Du lịch xanh là 'chìa khóa' phát triển du lịch bền vững

Năm 2016 được coi là mốc du lịch Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ khi lượng khách nội địa và đặc biệt là khách quốc tế tăng vọt. Ngoài những điểm đến truyền thống như Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, hang Sơn Đoòng... thì năm nay Hà Nội cũng được coi là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch đặt ra bài toán song hành là làm sao để phát triển bền vững khi lượng khách “đổ" về ngày càng nhiều tại các địa điểm tham quan. Để giải quyết vấn đề này, phát triển du lịch xanh đang là hướng đi được nhiều thành phố và công ty du lịch lựa chọn.

Du khách quốc tế trải nghiệm đi cầu khỉ tại cù lao Thới Sơn (Tiền Giang). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Theo số liệu đưa ra từ trang thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch, năm 2016, Du lịch Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 9% so với năm 2015. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015.

Tiếp đà năm 2016, năm 2017, Việt Nam phấn đấu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng; hướng mục tiêu đến năm 2020 đón từ 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Tổng cục Du lịch, nhìn thẳng vào thực tế, năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam mới xếp hạng 75/141 nền kinh tế, kém các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn, khác biệt. Các chính sách liên ngành đảm bảo điều kiện để ngành du lịch phát triển thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh thiếu tính đồng bộ. Chất lượng dịch vụ nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; môi trường du lịch cả về tự nhiên và xã hội còn bất cập....

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc gia tăng về doanh số, lượng khách thì vấn đề quy hoạch cũng như hướng tới du lịch xanh bền vững phải tính đến.

Bà Bùi Thu Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Tara cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch xanh; đặc biệt là có hệ sinh thái tự nhiên phong phú: hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng cát ven biển, hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Việt Nam cũng là đất nước có nền văn hoá đa dạng nhiều dân tộc; di sản nổi tiếng như: cố đô Huế, thành phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn.... Một số khu vườn quốc gia Cát Bà, Cúc Phương, Ba Bể, Nam Cát Tiên, Tam Nông, U Minh... du lịch thám hiểm, nghiên cứu vùng núi cao như Phanxipang phù hợp với mô hình du lịch xanh góp phần bảo tồn tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng.

Tuy nhiên, đại diện của công ty này cũng cho rằng dù có tiềm năng phát triển song du lịch xanh ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu. Đối với nhiều nước trên thế giới; trong đó có Việt Nam, du lịch xanh còn là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên. Công tác nghiên cứu điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển du lịch xanh còn hạn chế. Nhiều địa phương, công ty lữ hành cố gắng xây dựng một số chương trình, tuyến du lịch mang sắc thái của du lịch xanh song quy mô và hình thức còn đơn điệu, mờ nhạt. Sản phẩm và đối tượng thị trường chưa rõ nên ít có khả năng thu hút khách.

Thời gian qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và các Ủy ban kinh tế - xã hội Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức Hội nghị quốc tế về xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như đẩy mạnh hợp tác phát triển hoạt động du lịch sinh thái của Việt Nam.

Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Tara ưu tiên phát triển du lịch xanh bằng cách phát triển thị trường, xúc tiến giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch. Theo đó, công ty tập trung thu hút có lựa chọn phân đoạn thị trường khách du lịch với khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày; trong đó, chú trọng thị trường khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Tây Âu, Đông Âu. Ngoài ra, công ty mở rộng thu hút khách đến từ các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ. Trong lĩnh vực này, công ty đề cao yếu tố phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương để đảm bảo tính thống nhất.

Mới đây nhất, Công ty Lữ hành Saigontourist đã mở một tour du lịch tết trong nước với nhiều địa điểm tham quan thú vị để du khách có cơ hội ngắm cảnh đẹp đất nước. Các điểm đến đều là địa điểm với khí hậu trong lành và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nhằm mang tới du khách nhiều sự trải nghiệm thú vị. Theo đó, tại khu vực miền Bắc, nhiều du khách chọn hành trình du xuân; tận hưởng khí hậu của Sapa hay tới thung lũng Mai Châu (Hoà Bình).

Người dân tham quan chương trình “Ký ức Hà Nội” tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Theo xu hướng này, tại các địa phương đã thu hút khách theo nhiều hình thức khác nhau, tiến tới phát triển môi trường du lịch xanh. Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Thủ đô cuốn hút du khách bằng nét cổ kính và thanh bình. Một chuyến tham quan quanh Hà Nội sẽ để lại trong lòng du khách những kỷ niệm khó quên về 36 khu phố nghề cổ kính của Hà Nội xưa. Tuy nhiên, những năm qua, du lịch Hà Nội phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có. Vì vậy, thành phố tập trung đa dạng hóa nguồn lực, khuyến khích thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển; nâng chất lượng sản phẩm du lịch Thủ đô.

Trước hết , Hà Nội sẽ tạo dựng sản phẩm du lịch mới như: phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm; phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc di sản văn hoá thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, việc nâng cấp điểm đến du lịch tại một số điểm di sản văn hoá trên địa bàn Hà Nội được tính đến; đầu tư các điểm dừng chân cho khách du lịch tại khu vực nội đô và tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du lịch tại một số rạp của Thủ đô và ở một số điểm trong khu vực phố cổ... Đây là một chuỗi sản phẩm thích hợp để du khách đến tham quan trong mùa xuân, thu và mùa đông.

Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô không chỉ có ưu thế về du lịch văn hóa, lịch sử mà còn thêm cả tiềm năng về du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng . Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề , những làng nghề, làng cổ ở ngoại thành là nền tảng tốt để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Thủ đô.

Những năm gần đây, t hành phố Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí phát triển du lịch cho các làng nghề về nâng cấp hạ tầng như : đường giao thông, mạng lưới điện, nước sạch . Đồng thời, cải thiện cảnh quan môi trường ; hình thành và duy trì đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở hướng dẫn du khách tại một số làng nghề như : Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, điêu khắc gỗ Sơn Đồng, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất động, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái và một số làng nghề khác.

Với những định hướng phát triển du lịch của các địa phương và công ty du lịch có thể thấy rằng, sự quan tâm tới vấn đề bảo vệ, tạo dựng môi trường du lịch xanh đã được chú trọng và đây cũng có thể coi là chìa khoá phát triển du lịch bền vững.

Hải Yến (TTXVN)
Đầu tư du lịch xanh
Đầu tư du lịch xanh

Đối với chiến lược phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển “du lịch xanh” có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững nhờ tận dụng ưu thế vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN