Quần thể danh thắng Tràng An hướng đến Di sản Thế giới

Thiên nhiên đã thật ưu ái khi ban tặng tỉnh Ninh Bình một khu danh thắng tuyệt đẹp như khu du lịch sinh thái Tràng An, nơi được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”, một “bảo tàng địa chất ngoài trời” với hệ thống hang động hết sức phong phú... Và giờ đây, người dân Ninh Bình càng tự hào hơn khi Tràng An đang trong quá trình xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Bài 1: Kỳ thú vẻ đẹp quần thể danh thắng Tràng An

Với diện tích trên 10.000 ha, quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình bao gồm ba khu vực là: Khu sinh thái Tràng An, khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động và khu Cố đô Hoa Lư.

Du khách bị hút hồn khi tham quan khu danh thắng Tràng An.


Khu du lịch Tràng An thuộc dãy núi Thành Trì Thiên Tạo của Kinh đô Hoa Lư xưa, xung quanh núi bao bọc bốn phía, ẩn dưới mỗi ngọn núi là những hang động được thông nhau bởi các thung nước, tạo nên một cảnh quan vừa đẹp vừa kỳ vĩ. Rất nhiều người đã gọi đây là “Vịnh Hạ Long trên cạn” của Việt Nam.
Không những thế, khu hang động Tràng An còn được ví như một “bảo tàng địa chất ngoài trời”, với địa hình được bao bọc bởi toàn bộ các dãy núi đá vôi hình cánh cung ở giữa vùng chiêm trũng ngập nước. Trên đỉnh các khối núi đá vôi phổ biến dạng địa hình Karst - đá tai mèo, rất có giá trị trong nghiên cứu khoa học địa chất, biến đổi khí hậu, hiện tượng biển tiến, biển thoái. Dưới chân các núi đá vôi là một hệ thống hang động hết sức phong phú. Theo thống kê đến nay, chỉ tính riêng số hang động xuyên thủy đã được khảo sát là 48 hang, xen lẫn 31 thung đẹp, trong đó có những hang xuyên thủy dài hàng cây số như hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu rượu, hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, hang Sơn Dương...

Trong số các hang động, có nhiều hang đã từng là ngôi nhà chung của người nguyên thủy, bởi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những di vật, dấu tích của người tiền sử. Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Nhiều năm trước, các chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam và Trường Đại học Cambridge (Anh) đã tiến hành nghiên cứu di chỉ khảo cổ học và khai quật các hang động của quần thể danh thắng Tràng An. Kết quả cho thấy, tại hang Trống có dấu ấn của người tiền sử khoảng 20.000 năm trước, tại hang Bói có sự xuất hiện của người tiền sử khoảng 10.000 năm trước. Ngoài ra, hàng loạt các hang Vượn, Thiên Tôn, Đá Máng, hang Son... đều có những dấu tích của người tiền sử ở khu vực này qua các giai đoạn chuyển hóa từ thế Pleistocene sang thế Holocenne. Những dấu tích ở khu vực này còn cho thấy cách thức sinh hoạt của người tiền sử trong giai đoạn biến động địa chất, về thời kỳ biển tiến, biển thoái khoảng 5.000 - 7.000 năm trước. Và cũng cho thấy sự định cư liên tục từ thời đại đồ đá tới đồ đồng rồi đồ sắt, gắn với các nền văn hóa khảo cổ học thời tiền Hòa Bình, Hòa Bình, Đa Bút, Đông Sơn ở khu vực này.

Ngoài vùng quần thể hang động Tràng An, khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động và Cố đô Hoa Lư cũng được đưa vào là trung tâm, vùng lõi của di sản đề nghị xét duyệt lần này. Trong đó, Tam Cốc - Bích Động cũng có nhiều nét tương đồng với khu sinh thái Tràng An. Nằm trên địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Tam Cốc - Bích Động vẫn giữ được nét nguyên sơ thiên tạo. Đẹp, cổ kính với lối kiến trúc độc đáo, chùa và động đan xen, Bích Động được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" với nhiều hang động mây nước hòa quyện, cùng với những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng trong và ngoài nước như đền Thái Vi, chùa Bích Động, hang động Tam Cốc, Động Tiên, chùa Linh Cốc...

Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), là Kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Với diện tích khoảng 300 ha, kinh đô Hoa Lư tồn tại trong 42 năm qua ba triều đại - nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý (từ năm 968 đến năm 1010). Cho dù thời gian và sự thăng trầm của lịch sử nhưng Cố đô Hoa Lư vẫn còn lưu giữ những chứng tích lịch sử hào hùng, đó là những bức tường thành do thiên nhiên và con người tạo dựng, những công trình kiến trúc văn hóa lịch sử của vương triều Đinh và Tiền Lê, đó là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng mô phỏng Kinh đô Hoa Lư xưa, đó là lăng vua Đinh, vua Lê, đền Vực Vông, bia Cửa Đông, chùa Nhất Trụ, đền thờ Công chúa Phất Kim, núi Mã Yên... Đây sẽ mãi là những dấu son lịch sử sáng ngời để người dân Việt Nam nói chung, người dân Ninh Bình nói riêng luôn trân trọng và tự hào.

Bài và ảnh: Phương Lan

Bài cuối: Nỗ lực để xây dựng hồ sơ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN