Người Mông du xuân trên cao nguyên đá Tủa Chùa

Với đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao Tủa Chùa (Điện Biên)- nơi được ví như một "tiểu Hà Giang thứ hai" của Tổ quốc, thì những ngày sau Tết luôn được mọi người háo hức mong đợi. Bởi thời gian này, hoạt động du xuân của cộng đồng dân tộc Mông ở đây mới chính thức nhộn nhịp, sôi nổi.

Đòng bào Mông ở 13 xã, thị trấn của huyện Tủa Chùa lại cắt núi, băng rừng tìm về điểm tập trung chơi xuân. Tại các xã vùng cao, nằm trên cao nguyên đá Tả Sìn như Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình, Sín Chải... nhờ hoạt động du xuân của bà con dân tộc Mông cùng những trò chơi mang đậm nét văn hóa bản địa mà vùng cao nguyên đá này sau những ngày im lìm đã được “thức giấc”.

Xã Tả Phìn nằm ở phía Bắc huyện Tủa Chùa, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 150km, có hơn 570 hộ với trên 3.300 nhân khẩu, 100% là người Mông. Ở vị trí trung tâm, lại là đầu mối giao thông quan trọng nối các xã vùng cao phía bắc của huyện nên Tả Phìn luôn thu hút được số lượng lớn người Mông ở các xã lân cận đổ về chơi xuân.

Tủa Chùa - một hình ảnh của Hà Giang Thu nhỏ. Ảnh: Baodienbien.info.vn


Con đường từ trung tâm huyện Tủa Chùa đi Tả Phìn dài 30 km uốn lượn qua bao nhiêu lưng núi, vực sâu, dốc cao vốn dĩ hoang hoải, vời vợi xa, nhưng vào những ngày sau Tết thì lại cuốn hút chúng tôi lạ kỳ. Trên đường đi, vô số những cây đào, cây mận mọc ngay bên đường, dưới thung sâu, vực thẳm, khe nước đang bung nở hoa, khoe sắc xuân, sức sống. Các bản Háng Sung 1, Háng Sung 2, Tà Là Cáo, Tả Phìn, Na Sa… quần tụ, ẩn hiện trong sương sớm như bức tranh thủy mặc. Đặc biệt hơn, nhiều đoàn người tản bộ du xuân trên con đường về trung tâm xã với sắc phục truyền thống nhiều sắc màu cũng làm chúng tôi quên đi sự mỏi mệt, vất vả suốt hành trình dài. Từng tốp đàn ông trai tráng điều khiển xe máy đổ dốc, xuôi về nườm nượp. Các phụ nữ lại đi bộ, bất chấp quãng đường dài hàng chục km, mặt ai cũng ửng hồng, tiếng nói, cười giòn tan, vui vẻ. Thú vị một điều, trong nhiều tốp trai gái cùng trang lứa du xuân, chúng tôi cũng bắt gặp trên tay họ những bọc nếp, những chai nước mang theo.

Mùa Giồng Say (19 tuổi, bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình) đang trên đường du xuân cùng bạn gái, vui vẻ cho biết. “Đói thì ăn, khát thì uống, ăn ở đâu à? Ngồi nghỉ bên đường, trên tảng đá lớn, cái bụng đói khi nào, khát khi nào ăn, thì ăn uống mà!”

Cũng đi bộ chơi xuân, nhưng các bà, các mẹ, các chị thì lại hăm hở trên tay những cuộn đay, cuộn chỉ đỏ, tím, tay thoăn thoắt đan khăn đội đầu... Những đám trẻ nhỏ chân trần, tay cầm con quay gỗ cũng hối hả bước theo.

Cửa ngõ đi vào trung tâm xã Tả Phìn những ngày này thật đông xe cộ và những dòng người đổ về đây. Người thì sửa soạn lại trang phục trước lúc đặt bàn chân, tiếng cười, ánh mắt vào hội xuân, vào những cuộc chơi; người thì nán lại chờ bước chân của bạn mình đang hăm hở trên đường. Tiếng nói, cười ở khu vực này vui vẻ, rôm rả, những câu chúc mừng của những người quen ở khác bản, khác xã gặp nhau tại đây cũng được mọi người gửi gắm, cầu mong cho nhau. Trên những nương đá tai mèo nằm hai bên đường, trải dài ngút mắt cũng có sự hiện diện của con người: Những chiếc ô che nắng cứ lấp ló, e thẹn, xoay tròn ngại ngùng sau những phiến đá im lìm, xanh xám- nơi đó từng tốp nam, nữ đang trò chuyện, thì thẩm... Những chàng trai Mông tay mang khèn, chân trần mạnh bạo lách mình trên nương đá tai mèo để kịp gặp bạn gái đang chờ đợi bên những tảng đá to. Tiếng khèn lá đâu đó cũng vọng về như bất chợt đánh thức mọi người nhanh chân vào bãi đất rộng, nơi sẽ diễn ra các hoạt động vui chơi.

Ngay từ sáng sớm, người dân ở các bản trong và ngoài đã tụ họp, kéo nhau về địa điểm vui chơi lọt thỏm giữa điệp điệp, trùng trùng những núi đá vôi, những nương đá tai mèo lầm lì sừng sững. Bên những cây đào rừng là những tốp thiếu nữ đang ngồi trò chuyện, chỉnh sửa trang phục cho nhau. Những chiếc lều bày bán, chế biến những món ăn độc đáo của của cộng đồng dân tộc Mông đã nêm cứng người. Ngoài bãi chơi, các hoạt động ném Pao, múa khèn đã diễn ra, thu hút nhiều người tìm đến. Khi cái nắng ngày mới đủ ấm, làm loãng đi sương núi thì từng dòng người ở các ngả, trên các nương đá xuất hiện, nối chân nhau đổ xuống bãi chơi xuân. Những trò chơi truyền thống, gắn với người Mông từ lúc trẻ, về già như ném Pao, múa khèn, chơi cù, thổi kèn lá, hát đối đáp...diễn ra phổ biến và thu hút nhiều người.

Tham gia vào ngày hội chơi xuân của dân tộc mình, ai cũng có một cảm xúc, một niềm vui riêng.

Em Mùa Phong Lan, Bản Tả Phìn 1, sinh viên Trường Cao đẳng kinh tế- kỹ thuật tỉnh Điện Biên cho biết: Được về quê ăn Tết, tham gia hội xuân của đồng bào dân tộc mình em rất vui. Tại đây em được chứng kiến và tham gia nhiều trò chơi đặc trưng của dân tộc Mông, chỉ dân tộc Mông mới có.

Cụ Thào A Dinh (82 tuổi, thôn Tào Cu Nhe, xã Tả Phìn), là một người có uy tín trong bản không giấu nổi niềm vui: Trước đây, thời Pháp thuộc, bà con mình không được vui chơi như thế này. Sau khi giải phóng, xã hội nước ta ngày một phát triển, dân tộc Mông mình giờ được ăn no mặc ấm, được chơi xuân tuỳ thích. Bác đã từng chứng kiến, tham dự nhiều những dịp chơi xuân của dân tộc Mông rồi, vui lắm. Những năm gần đây, do điều kiện kinh tế phát triển nên đời sống văn hoá, tinh thần của bà con được nâng lên, chơi tết càng ngày càng đông, càng vui hơn. Đến hội xuân này, cụ cũng chúc mọi người chơi xuân vui vẻ, sang năm làm nương rẫy được mùa, làm ăn no đủ, xây dựng quê hương, làng bản giàu đẹp hơn.

Ông Chang A Tằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Hội xuân này của bà con dân tộc Mông có truyền thống từ rất lâu đời rồi, cứ hàng năm, từ tháng Giêng âm lịch là nhân dân từng vùng lại tìm về bãi hội để vui chơi. Trước đây thì chỉ có thanh niên, trai gái chưa có vợ, có chồng mới được phép ném Pao, những năm gần đây, từ tình hình thực tế, nhu cầu vui chơi của bà con nên ai cũng được phép ném Pao, mọi người nơi khác về đây cũng hòa nhập cùng người dân địa phương ném pao, chơi xuân. Đối với Tả Phìn, năm nay ruộng nương không mất mùa, không khí ấm áp nên bà con về đây chơi xuân, ném pao, múa khèn, chơi các trò chơi dân gian, ai cũng phấn khởi.

Theo anh Vừ A Ký, Phó Trưởng phòng Phòng văn hoá huyện Tủa Chùa cho biết: Đối với dân tộc Mông ở huyện vùng cao Tủa Chùa, hàng năm có 1 lần chơi Tết, thời gian kéo dài từ mồng 1 đến mồng 10 (âm lịch). Thời gian này, mỗi xã có một điểm để bà con nhân dân chơi tết. Người chơi tết có nhiều tầng lớp, già trẻ, gái trai đều có thể tham gia múa khèn, thổi sao, hát đối đáp, nép pao. Đặc biệt, nhờ trò chơi ném Pao, các thanh niên có thể làm quen, tìm hiểu nhau, để tìm cho mình được người bạn mình thích, mình yêu. Năm nay Tủa Chùa có 11 điểm tổ chức cho người Mông chơi xuân. Qua các hoạt động vui chơi trong những ngày diễn ra chơi xuân, các làn điệu hát đối đáp, các trò chơi dân tộc như ném Pao, múa khèn, thổi kèn lá được gìn giữ, bảo tồn.


Hải An
Vui đón Tết ở bản người Mông
Vui đón Tết ở bản người Mông

Trước đây người Mông ở Tương Dương thường ăn tết trước Tết Nguyên đán một tháng vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch và thường tổ chức ăn uống kéo dài trong nhiều ngày rất tốn kém và lãng phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN