Du lịch Hà Nội - tiềm năng nhưng chưa hấp dẫn

Được coi là điểm đến nhiều tiềm năng, Hà Nội là một trong những lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước.


Hồ Gươm và cầu Thê Húc. Ảnh : Thế Duyệt - TTXVN.


Hàng năm, mức tăng trưởng khách du lịch của Hà Nội đạt trên 10%, đã đạt ngưỡng 3 triệu khách du lịch quốc tế, 15,5 triệu lượt khách du lịch nội địa. Thế nhưng, thực tế, du lịch Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, chưa tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng để thu hút khách. Vì vậy, ngành du lịch Thủ đô vẫn đang loay hoay tìm giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch.

Chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên

Không thể phủ nhận về tài nguyên du lịch Thủ đô nhưng thời gian qua hệ thống này chưa được quản lý, đầu tư và khai thác hợp lý. Cụ thể, ngành du lịch Hà Nội mới tập trung dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái sẵn có mà chưa đầu tư trở lại được nhiều. Nói đến du lịch Hà Nội là nói đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Đó là những thứ đã hình thành hàng trăm, hàng nghìn năm qua, nay được giữ gìn và khai thác. Việc đầu tư các sản phẩm này chỉ là nâng cấp, tu bổ, tôn tạo hạ tầng di tích, hạ tầng cơ sở với nguồn vốn còn khiêm tốn. Các công ty lữ hành mới xây dựng được tour tuyến thông qua việc kết nối các di tích này lại với nhau. Còn việc xây dựng các sản phẩm du lịch khác, ví như các điểm vui chơi, mua sắm, ẩm thực có quy mô lớn hầu như chưa có, hay việc khai thác các giá trị nhân văn để phục vụ khách còn nhiều hạn chế. Khách du lịch khi đến Hà Nội vẫn phàn nàn thiếu các cơ sở, khu vui chơi giải trí. Mức chi tiêu của khách chưa cao, thời gian lưu trú ngắn. Nhìn chung, chất lượng sản phẩm du lịch Hà Nội còn chưa cao, phát triển còn manh mún, tự phát, chưa được quy hoạch, đầu tư tôn tạo đúng mức. Vì vậy, du lịch Hà Nội chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mình.

Đánh giá về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: “Trong thời gian qua, sản phẩm du lịch Hà Nội từng bước được nâng cấp, tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, sản phẩm du lịch nhìn chung còn đơn điệu, sản phẩm đặc trưng của Thủ đô nghìn năm văn hiến còn chưa rõ, tính chuyên nghiệp trong từng điểm đến cần phải nâng cao hơn nữa”.

Nghệ nhân tạo hình gốm Bát Tràng. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Hà Nội là nơi dồi dào về tài nguyên du lịch với thế mạnh là du lịch văn hóa lịch sử gắn với chiều dài nghìn năm văn hiến. Vì vậy, nhiều năm qua, Thủ đô mới quan tâm khai thác loại hình du lịch này là chính, còn các sản phẩm du lịch khác chưa phát huy tốt hiệu quả. Vấn đề đặt ra hiện nay cho các nhà quản lý du lịch Hà Nội, làm thế nào vừa đa dạng sản phẩm du lịch vừa tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù. Thời gian qua, rất nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội nhưng vấn đề được mọi người quan tâm hơn cả là xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist: Với lợi thế về tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu nghiên cứu về văn hóa lịch sử. Từ Hà Nội có thể dễ dàng kết nối đến các địa phương có di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam và khu vực. Chính vì vậy, việc quan tâm đầu tư cho sản phẩm du lịch này là rất cần thiết. Một mặt, Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước, có hệ thống giao thông và hạ tầng cơ sở vật chất du lịch hiện đại nên Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch Mice (du lịch hội nghị, hội thảo) và tour mua sắm. Ngoài ra, Hà Nội cũng có thể làm đầu mối tổ chức loại hình tour khác như: Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển đảo, vùng núi, thăm danh lam thắng cảnh đến các tỉnh thành trong cả nước.

Chương trình múa rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long phục vụ du khách về đêm. Ảnh: Minh Đức - TTXVN


Ngoài thời gian tham quan, khám phá Hà Nội trong ngày, nhu cầu vui chơi giải trí về đêm rất cần đối với du khách. Điểm lại, chỉ có chương trình múa rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long, chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân và gần đây có một số điểm trình diễn nghệ thuật nhỏ lẻ phục vụ du khách về đêm. Còn lại, Hà Nội chưa có thêm bất cứ sản phẩm du lịch về đêm phục vụ du khách. Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng như du khách đề cập đến vấn đề này nhưng đến nay thành phố chưa cải thiện được nhiều. Tiến sĩ Đỗ Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Sức hấp dẫn của điểm đến là yếu tố quyết định sự thành công của điểm đến. Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khách, giữ gìn cảnh quan môi trường, ứng xử văn minh thì Hà Nội cũng cần xây dựng sản phẩm tạo thương hiệu và đa dạng hóa một số sản phẩm du lịch như xây dựng thêm các hoạt động vui chơi giải trí về đêm nhằm thu hút du khách”.

Việc xây dựng sản phẩm đa dạng, đặc trưng nhằm tăng sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội buộc các nhà quản lý du lịch phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhau và thời gian có thể lâu dài. Tuy nhiên, để Thủ đô vẫn là lựa chọn của du khách và để không để tụt hậu so với các trọng điểm du lịch trong cả nước và của khu vực, ngành du lịch cũng như thành phố Hà Nội cần ưu tiên đầu tư, phát triển du lịch nhằm tạo sức hấp dẫn cho điểm đến vốn được ưa chuộng này.


Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Du lịch Hà Nội: Vẻ đẹp vẫn cứ "tiềm ẩn"
Du lịch Hà Nội: Vẻ đẹp vẫn cứ "tiềm ẩn"

Nghị quyết Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2011 – 2015) đặt ra mục tiêu đến năm 2015 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN