"Phượt" Hà Giang và 9 đặc sản nên thưởng thức

Hà Giang không chỉ hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những món ăn đặc sản, hấp dẫn. Cơm lam Bắc Mê, bánh cuốn Đồng Văn, thắng dền, thắng cố, bánh tam giác mạch, phở chua… là những món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến Hà Giang.

BÁNH CUỐN PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN

Thoạt nhìn bánh cuốn nơi đây không có gì khác nhiều so với bánh miền xuôi, nhưng khi thưởng thức rồi, mới thấy thật lạ. Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng, nhưng bánh trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm. Trong các loại bánh cuốn ở đây, bạn nhất định phải thử qua món bánh cuốn trứng.

Bánh cuốn khi được tráng trên bếp được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh trắng ngần ấy gói lại. Khi ăn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo nóng hổi thả giò trắng thơm ngon ở trong. Bát nước dùng ăn cùng bánh cuốn trứng còn có ít hành và 2 chiếc giò rất ngon mắt.

CƠM LAM BẮC MÊ


Cơm lam Bắc Mê là thứ quà dân dã, đồng thời là món ăn phổ biến của nhiều đồng bào dân tộc ở Tây Bắc. Món này thường được làm trong ống tre, ống nứa, nhưng ngon nhất vẫn là dùng ống cây hóp non.

Kỹ thuật chế biến cơm lam khá đơn giản, nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo của người làm. Gạo nếp nương được ngâm nước sạch và đãi kĩ, xóc thêm chút muối, sau đó cho vào ống tre rồi đổ nước vào ống sao cho vừa bằng với lớp gạo trên cùng, miệng ống được nút bằng lá dong hoặc lá chuối tươi. Những ống tre sau đó được đặt lên bếp than hồng để nướng. Chừng 1 giờ sau, khi mùi cơm nếp toả ra là lúc cơm đã chín. Cơm lam ăn cùng với muối vừng hay cá suối nướng sẽ thơm và bùi hơn.


XÔI NGŨ SẮC


Xôi ngũ sắc thường có 5 màu: trắng, vàng, tím, đỏ, xanh, được làm từ loại gạo nếp thơm và dẻo do chính người dân tộc trồng ra. Từng hạt gạo trắng thơm lừng được lựa chọn kỹ lưỡng hoà hợp qua từng màu sắc khiến ai cũng nao lòng.

Với hình thức bắt mắt, độ dẻo thơm khó lẫn, xôi ngũ sắc đã trở thành một món ăn khó vắng mặt vào các dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng tộc người thiểu số trong năm.


BÁNH TAM GIÁC MẠCH


Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân ở đây sẽ lên đồi/núi thu hoạch và lấy hạt của chúng về phơi khô, một phần dùng ủ tạo thành loại men hồng mi nổi tiếng, một phần có thể xay bột làm thành món bánh đặc trưng của cao nguyên đá – bánh tam giác mạch.

Bánh tam giác mạch được nặn thành hình tròn xoe rồi cho vào hấp chín. Bánh tam giác mạch mang lại hương vị đặc biệt, mềm mềm, xôm xốp, vị ngọt thanh thanh, càng nhai càng bùi, lâu lâu lại phảng phất hương thơm riêng của núi rừng.


CHÁO ẤU TẨU

Cháo ấu tẩu được nấu từ gạo nếp, tẻ thơm, củ ấu tẩu, nước hầm chân giò, khi ăn rắc thêm các loại rau thơm và chút thịt nạc băm nhỏ. Cháo có vị đắng nên còn được gọi là cháo đắng. Nhiều người không ăn quen cháo ẩu tẩu sẽ không nuốt nổi nhưng khi đã quen thì rất dễ nghiện. Giữa đêm lạnh, ngồi nhẩn nha từng thìa cháo đắng bên cạnh bếp lửa bập bùng, sẽ là một trải nghiệm thú vị trên đường khám phá mảnh đất Hà Giang.


THẮNG CỐ


Thắng cố, theo tiếng Mông nghĩa là “nồi nước” hay “canh thịt”, là món ăn truyền thống của người Mông, Lô Lô và các dân tộc thiểu số khác ở Hà Giang. Muốn ăn thắng cố, du khách có thể tới các chợ phiên ở Đồng Văn, Mèo Vạc.

Mọi người quây quần bên chảo thắng cố.

Nguyên liệu chính để làm thắng cố là toàn bộ phần nội tạng, xương, phần đầu và tứ chi của trâu, bò, ngựa hay dê được làm sạch, cắt miếng, ướp gia vị, hạt tiêu, ớt, thảo quả. Đem cho tất cả vào chảo xào qua lửa rồi đổ nước, ninh kĩ trong nhiều giờ, đến khi các thứ chín nhừ thì điều chỉnh nhỏ lửa hơn. Điều đặc biệt là đồng bào ít khi làm thắng cố lợn mà chỉ có thắng cố trâu, bò, ngựa, dê. Các loại gia vị cho chảo thắng cố cũng là những sản vật tự nhiên trong vùng như thảo quả, củ sả, hạt dổi, hạt tiêu,…


Thắng cố thường không hấp dẫn người ăn ngay từ cái nhìn đầu, nhưng một khi đã “vượt qua được sự sợ hãi” thì thắng cố lại là một món ăn ngon không tưởng.


THẮNG DỀN


Đây là món ăn chơi khá phổ biến của người Hà Giang, nhất là khi được ăn vào những ngày mùa đông lạnh giá thì lại càng thú vị.

Hình dáng của thắng dền khá giống với viên bánh trôi tàu ở dưới xuôi. Mỗi viên bánh được nặn hình tròn, to bằng đầu ngón tay cái, có nhân đỗ hoặc không nhân, sau đó cho vào nồi nước dùng luộc. Đến khi chín, bánh nổi lên được vớt ngay ra bát, chan nước dùng nấu từ đường hoa mai, nước cốt dừa và gừng tươi thái lát. Khi ăn, chủ quán rắc thêm lên đó chút vừng và lạc rang thơm.


Giữa một ngày mùa lạnh ở Đồng Văn, ngồi nhẩn nha ăn từng miếng thắng dền, cảm nhận vị ngọt ngào, béo ngậy và thơm nồng mùi gừng, giúp cái lạnh giảm đi ít nhiều lần.


RÊU NƯỚNG

Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người dân tộc Tày. Rêu được lấy ở dưới ở khe suối, mang về làm sạch nhớt rồi chế biến thành các món như rêu rán, rêu khô, rêu nướng. Nhưng nổi tiếng và ngon nhất vẫn là món rêu nướng. Sau khi tẩm ướp với gia vị, sả, mùi tàu, răm và hạt dổi, rêu được gói trong lá hoặc kẹp que tre nướng trực tiếp trên than.


PHỞ CHUA


Phở chua có tên gọi gốc Trung Quốc là “Lương pàn”, nghĩa là phở mát, vì thế đây là món ăn phổ biến ở Hà Giang vào mùa hè. Nguyên liệu làm nên bát phở gồm bánh phở, thịt xá xíu, vịt quay, lạp xưởng, lạc chao dầu cùng các loại rau thơm, đu đủ nạo rồi cuối cùng rưới nước dùng phở sền sệt, chua chua, ngọt ngọt lên trên. Bát phở ăn có vị lạ miệng khác hẳn với phở nước thông thường dưới vùng xuôi, phổ biến tại các chợ phiên Hà Giang.

Ngoài những món ăn trên, du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn khác như: mèn mén, khau nhục, bánh dày Dao, thịt hun khói, thịt chuột La Chí, gà xương đen… Đừng bỏ lỡ nhé!


Theo Thethaovanhoa.vn
"Mạ vàng" cho đặc sản địa phương
"Mạ vàng" cho đặc sản địa phương

Nằm trên dải đất hình chữ S, mỗi bước chân đi qua đều để lại một dấu ấn khó quên với đặc sản địa phương của mỗi vùng miền. Và Quảng Ninh cũng không ngoại lệ bởi món chả mực Hạ Long với vị đậm đà và ngọt tự nhiên mà chỉ cần nhắc tới đã thấy ngon tê đầu lưỡi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN