Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ý kiến của các chuyên gia, cần có một giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm phát triển bền vững ngành du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang: Đừng lấy tiền du khách kiểu… tùy tiện

Vừa qua tôi nghe nhiều thông tin về việc “chặt chém” du khách khi tham quan vườn trái cây ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tôi rất buồn khi thấy bà con mình làm ăn rất chụp giật mà không nghĩ đến lâu dài. Du khách đến một lần và mãi mãi không bao giờ họ quay trở lại.

Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Tháp Mười - điểm du lịch xanh về với thiên nhiên.


Tôi cũng là nông dân, hiện đang có dự án trồng một số loại cây ăn trái với diện tích khoảng 3 ha và cũng có ý định liên kết với các công ty du lịch để khai thác. Nhưng tôi sẽ để du khách thực sự thoải mái khi đến vườn, họ muốn ăn bao nhiêu trái cây thì ăn và mình còn tạo điều kiện để du khách có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn. Điều quan trọng là mình không thu tiền của họ, thay vào đó là mình thu tiền của công ty du lịch vì giữa tôi và công ty sẽ có hợp đồng rõ ràng.

Ông Phạm Thành Long, Học viện Chính trị khu vực II: Hoạt động du lịch homestay còn thiếu chuyên nghiệp

Đích cuối cùng của loại hình du lịch xanh “homestay” là “ba cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhà nông nhưng có một tồn tại mang tính phổ biến là một số chương trình chỉ dừng lại tham quan vườn, nghỉ vườn. Điều này cho thấy hoạt động tại các homestay mới chỉ khai thác được tiềm năng sông nước, miện vườn, còn hoạt động lưu trú vẫn đang gặp khó khăn. Hơn nữa, phần lớn nguồn du khách đến đây phụ thuộc vào các đơn vị lữ hành lớn tại TP Hồ Chí Minh và một hạn chế khác trong việc phát triển loại hình homestay là đều na ná trong khâu tổ chức. Các hoạt động phổ biến thường là tham quan cù lao, ngắm cảnh sông nước, vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử, thăm lò sản xuất kẹo dừa, mật ong… Với lộ trình quen thuộc đó, du khách sẽ nhận thấy không có gì khác biệt khi đến homestay Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… nên khó có thể làm du khách quay trở lại lần thứ hai và đang tạo bước lùi cho ngành du lịch khu vực này.

Ông Tôn Thất Đính, tổ hợp tác du lịch nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng, tP Long Xuyên, tỉnh An Giang: Quá phụ thuộc vào các công ty du lịch

Điều đáng lo ngại và cản trở nhất đối với đa số các chủ homestay tại ĐBSCL - “những nông dân làm du lịch” - là thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và khả năng ngoại ngữ để giới thiệu “cái hay, cái đẹp” của địa phương mình cho du khách. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định, phát huy ý kiến, năng lực tổ chức trong các chương trình còn thụ động, mang tính hình thức. Mặc dù là chủ thể của loại hình du lịch này, song đa số người dân địa phương chỉ là nhân viên thời vụ mỗi khi các công ty lữ hành đưa khách đến địa phương mình. Họ chỉ tham gia vào một số công việc đơn giản như: Chèo thuyền, đánh xe ngựa đưa khách di chuyển trên các cù lao, phục vụ các bữa ăn. Còn công việc chính như hướng dẫn khách tham quan, thiết kế tour đều thuộc quyền các công ty lữ hành.

Mỗi công ty du lịch tự lên thực đơn cho khách với những đơn giá khác nhau. Các món ăn mà các công ty du lịch đặt làm rất thông thường như: Canh bí đỏ, sườn heo ram mặn, tôm rim chua ngọt… Vì vậy, dù ở đây có những món ăn đặc sắc mà không phải vùng nào cũng có như cá linh nhúng mắm, lẩu bông điên điển… nhưng du khách đi theo tour của công ty du lịch hiếm khi được thưởng thức. Trong khi đó, ẩm thực lại đóng vai trò không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia: Đổi mới du lịch ĐBSCL

Ngày nay, kinh phí để xây dựng một sản phẩm du lịch không còn quá khó nhưng để có được ý tưởng mới và thiết kế được tour vừa có sức hấp dẫn vừa có lãi thì khó hơn rất nhiều.

Để thiết kế một sản phẩm du lịch cần có một đội ngũ chuyên gia trình độ cao về nghiệp vụ du lịch, văn hóa, sử học… Nhưng để có ý tưởng mới thì không nên chỉ dựa vào đội ngũ đó mà còn phải từ phía khách du lịch vì ý tưởng của họ phản ánh nhu cầu của các nhóm du lịch. Như vậy để có thể khai thác được ý tưởng của du khách, Hiệp hội du lịch ĐBSCL nên tổ chức những cuộc thi “ý tưởng du lịch ĐBSCL” mở rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào, người nước ngoài. Những ý tưởng đó dù có khả thi hay không, đều có tác dụng giúp cho ngành du lịch dự đoán được sự thay đổi nhu cầu của du khách vùng ĐBSCL.

Mặt khác, ĐBSCL là một thành viên trong Ủy ban sông Mekong, đã có những hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, môi trường… Nhưng riêng về liên kết, hợp tác phát triển du lịch chưa được chú ý đúng mức. Cụ thể là trong quy hoạch đến 2020, chưa đề cập đến sự hợp tác trong tiểu vùng Mekong, ngay cả sự liên kết nội vùng cũng chưa có phương hướng, chưa có “nhạc trưởng”, chưa xác định sản phẩm chủ yếu… Từ thực tế đó đòi hỏi phải đi tìm phương hướng thay đổi thực trạng. Trước hết là thay đổi cách nghĩ và cách tổ chức du lịch theo hướng coi liên kết nội vùng và liên kết vùng là động lực, giải pháp không thể thiếu trong phát triển du lịch của vùng ĐBSCL.

Bà Lê Thị Thanh Thủy, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh: Xây dựng tính “đặc sản” và “đặc trưng” cho sản phẩm du lịch

ĐBSCL tuy là vùng đất mới về tuổi đời lịch sử và văn hóa so với các vùng miền khác trong cả nước, nhưng nơi đây lại chứa đựng hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó có hàng trăm di tích được xếp hạng cấp quốc gia gồm đủ loại hình: Văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc… Ngoài ra còn hàng trăm lễ hội với nhiều màu sắc phong phú, đa dạng. Đặc biệt vốn di sản văn hóa trong vùng còn kể đến các làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực, các loại hình nghệ thuật dân tộc, phong tục tập quán sinh hoạt của người Việt, Hoa, Chăm, Khmer. Nếu được nghiên cứu kỹ, khai thác tốt chắc chắn có thể trở thành những “đặc sản” của du lịch văn hóa vùng sông nước ĐBSCL.

Nhưng ngoài việc xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính “đặc sản” thì điều quan trọng hơn là phải xây dựng được tính “đặc trưng” cho mỗi địa phương thể hiện qua các sản phẩm du lịch của mình. Hiện nay các “đặc sản” này của vùng ĐBSCL đang được khai thác tràn lan, không có quy hoạch nào, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm” và rập khuôn đã gây nên sự nhàm chán cho du khách.

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Đại học Tiền Giang: Xây dựng các làng, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng

Với lợi thế đất đai trù phú, khí hậu tốt quanh năm, miệt vườn nhiệt đới đa dạng, sông nước bao la nên các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chủ lực ở đây cần phải được xây dựng trên cơ sở gắn với nông thôn, trong không gian miệt vườn, ruộng đồng. Nghĩa là nhà nông vẫn sống và canh tác nhưng trong không gian đó các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng. Như vậy vai trò nhà nông rất lớn. Cụ thể, trên mảnh vườn rộng lớn của nhiều hộ dân liền kề cùng trồng một vài loại cây đặc chủng, các nhà nông tự giác liên kết với nhau và mời các nhà khoa học vào khảo sát, thiết kế, hài hòa cùng dịch vụ thân thiện. Sau đó mời các doanh nhân vào đầu tư theo phương châm cùng có lợi. Tuy nhiên, rất cần thành lập Ủy ban phát triển du lịch ĐBSCL trực thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ để đóng vai trò “nhạc trưởng”.
Anh Đức - M.T - Minh Trí
Liên kết để phát triển bền vững
Liên kết để phát triển bền vững

Nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết lại, đây là con đường duy nhất để phát triển du lịch bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN