Đổi mới xúc tiến du lịch

Xúc tiến du lịch để thu hút khách đến nhưng cách làm bấy lâu nay của ngành du lịch vẫn không thay đổi khiến hiệu quả chưa cao.

”Nước đến chân mới nhảy”

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam lâu nay vẫn đang làm theo phương thức qua các hội chợ, liên hoan văn hóa gắn với du lịch. Các doanh nghiệp và Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) đều xác định việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài mang ý nghĩa quan trọng, nhất là các hội chợ quốc tế quy tụ nhiều doanh nghiệp du lịch lớn, cung cấp nguồn khách. Đây là dịp góp phần nâng cao nhận biết về hình ảnh, định vị và thông điệp của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, công tác tổ chức các hội chợ còn thụ động, chưa chuyên nghiệp; hợp tác tổ chức xây dựng gian hàng chung với các bên liên quan thiếu tính ổn định và kế hoạch dài hạn, sản phẩm du lịch tại các gian hàng chưa thực sự phong phú, hấp dẫn.

Hoạt động giới thiệu du lịch Tây Bắc tại hội chợi VITM 2016.

Anh Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Du lịch Việt văn phòng miền Bắc cho biết: Khá phổ biến tình trạng một số liên hoan du lịch, hội chợ chỉ đợi khách đến gian hàng phát tờ rơi. Mà những tờ rơi này du khách vứt ngay trước khi ra về. Nhiều lần tham gia hội chợ du lịch quốc tế, Việt Nam luôn bị “kêu” về khâu chuẩn bị. Đơn cử, gian hàng các nước và vùng lãnh thổ Đông Nam Á, Đông Bắc Á liên tục tổ chức nhiều sự kiện náo nhiệt thu hút mọi người, còn gian hàng Việt Nam tại hội chợ thì vắng vẻ như... chợ chiều, thậm chí ngày cuối rất nhiều doanh nghiệp vắng mặt.

Bà Đặng Bích Thọ, đại diện Hanoi Redtour cho rằng, việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế của Việt Nam chưa hiệu quả vì vẫn làm theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Cơ quan nhà nước thông báo kế hoạch tham gia gấp rút, làm doanh nghiệp “vắt chân” chạy theo. Còn doanh nghiệp thì thụ động trong việc tổ chức và chưa dành ra quỹ riêng để đầu tư cho việc xúc tiến quảng bá du lịch. Đến lúc gần diễn ra mới nháo nhào vì vé máy bay, chuẩn bị nội dung chương trình.

“Tại sao ta không dùng các phương tiện công nghệ hiện đại để quảng bá, như in đĩa CD giới thiệu điểm đến, hoặc tặng các sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của Việt Nam nhằm kích thích du khách tự tìm tòi, từ đó mới thu hút được sự quan tâm của du khách. Thời buổi công nghệ hiện đại mà còn sử dụng cách in ấn phẩm, tờ rơi phát cho khách hàng thì đúng là vừa kém hiệu quả, lại gây lãng phí”, ông Lê Quang Đạo nhận xét.

Thay đổi hình thức quảng bá

Theo ông Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Việc quảng bá du lịch ra nước ngoài hiện chỉ dựa trên việc chúng ta có gì chứ không dựa trên nguyên tắc khách hàng cần gì. Trong khi, nguyên tắc của thị trường là cung cấp cho khách cái họ cần chứ không phải cái ta có. Việc xúc tiến của Việt Nam chưa có được kịch bản chặt chẽ và khoa học. Nội dung xúc tiến thường dàn trải ra nhiều chi tiết, nhiều hạng mục, nhiều điểm đến mà không tập trung vào một sản phẩm cụ thể. Trong khi, kinh nghiệm từ các nước bạn như Thái Lan hay Singapore, họ luôn tham gia các kỳ hội chợ với 1 hoặc 2 sản phẩm du lịch, không nhiều hơn, và đó luôn là những sản phẩm đã hoàn chỉnh và chỉ cần bấm nút khởi động.

“Đã đến lúc, phương thức quảng bá, xúc tiến khi tham gia các kiểu hội chợ du lịch phải thay đổi; trong đó, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần phải phân định vai trò, trách nhiệm của các bên nhằm nâng cao hiệu quả tham gia hội chợ du lịch quốc tế trong thời gian tới”, ông Phạm Trung Lương nhấn mạnh.

Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Goldentour cho biết: “Để có khách, các doanh nghiệp cũng phải tự xoay các hình thức xúc tiến, quảng bá thông qua nghiên cứu, khoanh vùng đối tượng khách theo ngành nghề, lứa tuổi. Trong đó, nghiên cứu kỹ đặc điểm của từng đối tượng khách sẽ hình thành phương án quảng bá phù hợp như giới trẻ sẽ quảng bá của mạng xã hội, người lớn tuổi qua tạp chí, chuyên mục người cao tuổi trên đài truyền thanh... Hoặc thông qua hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch theo mô hình CLB, hiệp hội”.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, tại Hội chợ du lịch ITE vừa qua, bên cạnh mời các đoàn nhà báo, BTC còn mời các blogger quốc tế về du lịch. Không chỉ tham gia hội chợ, với các sản phẩm tour mới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng bố trí với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tổ chức chương trình trải nghiệm chất lượng dịch vụ để chào bán dịch vụ tới các thị trường khách.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho biết, phương thức quảng bá mới thông qua mạng xã hội, famtrip, presstrip cũng đang được các hiệp hội địa phương và doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ, nhất là Đà Nẵng, Hội An. Phương thức này đang mang lại hiệu quả rõ nét trong việc thu hút khách, nhất là với khách đi lẻ.

Để có nguồn quỹ ban đầu cho xúc tiến, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm... Ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng nguồn vốn của quỹ trên. Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và có giải pháp phù hợp đối với việc tham dự các hội chợ du lịch, lễ hội du lịch trong nước và quốc tế; tập trung nguồn lực tổ chức hội chợ du lịch quốc tế trọng điểm trong năm theo chủ đề.



Bài và ảnh: Xuân Cường
Phát triển du lịch biển gắn với giải quyết ô nhiễm
Phát triển du lịch biển gắn với giải quyết ô nhiễm

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan, cùng với nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN