhận thuyết minh viên theo Luật Du lịch để phục vụ công tác hướng dẫn, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh cho du khách tại các khu, tuyến, điểm du lịch. Bên cạnh đó, ngành cũng đã thực hiện sự chỉ đạo trong công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo định hướng của tỉnh giai đoạn 2006-2010.

Từ năm 2006 đến nay, ngành du lịch đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên cho gần 180 học viên (từ các doanh nghiệp lữ hành) bằng nguồn vốn xã hội hóa hoàn toàn, không sử dụng nguồn ngân sách. Trong 3 năm trở lại đây, kinh phí dành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đạt hơn 6,740 tỷ đồng, vượt 69% mục tiêu đề ra.

Cũng từ năm 2006 đến nay ngành du lịch tổ chức và đào tạo cho 305 lao động nông thôn các nghiệp vụ về du lịch và du lịch cộng đồng tại các xã Tả Van, Tả Phìn, Bản Hồ huyện Sa Pa (theo nguồn vốn từ chương trình đào tạo nghề của tỉnh).

Nhằm chuyên môn hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng ngày càng cao của du lịch, tỉnh đã thành lập Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật-Du lịch và hình thành Khoa Du lịch-Khách sạn thuộc Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

Theo đó, ngành du lịch đẩy mạnh triển khai các khóa đào tạo hướng dẫn viên du lịch giúp người dân địa phương từng bước nâng cao năng lực trong hoạt động du lịch. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ du lịch cho các đơn vị du lịch và các xã như mở lớp tiếng Anh giao tiếp du lịch; lớp nghiệp vụ bàn, bar; lớp nghiệp vụ buồng; lớp nghiệp vụ lữ hành; lớp nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; lớp tập huấn du lịch cộng đồng… tại xã Tả Van và Tả Phìn với hơn 200 lao động.

Để Lào Cai trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Bắc

Chín tháng đầu năm, Lào Cai đón gần gần 800.000 lượt du khách, với tổng doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng, vượt 22% so kế hoạch năm và tăng gần 70% so cùng kỳ năm 2010.

Để phấn đấu đón 890.000 lượt khách du lịch trong năm nay, những tháng còn lại trong năm, Lào Cai sẽ tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện mang tính thương hiệu của Lào Cai, phát huy vai trò trưởng nhóm trong thực hiện thỏa thuận hợp tác liên vùng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong phát triển kinh tế du lịch dọc hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Lào Cai đang là 1 trong 4 điểm du lịch phát triển của các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng năm, trung bình Lào Cai đón trên 300.000 lượt khách quốc tế (chủ yếu là khách châu Âu), nên số lượng hướng dẫn viên có thẻ như trên chưa đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn khách. Ngay ở Sa Pa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách, hướng dẫn viên du lịch ở đây chủ yếu là các em đồng bào dân tộc chưa qua đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên nhưng du khách Tây Âu lại rất thích bởi họ là những người dân bản địa nên rất am hiểu văn hóa truyền thống của địa phương…

Để du lịch Lào Cai hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Bắc và của cả nước, ngành du lịch Lào Cai sẽ phải đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển du lịch đang là yếu tố quan trọng và cần thiết nhằm phát huy hiệu quả ngày càng cao và đa dạng của du khách, tạo đà thúc đẩy du lịch Lào Cai trở thành ngành kinh tế quan trọng, hướng tới và đảm bảo một ngành du lịch phát triển bền vững, góp phần xây dựng một Lào Cai ngày càng giàu mạnh./.


Lục Văn Toán
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN