Sản phẩm du lịch các tỉnh thành chưa hấp dẫn

Năm Du lịch Quốc gia 2017 với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc” vừa khai mạc ngày 11/2 tại Lào Cai, đánh dấu giai đoạn mới phát triển cho cả vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ động liên kết vùng

“Trong những năm gần đây, việc tổ chức Năm du lịch quốc gia tạo sự liên kết giữa các địa phương để thu hút khách, trong đó sẽ lấy một tỉnh của vùng làm hạt nhân. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều địa phương chủ động liên kết điểm đến, tiêu biểu gồm liên kết của 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc - Nam Trung Bộ; Hà Nội với Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; đồng bằng sông Cửu Long...”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc trong vườn xuân đất nước”.


Vùng Tây Bắc mở rộng với sự hỗ trợ của dự án EU đã liên kết xây dựng được bộ định vị thương hiệu của cả vùng và từng tỉnh; quy hoạch từng vùng phát triển du lịch... Dựa trên thế mạnh của từng tỉnh, các tỉnh vùng Tây Bắc đã xây dựng những điểm nhấn riêng như tỉnh Lào Cai với thị trấn Sa Pa có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, được mệnh danh là “thị trấn trong mây”, tỉnh Hà Giang có cao nguyên đá Đồng Văn, Yên Bái với danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải, tỉnh Điện Biên với thế mạnh là điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ; Sơn La với thế mạnh là cao nguyên Mộc Châu rộng lớn cùng nhiều loài hoa ban, hoa mận, hoa đào...

“Trên điểm chung sắc màu Tây Bắc, các tỉnh liên kết để tạo từng điểm nhấn riêng từng tỉnh để du khách lưu lại lâu hơn, trải nghiệm đa dạng sắc màu văn hóa”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết.

Bước ngoặt với tỉnh Lào Cài và các tỉnh Tây Bắc trong phát triển du lịch là khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào hoạt động từ tháng 9/2015. “Năm 2016, tổng số du khách đến tỉnh Lào Cai đạt trên 2,7 triệu lượt, (tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2015); trong đó, khách quốc tế đạt 760.000 lượt (chiếm 27%); tổng doanh thu từ du lịch năm 2016 đạt 6.405 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ năm 2015). Năm 2017, du lịch Lào Cai đặt mục tiêu đón 3,1 triệu; doanh thu du lịch xã hội đạt 7.800 tỷ đồng”, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết.


Tạo động lực phát triển


Không chỉ Tây Bắc mà nhìn chung sản phẩm du lịch các tỉnh thành chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. “Bên cạnh đó, môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vừa thiếu, lại vừa yếu; doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý hạn chế; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy... Với những điểm yếu đó, năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 75/141 nước. Về chỉ số môi trường bền vững Việt Nam đứng thứ 132; và đứng thứ 119 về mức độ ưu tiên dành cho du lịch...”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.


Để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam, tiếp nối chiến dịch kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch trong năm 2016, các địa phương đã quan tâm xử lý các tệ nạn đeo bám, ép khách, cướp giật, không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực về vấn đề này. Năm 2017, Tổng cục Du lịch tiếp tục chấn chỉnh lại những hạn chế của kinh doanh lữ hành và công tác hướng dẫn du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện có kết quả Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; bồi dưỡng để đội ngũ hướng dẫn viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng; tăng cường quản lý nâng cao chất lượng điểm đến, nhất là tại các khu, điểm du lịch lớn.


“Năm 2017, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng. Để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục du lịch năm 2017 là tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), trình Quốc hội ban hành; triển khai, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch năm 2016”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.


Xuân Cường
“Bắt đúng bệnh”, “kê đúng đơn” để du lịch phát triển
“Bắt đúng bệnh”, “kê đúng đơn” để du lịch phát triển

Thực trạng hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), chiều 18/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN