Du lịch đầu năm: Khai thác thế mạnh du lịch biển

Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ 2012 với chủ đề "Du lịch di sản" do Huế đăng cai tổ chức, nhằm khai thác thế mạnh của vùng đất nhiều di tích lịch sử văn hóa, kết hợp với tiềm năng du lịch biển, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Trong những tháng đầu năm, lượng khách gia tăng mạnh cho thấy xu hướng du lịch khám phá, nghỉ dưỡng kết hợp tìm hiểu những nét văn hóa đang được ưa chuộng.

Khởi đầu thuận lợi

Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, kỳ nghỉ Tết dài năm nay đã kích cầu du lịch, hứa hẹn một năm nhiều may mắn sẽ đến với ngành “công nghiệp không khói” nước nhà.
Chỉ tính từ mùng 1 đến mùng 8 Tết, Saigontourist đã phục vụ hơn 12.000 du khách tham gia tour du xuân (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2011). Các tour tấp nập từ mùng 2 Tết trở đi với 60 đoàn khởi hành, trong đó khách Việt kiều chiếm khoảng 1/3. Đặc biệt, ngay trong tháng đầu năm mới, Saigontourist đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục, đạt hơn 70.000 người (tăng 388% so với cùng kỳ năm ngoái).

Khách du lịch nước ngoài tham quan đảo Cát Bà. Ảnh: Internet


Tương tự, tổng lượng khách tham gia tour du xuân tại Công ty Du lịch Vietravel cũng lên đến 30.000 lượt (tăng trên 30% so với cùng kỳ). Trong 10 ngày đầu tiên của năm mới, Vietravel đón trên 550 khách đến từ các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức và Cộng hoà Séc...

Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, dù giá vé máy bay, giá dịch vụ tăng nhưng để kích cầu du lịch, thu hút du khách đầu xuân, giá tour dịp Tết năm nay chỉ tăng nhẹ so với giá ngày thường. Cụ thể, giá tour nội địa đi bằng máy bay tăng khoảng 10 - 15%, giá tour quốc tế tăng từ 5 - 10%. Mặt khác, các hãng lữ hành cũng đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến mại đối với du khách đăng ký tour đi theo nhóm. Bên cạnh đó, các điểm du lịch có tiếng trong nước như Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai), Huế, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt... đều tổ chức các hoạt động vui chơi để thu hút khách. Do có nhiều hoạt động lễ hội nên du lịch sẽ vẫn sôi động đến hết tháng Giêng âm lịch.

Du lịch biển vẫn chiếm ưu thế

Mặc dù chủ đề của năm du lịch của quốc gia năm nay hướng tới du lịch di sản, nhưng du lịch biển vẫn xác định là thế mạnh của cả vùng duyên hải miền trung với bờ biển dài, nhiều vịnh và đảo. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hàng năm vùng biển thu hút khoảng 70% lượng khách quốc tế đến nước ta và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Việc khai thác giá trị văn hóa của dải Bắc Trung bộ được các chuyên gia du lịch nhìn nhận là giúp làm gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách.

Được biết, trong năm du lịch “Biển đảo Nam Trung bộ 2011” được tổ chức tại Phú Yên, lượng khách đến đạt 12 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế đạt hơn 2,68 triệu lượt, tăng cao hơn mức bình quân của cả nước. Thu nhập từ du lịch đạt khoảng 12.000 tỷ đồng, tăng 25%. Riêng Phú Yên, một tỉnh còn nhiều khó khăn, du lịch chưa phát triển đã có sự phát triển đột biến trong Năm du lịch quốc gia 2011 với tổng số khách tăng 28%, khách quốc tế tăng hơn 46% và thu nhập du lịch tăng hơn 80%. Điều đó cho thấy du lịch biển vẫn là thế mạnh của khu vực. Tiếp đà thành công của năm du lịch, “Biển đảo Nam Trung bộ”, ngay từ đầu năm, chủ nhà của Năm Du lịch quốc gia 2012, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức các chương trình như "Đêm Huế ở phương Nam", chương trình nghệ thuật "Tình Huế"; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế tại Thái Lan, Trung Quốc, Hội chợ JATA Tourism Forum&Trade Show 2011 tại Nhật Bản, Inđônêxia; tham gia Tuần Văn hóa Du lịch Di sản Bắc Trung bộ tại Hà Nội gắn với tổ chức họp báo quốc tế về Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012; Hội chợ xúc tiến đầu tư du lịch tại Khonkean Đông Bắc Thái Lan...

Để làm mới sản phẩm du lịch văn hóa vốn là thế mạnh của mình, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề dựa trên các làng nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE. Tỉnh quy hoạch xây dựng Trung tâm hội nghị quốc tế lớn tại thành phố Huế và Chân Mây - Lăng Cô, phát triển du lịch kết hợp mua sắm, ẩm thực, hình thành phố mua sắm kết hợp với phố đêm, phố ẩm thực tại các đường Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu...

Dự kiến, trong năm du lịch quốc gia 2012, tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai 20 sự kiện lớn xuyên suốt cả năm, trong đó có 11 sự kiện do Bộ VH,TT&DL tổ chức, 9 sự kiện do tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, tập trung chủ yếu vào thời điểm đầu năm, mùa du lịch hè. Bên cạnh đó, là các sự kiện do các tỉnh Bắc Trung bộ khác tổ chức dựa trên thế mạnh của tỉnh như: Lễ hội Quảng Trị - Ký ức tháng tư; Lễ hội Làng Sen Nghệ An; Tháng Du lịch khám phá hang động Việt Nam - Quảng Bình 2012; Lễ hội Văn hóa, Du lịch Nhịp cầu xuyên Á lần III kết hợp tổ chức Hội thảo Du lịch quốc tế hành lang Đông Tây; Đón nhận danh hiệu Di sản thế giới của Thành nhà Hồ; Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa); Lễ hội Đêm phố cổ Hội An; Lễ hội Bài ca Đồng Lộc anh hùng; Kỷ niệm 247 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh)...

Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN