Mai kiểng Tết xứ gạo thơm

Ở Tiền Giang, vùng đất ngoại thành Mỹ Tho bao gồm các xã Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong, phường 9... được xem là nơi cây lành, trái ngọt. Nhiều thương hiệu nông sản hàng hóa nổi tiếng khắp các tỉnh phía Nam xuất xứ từ đây như gạo thơm Gò Cát, bánh bún – hủ tiếu Mỹ Tho, hoa kiểng Tết..., trong đó mai kiểng là một trong những thương hiệu được nhiều người biết đến.

Nguồn Internet

Hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, cây mai kiểng tại đây được đưa đi tiêu thụ khắp nơi, chiếm lĩnh các chợ hoa xuân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh; điểm tô cho ngày Tết cổ truyền trong mỗi nhà thêm nét đẹp rực rỡ, đồng thời giúp các hộ dân sở tại có thu nhập khá, cuộc sống ổn định trong điều kiện đất hẹp, người đông và xu thế đô thị hóa ven đô ngày một nhanh. Theo ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho, dự kiến Tết Nguyên đán 2012, vùng ngoại thành Mỹ Tho cung ứng cho thị trường trên 20.000 chậu kiểng các loại, trong đó phần lớn là mai kiểng. Chỉ riêng tại Tân Mỹ Chánh – nơi được coi là cái nôi của nghề trồng và kinh doanh mai kiểng ở tỉnh Tiền Giang, đã có trên 30 hộ dân chuyên về mai kiểng với nhiều chủng loại: mai nu, mai vàng 5 cánh, mai cánh giảo, mai dây; mai ghép từ các giống mai cánh giảo Thủ Đức, mai cánh giảo gốc Bến Tre và mai cánh giảo gai; rồi mai vàng có hoa từ 7, 9, 12 cánh thậm chí 24 cánh...

Nguồn Internet.


Nghề trồng mai kiểng Tết nơi đây đã có truyền thống từ lâu đời, cha truyền con nối. Ban đầu chỉ dăm bảy hộ, dần dần do nhu cầu lớn nên nhiều hộ tận dụng diện tích đất quanh nhà trồng mai; mua thêm mai vườn từ các nơi đem về chăm sóc, uốn tỉa cành, tạo tán để có sản phẩm độc đáo. Mai vàng là loại cây kiểng đặc trưng vùng đất Nam Bộ, rất khó trồng và chăm sóc. Để có được những chậu mai ưng ý, bông đẹp, nở đúng vào dịp Xuân mới, bà con phải có chế độ chăm sóc hợp lý cho cây ra nhiều bông, tuốt lá vào thời điểm thích hợp... Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường cùng các nguyên nhân khác đã khiến cho nhiều nơi mai nở không đúng Tết, quá sớm hoặc quá muộn, khiến nhà vườn thất thu. Ở Tân Mỹ Chánh lại khác. Các nghệ nhân chuyên trồng mai kiểng đã khắc phục thành công tình trạng trên, nên gần như năm nào cũng trúng đậm vụ mai Tết.

Nguồn: Internet

Ông Lương Văn Hồng, cư ngụ tại ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh vốn là bộ đội phục viên đã có trên 10 năm trồng và kinh doanh mai kiểng Tết, cho biết chăm loại cây kiểng này còn hơn chăm con mọn. Mai vàng bình thường chỉ nở đúng vào tiết xuân mát mẻ với nhiệt độ thích hợp từ 30 – 35 độ C. Để mai nở đồng loạt dịp Tết, trước đây trong điều kiện bình thường, người dân phải canh nụ hoa để tuốt toàn bộ lá mai vào khoảng 15 – 17 tháng Chạp hàng năm. Ngày nay, điều kiện và hoàn cảnh đã thay đổi, biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng, tiết xuân không về đúng theo qui luật thiên nhiên vốn có, để mai vàng nở tự nhiên như trước là “bất khả”. Các nghệ nhân muốn có sản phẩm chất lượng tốt, cung ứng cho thị trường Tết phải tích cực tác động bằng nhiều cách: chăm sóc, vun phân, tưới nước, xử lý... Bản thân ông Hồng cùng các nghệ nhân mai kiểng nổi tiếng ven thành phố Mỹ Tho, trong quá trình “thâm canh” phải đặc biệt theo dõi diễn biến, dự báo thời tiết; học tập trong sách vở, tài liệu, trong các lớp truyền nghề do Hội Nông dân tổ chức và kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn. Việc kết hợp những yếu tố trên đã mang lại thành công lớn, giúp bà con nắm được bí quyết khắc phục thời tiết thất thường, chăm sóc cho mai kiểng nở đúng dịp Tết và đã trở thành động lực phát huy nghề trồng mai kiểng, tăng thu nhập cho nông hộ, giúp bà con dựng nên cơ nghiệp vững vàng trong điều kiện vùng ven đô thị đất hẹp, người đông.

Nguồn Internet

Ông Huỳnh Văn Trong, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ Chánh cho biết, trồng mai kiểng đang được xem là nghề “siêu lợi nhuận” của nông dân. Mỗi hộ dân trong xã nhiều lắm cũng chỉ có chừng 1.000 m2 đất, trồng 700 – 800 gốc mai kiểng, dịp Tết tuyển 300 gốc ưng ý bán đã thu được 200 – 300 triệu đồng, thu lãi không dưới 50%. Những đại gia mai kiểng tại đây như Lương Văn Hồng, Nguyễn Thanh Tùng... vốn lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Cây mai kiểng đã trở thành “đầu cơ nghiệp” của bà con.

Hiện nay, thành phố Mỹ Tho đang khuyến khích mở mang nghề trồng hoa kiểng tết tại các xã vùng ven. Mai được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần định hình vành đai nông nghiệp đô thị chất lượng cao, giúp nông dân ngoại thành dựng nên cơ nghiệp bền vững; trong tương lai sẽ gắn kết với du lịch sinh thái, hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã, tạo điều kiện nâng sức cạnh tranh của mặt hàng độc đáo địa phương. Rồi đây, với nỗ lực chung tay của các ngành, các cấp, cây mai kiểng sẽ tiếp tục vững vàng chiếm lĩnh thị trường hoa kiểng Tết, khẳng định thương hiệu độc đáo, đặc trưng cho nông nghiệp đô thị tại TP Mỹ Tho, đô thị vốn có bề dày hình thành và phát triển trên 330 năm, đang phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2015./.




Minh Trí

Nỗi lo hoa mai nở sớm
Nỗi lo hoa mai nở sớm

Những diễn biến thất thường của thời tiết tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho nghề trồng mai vàng tại Bến Tre, đặc biệt tại huyện Chợ Lách, thủ phủ cây trái và hoa kiểng của tỉnh với khoảng 3 triệu chậu mai được bán vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền hàng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN