Hạn chế tác động của du lịch đến các giá trị tự nhiên

Trong những năm qua, ngành Du lịch Lào Cai đã có bước phát triển nhảy vọt, lượng du khách và doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, Lào Cai đang phải triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo gìn giữ môi trường sinh thái xanh và hạn chế thấp nhất tác động của hoạt động du lịch đến các giá trị tự nhiên.

Chú thích ảnh
Những nếp nhà sàn người Tày ở Lào Cai nằm xen giữa những mảng màu của ruộng lúa tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Ảnh: TTXVN

Điểm sáng Nghĩa Đô

Xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là một trong 12 mô hình của cả nước thí điểm thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của chương trình là tối ưu hóa lợi ích từ du lịch tới cộng đồng; xây dựng cảnh quan nông thôn; bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế, hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển và bền vững.

Nhiều năm trước, du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô dù đã được nhen nhóm song vẫn chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh do nhiều yếu tố trong đó có môi trường. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô Lý Văn Nội cho biết, xã xác định muốn du lịch cộng đồng phát triển, ngoài những yếu tố về văn hóa, con người, ẩm thực… thì yếu tố cảnh quan và môi trường cũng rất quan trọng. Môi trường có xanh - sạch - đẹp thì mới tạo được ấn tượng với du khách, đồng thời tạo ra môi trường sống trong lành cho cộng đồng. Do đó, năm 2022, xã phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai thực hiện mô hình "Thu gom, phân loại xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm" của các hộ dân nằm xen kẽ trong khu dân cư nông thôn.

Để triển khai mô hình, xã thành lập Tổ hội nông dân tự quản bảo vệ môi trường. Tổ được hỗ trợ 2 xe điện chở rác, 20 thùng đựng rác chuyên dụng đặt tại các nơi thuận tiện để người dân tiện trong thu gom và phân loại rác thải… Tổ thường xuyên đến từng gia đình vận động các hộ dân chủ động phân loại, thu gom rác thải, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt cũng như thay đổi thói quen xả rác thải bừa bãi ra môi trường; xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm xanh, đẹp.

Chung tay hỗ trợ du lịch địa phương phát triển, năm 2023, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai đã tặng 30 xe đạp trị giá hơn 100 triệu đồng cho xã Nghĩa Đô phục vụ khách du lịch trải nghiệm nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, để gìn giữ cảnh quan làng bản, các gia đình còn chủ động hạn chế rác thải nhựa, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường trong quá trình xây dựng, sinh hoạt.

Thực hiện phong trào thi đua “Cổng đẹp, rào xanh” do xã phát động, bà Nguyễn Thị San, bản Nà Khương, chủ homestay "Bà San" trang trí cổng chào đón khách bằng những họa tiết thổ cẩm đặc sắc với thủ pháp đan lát truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Hàng rào quanh nếp nhà sàn nổi bật bởi các sắc màu rực rỡ của những tấm hoa văn được đan bởi các loại lạt nhuộm màu từ các loại cây, củ vườn nhà. Không còn bóng dáng của những bức tường bê tông xám xịt, màu xanh ở Nghĩa Đô trải dài, miên man hơn. 

Anh Huỳnh Sơn (du khách Thành phố Hồ Chí Minh) cùng nhóm bạn lưu trú tại bản Nà Khương đã được 4 ngày cho biết đây thực sự là nơi anh cùng mọi người muốn quay trở lại nhiều lần bởi có suối sạch, đồng xanh, không gian tươi mát, trong lành, yên ả. "Những con đường hoa, cổng chào, biểu tượng cây đàn tính, con đường trồng cọ, những điểm tham quan tại cánh đồng lúa, chợ đêm... thực sự đã tạo nên một điểm đến chữa lành hiệu quả", anh Sơn bộc bạch.

Ghi dấu ấn với du khách nhờ giữ gìn môi trường, bảo tồn cảnh quan, khai thác tốt lợi thế địa phương, năm 2023, Nghĩa Đô vinh dự là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của Việt Nam đạt giải thưởng Homestay ASEAN, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách.

Lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường du lịch

Chú thích ảnh
Xã Tả Van phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng sinh thái homestay. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN

Phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, đảm bảo khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường sinh thái là mục tiêu mà Lào Cai hướng đến. Địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường du lịch, trước hết là tuyên truyền, giáo dục ý thức cho những người làm du lịch, từ đó lan tỏa tinh thần này tới cộng đồng du khách.
 
Homestay "Anh Đức", thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa nhiều năm trước đã có ý thức giảm sử dụng rác thải nhựa đến mức thấp nhất. Theo chủ homestay này, anh Vàng Văn Đức, đối với bộ phận buồng phòng, các loại túi đựng rác được tái sử dụng hoặc dùng các loại túi có thể phân hủy sinh học. Với các đồ dùng trong phòng tắm, cơ sở cung cấp bàn chải đánh răng, đồ vệ sinh cá nhân theo yêu cầu; các lọ đựng dầu gội, sữa tắm chuyển sang sử dụng bằng sản phẩm cỡ lớn có thể bổ sung, tái sử dụng. Đặc biệt, các loại đồ trang trí của homestay hoàn toàn được dùng bằng mây, tre, gỗ, giấy tái chế hoặc đồ sử dụng nhiều lần. Cơ sở lưu trú không cung cấp miễn phí bát đĩa, dao dĩa bằng nhựa dùng một lần hay hộp xốp, thay vào đó là dùng các loại hộp, khay tái sử dụng hoặc thân thiện với môi trường như hộp bã mía, lá rong, chuối...

Anh Vàng Văn Đức cho biết, khách du lịch đến homestay sẽ cảm nhận rõ ràng về thông điệp hạn chế rác thải nhựa, từ đó cũng nâng cao ý thức hợp tác cùng cơ sở xử lý vấn nạn này.  

Để nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong cộng đồng những người làm du lịch, mới đây, tại thị xã Sa Pa, Sở Du lịch Lào Cai phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình tập huấn “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai” năm 2024.

Gần 100 học viên là đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực du lịch đã được nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh trong triển khai các hoạt động bảo vệ tài nguyên du lịch để có thêm các giải pháp hữu ích trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực... Để đạt mục tiêu đó, Lào Cai chú trọng thực hiện quản lý điểm đến theo “sức chứa” để đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động của hoạt động du lịch đến các giá trị tự nhiên, đặc biệt là giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học. Tỉnh xây dựng kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường du lịch trên địa bàn; đồng thời ban hành quy chế bảo vệ môi trường du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn; rà soát đánh giá tình hình triển khai đề án phân loại, xử lý rác thải; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, đặc biệt các địa điểm công cộng tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và huyện Bắc Hà.

Hương Thu (TTXVN)
Lào Cai: Khai mạc Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2024 'Nghiêng say mùa xuân'
Lào Cai: Khai mạc Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2024 'Nghiêng say mùa xuân'

Tối 8/3, tại sân vận động thị trấn huyện Bắc Hà, UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) tổ chức Lễ khai mạc Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà, với chủ đề “Nghiêng say mùa xuân” và chương trình nghệ thuật - Tôn vinh di sản phi vật thể “Lễ hội đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà” năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN