Hướng tới du lịch cộng đồng bền vững

Loại hình du lịch cộng đồng đang khá phổ biến ở nước ta nhưng do phát triển tự phát nên đang chịu những tác động tiêu cực.


Hưởng lợi từ du lịch


Loại hình du lịch cộng đồng xuất hiện hơn chục năm nay đáp ứng nhu cầu muốn trải nghiệm cuộc sống người dân bản địa của du khách, đặc biệt là khách phương Tây. Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên phải kể đến là bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) do du khách thường dừng lại nghỉ chân trên hành trình về thăm Điện Biên Phủ. Người dân bản Lác khá nhanh nhạy khi cung cấp các loại hình dịch vụ ngủ, thưởng thức ẩm thực và tiết mục văn nghệ.

 

Tổng cục Du lịch và dự án Eu trao bộ cẩm nang hướng dẫn về phát triển du lịch cộng đồng cho đại diện 10 cộng đồng dân tộc.

 

Từ mô hình du lịch cộng đồng tại bản Lác, nhiều bản làng khác trong vùng đã phát triển như tại Chiềng Châu, Xăm Khòe, Piềng Vế, Hang Kia, Nà Mèo, Tân Sơn, Mai Hịch. Ông Vì Văn Hưởng, bản du lịch cộng đồng Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) cho biết: Làng du lịch cộng đồng tại xã Mai Hịch - Mai Châu - Hòa Bình được xây dựng vào cuối năm 2012 do Dự án phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh châu Âu (dự án EU) hỗ trợ. Nhờ làm du lịch, thu nhập của người dân được cải thiện và tạo nhiều việc làm địa phương như tham gia hoạt động hướng dẫn, trèo bè, biểu diễn văn nghệ, giặt là... Đặc biệt, giới trẻ không bỏ làng bản để đi nơi khác mưu sinh, mà ngược lại một số thanh niên đã trở về làng tìm cơ hội làm việc. Nhờ du lịch, một số hộ đã khôi phục những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống


Đáp ứng nhu cầu của du khách, một số địa phương phát triển khá mạnh loại hình du lịch cộng đồng như Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), làng rau Trà Quế (Quảng Nam). Hiện nay mô hình du lịch này phát triển mạnh ở khu vực Tây Bắc như Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Mù Cang Chải (Yên Bái), Hà Giang. Hiện 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng xác định loại hình du lịch cộng đồng là định hướng phát triển chính.


Thời gian gần đây, loại hình du lịch cộng đồng cũng phát triển mạnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điểm đáng chú ý, các hoạt động này có sự hỗ trợ tích cực của các công ty lữ hành như: “Trải nghiệm làm nông dân mùa nước nổi tại Đồng Tháp”, “Về quê tát mương bắt cá” tại Cồn Phụng (Bến Tre), “Tây ở nhà ta” (Vĩnh Long)... Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, du lịch cộng đồng nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường, phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống. “Dễ thấy nhất là hình ảnh đeo bám du khách xuất hiện rất nhiều tại Sa Pa”, một đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết.


Phát huy yếu tố tích cực


Anh Đặng Xuân Sơn, Chủ tịch CLB du lịch có trách nhiệm (RTC) cho biết: “Các doanh nghiệp lữ hành hoạt động trong câu lạc bộ luôn gắn hoạt động du lịch cộng đồng với đời sống người dân bản địa như tạo các sản phẩm lưu niệm phù hợp với thị hiếu du khách, hỗ trợ mua sắm một số dụng cụ sinh hoạt, tập huấn kiến thức phục vụ du khách đáp ứng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm”.


Việc liên kết khoảng 20 doanh nghiệp trong CLB RTC đang hỗ trợ xây dựng một số mô hình tại khu vực Tây Bắc, Ninh Bình và đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại làng cổ Đông Ngạc (Hà Nội). “Mô hình chúng tôi xây dựng với mong muốn người dân được hưởng lợi từ du lịch, đồng thời giúp bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững”, anh Đặng Xuân Sơn cho biết.


Bên cạnh đó, Dự án EU đã hỗ trợ 10 nhà văn hóa xã của 10 cộng đồng trên cả nước (Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Đắk Lắk, Cần Thơ và An Giang) với các trang thiết bị với giá trị lên tới 100.000 euro. Để nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, bà Mary McKeon, Trưởng nhóm tư vấn Dự án EU đã trao tặng Tổng cục Du lịch các tài liệu cần thiết về du lịch cộng đồng gồm: Sổ tay du lịch cộng đồng và Tài liệu hướng dẫn vận hành du lịch tại nhà dân (homestay) để nhân rộng tại các địa phương trong cả nước.


Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Việt Nam có nền văn hóa phong phú và lối sống đa dạng được tạo dựng bởi 54 dân tộc. Cộng đồng tại các địa phương không chỉ là người lưu giữ văn hóa bản địa đặc sắc mà còn là người giới thiệu, quảng bá về chính bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Du lịch Việt Nam coi phát triển cộng đồng là mục tiêu, là phương thức phát triển du lịch bền vững. Tuy vậy, du lịch cộng đồng mới đi những bước đi đầu tiên, còn mang nặng tính tự phát và đang định hình mô hình, sản phẩm phát triển du lịch cộng đồng, lưu giữ phát triển bản địa. Với sự hỗ trợ dự án EU, cẩm nang hướng dẫn về phát triển du lịch cộng đồng được hoàn thiện và được bàn giao lại cho ngành du lịch để nhân rộng tại địa phương, tạo việc làm cho cộng đồng và khai thác giá trị văn hóa bền vững.

 

Bài và ảnh: Xuân Cường

“Du lịch và phát triển cộng đồng”
“Du lịch và phát triển cộng đồng”

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Dự án EU tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Du lịch Thế giới 2014 (27/9) với chủ đề “Du lịch và Phát triển Cộng đồng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN