Lai Châu: “Khai thác sự hoang sơ phục vụ phát triển du lịch”

Lai Châu nằm cuối tuyến quốc lộ 6 trong vòng cung Tây Bắc đi từ Hòa Bình lên hiện vẫn còn hoang sơ. Đó là thế mạnh mà ngành du lịch Lai Châu tập trung khai thác thành sản phẩm du lịch. Chúng tôi có dịp trao đổi với ông Trần Văn Long (ảnh), Giám đốc Sở VH,TT&DL Lai Châu xung quanh chủ đề này.

Thưa ông, đâu sẽ là sản phẩm đặc thù riêng của Lai Châu trong sự liên kết du lịch Tây Bắc?

Theo tôi, liên kết du lịch vùng Tây Bắc sẽ mang lại hiệu quả. Để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch mang tính chất đặc sắc của riêng từng tỉnh trong vùng không phải dễ, bởi vì hiện nay có những nét tính tương đồng giữa một số tỉnh Tây Bắc. Chúng tôi cũng tạo ra sản phẩm như du lịch cộng đồng. Nhưng với Lai Châu sẽ có đặc thù riêng, trong đó du lịch cộng đồng phải mang tính chất nguyên sơ để du khách đến sẽ thấy tính huyền bí và hoang sơ, nguyên bản của đồng bào. Chẳng hạn như tại Pú Đao có dân tộc Mông, tại Sìn Hồ, Hồ Thầu có bản người Dao, người Lự của bản Hon. Đây là những bản du lịch vẫn mang tính chất nguyên sơ. Chúng ta chỉ tạo điều kiện cho du khách vào du lịch thôi. Nếu thay đổi quang cảnh hay sinh hoạt của họ tại bản thì chắc chắn sẽ không hay. Cho nên đấy là một hướng mà Lai Châu cần làm để thu hút khách.

Sản phẩm thứ 2 là du lịch mạo hiểm và Lai Châu có rất nhiều tiềm năng. Đó là con đường đi từ Sapa (Lào Cai) vào dãy Hoàng Liên Sơn, có những khu rừng sinh thái rất đẹp cũng có thể khai thác, Sìn Hồ hiện nay là một cao nguyên, trên 1.000- 1.500 mét so với mặt nước biển. Từ thị xã lên Sìn Hồ, dọc tuyến có điểm du lịch hang động Pu Sam Cáp mà hiện nay chúng tôi đang quy hoạch trên 200 ha. Khu này ngoài rừng nguyên sinh ra còn có một hệ thống hang động khá hấp dẫn và chúng tôi sẽ xây dựng nó trở thành Khu du lịch đặc biệt.


Du khách thăm động Pu Sam Cáp (thị xã Lai Châu).


Vậy Lai Châu đang có những chính sách như thế nào để khai thác những tiềm năng nói trên thành sản phẩm du lịch?

Hiện nay tỉnh rất quan tâm đến vấn đề đầu tư cho văn hóa du lịch. Lai Châu đã đầu tư và cho thành lập trung tâm xúc tiến du lịch và hàng năm cũng có nguồn kinh phí để cho quảng bá du lịch.

Tuy nhiên, Lai Châu hiện nay còn gặp nhiều khó khăn cho phát triển du lịch. Thứ nhất, đó là giao thông đi lại quá khó khăn. Đi từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) sang, hoặc từ Lào Cai hay là đi về Điện Biên lại thì tuyến đường còn bề bộn chưa xong nên khách du lịch rất ngại đến Lai Châu vì đi lại vất vả. Do đó, cần phải đầu tư nâng cấp tuyến đường này. Ngoài ra, giao thông phải thuận lợi từ trung tâm tỉnh đến các huyện và đến các điểm du lịch. Vấn đề này cần đầu tư lớn và lâu dài.

Vấn đề thứ hai là đầu tư xây dựng. Kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến, các điểm Lai Châu chưa lớn cho nên hiện nay các điểm đấy vẫn đang trong giai đoạn quy hoạch. Muốn tạo ra sản phẩm phải có sự đầu tư lớn nữa thì mới có thể hấp dẫn khách du lịch, có thể kết nối với các nơi khác.

Đội ngũ nhân lực phục vụ cho du lịch tại Lai Châu cũng rất khó khăn bởi vì hiện nay gần như trống các vùng cơ sở. Hiện nay các phòng văn hóa thông tin gần như không có cán bộ du lịch, chỉ kiêm nhiệm và không được đầu tư gì cả. Như vậy, nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch Lai Châu đang khó khăn và cần được tăng cường hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng cũng như là tập huấn cho họ để phát triển du lịch.

Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) để quảng bá cũng như đào tạo người dân cách làm du lịch cộng đồng?Theo ông, đây có phải là một trong những điều kiện để Lai Châu tận dụng để phát triển?

Trong thời gian qua, SNV đã giúp 8 tỉnh trong khối liên vùng Tây Bắc mở rộng. Riêng Lai Châu, SNV đã giúp chúng tôi tư vấn về vấn đề kỹ thuật xây dựng Logo và Slogan (Tiêu đề và biểu tượng) du lịch Lai Châu khá rõ nét. Đặc biệt tiêu đề về du lịch Lai Châu tôi cho hết sức là đúng: “Đến với miền đất huyền bí”. Đây là miền đất huyền bí và cần phải khám phá. Cái đó rất hay, tôi cho là phù hợp với những người đi du lịch, và chắc chắn người ta cũng muốn tìm những nơi hoang sơ và huyền bí.

Bên cạnh đó là tập huấn nâng cao trình độ người dân. Đặc biệt là những bản quy hoạch phát triển du lịch. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã mở được 5 lớp tập huấn cho cả lãnh đạo quản lý về du lịch từ sở cho đến các huyện, cơ sở và đặc biệt là những lớp hướng dẫn cho những người trực tiếp làm du lịch ở các bản đó làm du lịch cộng đồng. Nếu như được phát triển du lịch cộng đồng, những người này trực tiếp tham gia thì đó là hướng đi có lợi, như vậy sẽ giúp cho người dân hộ nghèo phát triển. Lớp tập huấn như vậy rất tốt và tiếp tục phải làm nữa.

SNV cũng giúp chúng tôi xây dựng trang web, rồi quảng bá xúc tiến hình ảnh Lai Châu qua bản đồ, tờ gấp. SNV đã giúp trong quá trình khảo sát và đó là cơ sở để quy hoạch và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Xin cám ơn ông!

Bài và ảnh: Hồng Lĩnh- Quý Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN