Du khách đến Việt Nam còn chi tiêu khá thấp vì thiếu chỗ... chơi

Theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành ngày 16/01/2017 thì du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong công cuộc phát triển đất nước, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan di tích trong tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Nghị quyết nêu rõ: Đến năm 2020 ngành du lịch phải thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Năm 2018, ngành du lịch đã nỗ lực hết mình để thực hiện mục tiêu này. Ngày 19/12, tại Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Sun Group, Saigon Tourist đã tổ chức Lễ đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam trong năm 2018. Con số ước tính lượt khách du lịch nước ngoài đến ngày cuối cùng của năm là 15,5 triệu, lượt khách nội địa là 78 triệu, tổng thu từ khách du lịch trên 620.000 tỉ đồng (gần 27 tỉ đô la Mỹ). Trước đó, trong năm 2017 ngành du lịch Việt Nam thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch đạt 510.900 tỉ đồng, tương đương 23 tỉ đô la Mỹ.

Du lịch Việt Nam đứng ở đâu trong bức tranh toàn cầu?

Tổ chức Bloom Counsulting đánh giá Việt Nam xếp hạng thứ 47 thế giới về thương hiệu du lịch và thương mại, tăng 10 bậc và xếp hạng thứ 15 châu Á. Tuy nhiên, ngay trong khu vực Đông – Nam Á thì du lịch nước ta có khoảng cách khá xa so với nhiều nước: Thái Lan (thứ 2 thế giới/dẫn đầu về thương hiệu tại châu Á), Singapore (thứ 5 thế giới/thứ 3 châu Á), Malaysia (thứ 23 thế giới/thứ 9 châu Á).

Báo cáo “Tác động kinh tế của Du lịch và Lữ hành ở Việt Nam năm 2017” của Tổ chức Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, tổng đóng góp của ngành du lịch và lữ hành Việt Nam vào GDP là 18,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tỷ trọng GDP. Trong khu vực ASEAN Việt Nam chỉ xếp trên Brunei, Myanmar và Indonesia. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của Việt Nam chỉ chiếm 4,5% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP và tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của Campuchia là 28,3% và 26,5%, Lào - 14,2% và 23,1%, Myanmar - 6,6% và 26,4%.

Về lượng khách du lịch quốc tế, Việt Nam còn đứng ở vị trí khiêm tốn. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đã gia tăng từ 674 triệu người năm 2000 lên 940 triệu người vào năm 2010 và đạt 1,23 tỷ người năm 2017.

Trong năm 2017 Pháp đứng đầu thế giới với 82,6 triệu lượt khách quốc tế. Tại nước này ngành du lịch nước này đóng góp 9,7% GDP cả nước. Mỹ đứng thứ hai với 75,6 triệu lượt khách quốc tế. Tây Ban Nha đứng thứ ba với 75,6 triệu lượt khách quốc tế. Thái Lan đứng thứ chín với 32,6 triệu lượt khách quốc  tế. Doanh thu từ du lịch đóng góp gần 20,2% GDP cả nước. Malaysia xếp thứ mười với 26,8 triệu lượt khách quốc tế.

Cần lượng nhưng rất cần chất

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo ngành du lịch Quảng Bình và công ty lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đón và tặng hoa cho các du khách quốc tế đầu tiên trong ngày đầu năm mới. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Dù đạt nhiều tiến bộ thì ngành du lịch Việt Nam vẫn đứng trước nghịch lý là lượng du khách tăng nhưng sức chi tiêu của khách nước ngoài lại giảm.

Cuộc điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2014 cho thấy, tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 1.114,4USD. Đến năm 2017, con số này nhích lên 1.171USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc...

Khảo sát của Tổng cục Du lịch trong 5 năm trở lại đây cũng chỉ ra rằng các mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu để thuê phòng lưu trú và ăn uống – 56 đến 60%. Trong khi đó chi cho mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%. Số tiền dành cho tham quan kèm vui chơi giải trí chiếm tỷ lệ nhỏ, bằng 7-10% tổng chi phí chuyến đi.

Nhìn sang các quốc gia trong khu vực thì thấy tại Malaysia, Thái Lan chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40-50%, thậm chí 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Thái Lan nổi tiếng với các tour du lịch rẻ, giá cả các sản phẩm và dịch vụ rất phải chăng nhưng trong năm 2017 du khách nước ngoài chi tiêu tại đây tổng cộng 57 tỷ USD, đứng đầu châu Á, gần gấp đôi so với tại Macau (36 tỷ USD), Nhật Bản (33 tỷ USD), Hồng Kông (34 tỷ USD) và Trung Quốc (33 tỷ USD). Trên toàn cầu, Thái Lan đứng thứ tư sau Pháp (61 tỷ USD), Tây Ban Nha (68 tỷ USD) và Mỹ (211 tỷ USD). Khách du lịch bình quân đã bỏ ra 173 USD cho một ngày ở Bangkok.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thống kê năm 2017 của ngành du lịch cho thấy, lượng du khách quốc tế đến thành phố tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 6,4 triệu lượt khách (tăng 22,8%), nhưng doanh thu chỉ tăng gần 12.000 tỉ đồng (tức tăng 12,6%). 

Tiếp nối đà phát triển của năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018 không ngừng gia tăng. Ngày 10/12, thành phố đón vị khách quốc tế lần thứ 7 triệu. Tính chung cả năm thì Thành phố Hồ Chí Minh năm nay thu hút 7,5 triệu khách nước ngoài, chiếm khoảng 50% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam. Tuy nhiên, mức chi tiêu của khách quốc tế ở thành phố vẫn chưa cao. Cần Giờ, nơi được kỳ vọng là điểm nhấn thu hút du lịch của thành phố thì lại không hoàn thành nhiệm vụ  “kích hoạt” nhu cầu tiêu tiền của du khách. Cụ thể, mỗi khách du lịch đến Cần Giờ chỉ chi trung bình 400.000 đồng. Còn độ dài lưu trú của khách đến Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 2,6 ngày, rất khiêm tốn.

Ông Lại Văn Quân, Trưởng phòng Du lịch Công ty du lịch Tricolour Travel, cho biết: Nếu như khách đến Las Vegas (Mỹ) chơi casino, đến Thái Lan để đắm chìm trong các thiên đường giải trí thì đến Việt Nam du khách không biết chơi gì. Họ đến để ngắm cảnh, tắm biển, đi dạo, chụp ảnh và về.

Như vậy, trong những năm gần đây, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam không ngừng tăng, song số lượng tuyệt đối vẫn khiêm nhường so với top đầu ở Đông Nam Á. Hơn nữa, tính về chất – doanh thu từ mỗi người khách, thì du lịch Việt Nam vẫn còn có khoảng cách rất xa so với người hàng xóm Thái Lan. Tóm lại, đối với ngành du lịch, chúng ta rất cần phát triển về lượng nhưng cái chúng ta cần hơn nữa là phát triển về chất!

Trần Quang Vinh (TTXVN)
Ngày đầu năm mới Khu di tích lịch sử Pác Bó và Thác Bản Giốc hút khách du lịch
Ngày đầu năm mới Khu di tích lịch sử Pác Bó và Thác Bản Giốc hút khách du lịch

Ngày đầu năm mới 2019, du khách trong và ngoài nước đã tìm đến các địa danh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng là Khu di tích lịch sử Pác Bó, Thác Bản Giốc tham quan vãn cảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN