Phát triển các loại hình du lịch mới

Việt Nam là đất nước có tiềm năng du lịch phong phú, tuy nhiên ngành du lịch vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng do các loại hình du lịch còn đơn giản, cũ kỹ. Theo các chuyên gia kinh tế, để du lịch Việt Nam phát triển cần thúc đẩy các loại hình du lịch mới để khai thác các tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ.

Còn đơn điệu

Tiến sỹ Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, cho biết sự đơn điệu của các loại hình du lịch Việt Nam đang triển khai dẫn đến sự đơn điệu của các sản phẩm du lịch hiện nay. Việt Nam có một số loại hình du lịch đang phát triển như du lịch văn hóa, tâm linh ở từng địa phương, du lịch sinh thái ở miền Bắc, ở miền Tây Nam bộ, miền Trung, ở miền Đông Nam bộ… nhưng lại na ná giống nhau, không tạo nên sức hút cho du khách, đặc biệt là những du khách nước ngoài với nhu cầu trải nghiệm đa dạng và phong phú các loại hình du lịch.


“Tiềm năng phát triển loại hình du lịch mới ở Việt Nam khá lớn do chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Hiện nay, chúng ta đang có 4 nhóm loại hình du lịch mới như du lịch giáo dục, du lịch gia đình, du lịch ẩm thực, du lịch y tế. Tuy nhiên, các loại hình du lịch này chưa được quan tâm phát triển, nếu có phát triển chỉ phát triển rời rạc, đơn lẻ và chưa thỏa mãn được các nhu cầu cơ bản của con người”, ông Khắc Chương cho biết thêm.

Các loại hình du lịch mới như du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách (Ảnh: khách du lịch trải nghiệm cách đổ bánh xèo của miền Tây).

Tương tự, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Giảng viên trường Đại học Hà Tĩnh, cũng cho biết nhu cầu du lịch của con người ngày càng phát triển, đòi hỏi không chỉ có các loại hình du lịch truyền thống mà còn có cả các loại hình du lịch mới hiện đại. Ngành du lịch Việt Nam muốn phát triển tốt cũng phải phát triển các loại hình du lịch hiện đại này nhằm phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của con người và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các loại hình du lịch mới ở nước ta chưa phát triển đúng tầm, còn đơn điệu chưa phát huy hết tiềm năng thiên nhiên đa đạng, phong phú của nước ta.


Tại Việt Nam, những loại hình du lịch mới thường được khám phá, quy hoạch, phát triển ở những nơi tài nguyên thiên nhiên hội tụ các yếu tố như tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có đặc thù riêng như Vinpearl, Hạ Long, hang Sơn Đòong… hoặc có những nhà đầu tư với tầm nhìn mới và chiến lược như Bà Nà Hill (Đà Nẵng); có tài nguyên thuận lợi để khai thác phát triển các trò chơi mới, mạo hiểm; “hùng vĩ hóa” các di sản từ tài nguyên văn hóa truyền thống như Chùa Bái Đính hay các điểm du lịch có sự phân bố và thu hút dân cư đông đúc, tạo nguồn khách để duy trì và phát triển cho loại hình du lịch mới như các hệ thống chuỗi trung tâm giải trí, ăn uống và du lịch mua sắm: Vincom, Pakson, Diamon Plaza…


Đầu tư cho nguồn nhân lực

Muốn phát triển các loại hình du lịch mới đúng tầm, theo Tiến sỹ Vũ Khắc Chương, trước hết nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp du lịch nên có những chiến lược và tầm nhìn dài hơi để đáp ứng tốt nhất các hoạt động du lịch này. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực và tạo điều kiện cơ sở vật chất, chương trình hành động cho các địa phương, doanh nghiệp khi thực hiện các loại hình du lịch mới. Trong đó, chú ý quy định bền vững có trách nhiệm khi triển khai các loại hình du lịch này.


Trong khi đó, GS.TS Đính lại chỉ rõ để phát triển loại hình du lịch mới cần có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cho từng vùng, từng nơi có tài nguyên thiên nhiên đa đạng, phong phú để khách du lịch có thể tiếp cận các điểm du lịch hấp dẫn như đường sá, công trình vệ sinh, y tế, cơ sở lưu trú, ăn uống… Đặc biệt, cần phát triển đội ngũ nhân lực du lịch có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của các loại hình du lịch mới. Đây cũng là điều mà các công ty du lịch còn yếu nên chưa phát triển tốt các loại hình du lịch mới so với các nước trong khu vực cũng như thế giới.

Hành trình khám phá đỉnh Fansipan đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia.

Tuy nhiên, những điều trên chỉ là điều kiện cần để thúc đẩy các loại hình du lịch mà vẫn cần điều kiện “đủ” chính là nhân tố con người để phát triển loại hình du lịch này.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực để phát triển các loại hình du lịch mới bền vững trong thời gian tới. Vì vậy, cần thiết có cuộc tổng điều tra nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao một cách đầy đủ, nắm chính xác, cụ thể thông số nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của từng địa phương. Mặt khác, cần xây dựng và tập huấn triển khai quy trình đào tạo lại, bồi dưỡng huấn luyện nâng cao năng lực của nguồn nhân lực du lịch tạo tiền đề phát triển các loại hình du lịch mới. Tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của cả nước và từng địa phương để có kế hoạch phát triển cụ thể. Phát huy vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho các loại hình du lịch mới phát triển tại Việt Nam….

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Làm du lịch tự phát - lợi bất cập hại
Làm du lịch tự phát - lợi bất cập hại

Dân phượt, các đơn vị lữ hành và dân cư mạng hết lời ca tụng, giới thiệu điểm đến đảo Bình Hưng (hay còn gọi là Hòn Chút) nằm trong vịnh Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN