Dẻo thơm hạt nếp Tú Lệ

Nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nôi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong, khi đồ lên có vị dẻo thơm đặc biệt mà không nơi nào có được.


Đó là giống nếp Tú Lệ (còn gọi là nếp Tan Lả - theo tiếng của người Thái) - loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng lòng chảo Mường Lò này.

Món quà của Tiên ông

Ngược quốc lộ 32, đường lên huyện Mù Cang Chải, gần chân đèo Khau Phạ, đoàn “đi phượt” Tây Bắc của chúng tôi có mặt tại thị tứ sầm uất của xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) – vùng đất nổi tiếng bởi loại nếp Tú Lệ.


Phố núi xinh đẹp này từ lâu đã trở thành điểm dừng chân, thưởng thức các món ăn làm từ gạo nếp đặc sản như: Cốm, cháo cốm vịt, xôi nếp... của khách lữ hành mỗi khi có dịp qua đây. Và những ai đã một lần có cơ duyên được thưởng thức những món ăn được chế biến từ loại nếp đặc sản này, sẽ nhớ mãi hương vị đậm đà thơm dịu đầy sức quyến rũ.

Ruộng lúa nếp Tú Lệ.


Đến Tú Lệ vào ngày mùa, từ rất xa, đã cảm nhận được hương thơm man mác, quyến rũ của lúa nếp. Thung lũng bao phủ bởi sắc vàng của lúa chín… đây đó thấp thoáng bóng các thiếu nữ Thái đang gặt lúa trên cánh đồng vàng rực.


Dừng chân bên một quán nhỏ ven đường, đoàn chúng tôi vừa thưởng thức món xôi nếp Tú Lệ với thịt lợn nướng, vừa nghe chủ quán giới thiệu về đặc sản mà trời đất đã ban tặng cho vùng đất này.

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, tổ tiên của người Thái được Tiên ông ban cho một giống thóc quý. Tiên ông dạy rằng, hãy tìm một nơi thích hợp để gieo trồng, sẽ được loại nếp thơm ngon.

Người Thái đã mang giống lúa ấy đi gieo ở khắp vùng Tây Bắc, nhưng không nơi nào có được kết quả như lời Tiên ông dặn, nơi thóc không nảy mầm, nơi thì lúa còi cọc bông lép… Khi đoàn người đi tới chân đèo Khau Phạ (Sừng trời), dừng chân bên con suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát, ngọt lịm, ngẩng mặt lên là thung lũng tươi tốt.


Già làng của tộc người Thái đã quyết định ở lại vỡ ruộng trồng lúa, quả nhiên thóc tiên gieo xuống đã nhanh nảy mầm và tươi tốt lạ thường, khi trổ bông tỏa ra một hương thơm tinh khiết. Khi lúa chín, đem xay được những hạt gạo to tròn, trắng trong, có hương thơm quyến rũ vô cùng.


Mang gạo ấy đồ lên được đĩa xôi vừa dẻo, lại có vị béo ngậy và ngọt đậm vô cùng, hương thơm bay khắp bản. Con trai trong bản ăn giống nếp ấy trở thành những thanh niên khỏe mạnh dẻo dai, làm ruộng, làm nương không biết mệt, khi cất tiếng thổi khèn, tiếng khèn làm say lòng gái bản.

Các cô gái Thái ăn giống nếp ấy thì có nước da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen nhánh, miệng cười như hoa, quay sa dệt vải, hoa văn như có hồn làm đám trai bản ngẩn ngơ, thổn thức…


Cảm tạ tấm lòng Tiên ông ban cho giống thóc quý, nên vào khoảng tháng 10, mùa lúa chín, những người Thái ở Tú Lệ thường tổ chức lễ cúng Cơm mới. Lễ vật cúng là những bông lúa to hạt mẩy làm cốm, thóc đồ.


Họ mổ gà, vịt làm lễ cúng Cơm mới để tạ ơn trời đất, tạ ơn Tiên ông đã cho người dân Tú Lệ giống lúa thơm ngon nổi tiếng, đồng thời cầu mong cho những mùa vụ tốt tươi sau này. Nghi lễ xong, cỗ được bày ra.


Mọi người cùng nhau nhấp ngụm rượu trong vắt thơm nồng,cùng nhai nắm xôi dẻo quánh và húp thìa cháo vịt cốm xanh béo ngậy, tất cả đều được chế biến từ hạt nếp Tú Lệ. Tết đến, nhà nào cũng làm vài hũ rượu cần để mời bà con trong bản ăn Tết. Rượu cần làm bằng nếp Tú Lệ thì không thứ rượu nào sánh nổi.

Niềm tự hào Tú Lệ

Nghe chị chủ quán kể chuyện, lại trực tiếp được thưởng thức những miếng xôi nếp thơm ngon, ai nấy trong đoàn đều cảm thấy lời “tiếp thị” của chị chủ quán không quá chút nào. Đĩa xôi nếp Tú Lệ trắng trong, mềm dẻo, khi nhai trong miệng vừa có hương thơm, vị béo ngậy và ngọt đậm... ngay cả những thực khách khó tính nhất cũng phải tấm tắc khen ngon.

Theo cách giải thích của các nhà khoa học, giống nếp Tú Lệ có vị thơm, ngon như vậy là do điều kiện địa lý khá đặc biệt của vùng đất này. Thung lũng Tú Lệ nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, nên biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày.


Đây là những yếu tố khiến mạch tinh bột amino-pectin (thành phần chính quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo) rất lớn. Thêm một yếu tố nữa là do đất Tú Lệ tơi xốp, màu mỡ, dễ ngấm nước, khí hậu ở Tú Lệ trong lành thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên nên nếp Tú Lệ vừa sạch, vừa có mùi thơm rất lạ. Và kì lạ hơn nữa là không nơi nào trồng được loại lúa này mà cho thứ gạo thơm, dẻo như vùng thung lũng Tú Lệ.


Không ít người thấy giống nếp quý, đã mang đi nơi khác trồng, hạt gạo dù vẫn dẻo nhưng không còn giữ được hương thơm đặc trưng của nó. Nhiều người còn quả quyết, nếp Tú Lệ phải được nấu với nước suối Mường Lùng mới thấy hết hương vị thơm ngon của nó.


Chẳng thế mà mỗi khi Tết đến, những người sành ăn Yên Bái, dù ở cách xa đến vài chục cây số cũng vượt đường núi xa xôi lên tận Tú Lệ lấy cho được một can nước ở suối Mường Lùng mang về đồ xôi.

Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để làm bánh chưng, bánh dày hay chế biến các món bánh khác cũng vô cùng thơm ngon.

Nếp thơm Tú Lệ là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được, nó đã trở thành niềm tự hào của những người dân Tú Lệ nói riêng, Yên Bái nói chung.


Chẳng thế mà trong những lần tham gia hội thi các món ăn dân tộc, hội chợ ẩm thực..., người Yên Bái thường mang nếp Tú Lệ đi nấu xôi, chế biến những món ăn ngon từ gạo nếp Tú Lệ để giới thiệu với du khách và những món ăn đặc sắc ấy không chỉ đạt giải cao trong các cuộc thi ẩm thực, mà còn nhận được rất nhiều sự mến mộ của thực khách gần xa.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, tiếng tăm của giống nếp quý ngày càng lan xa, vì vậy hàng năm, cứ gần đến ngày lễ, Tết, xe ô tô từ khắp mọi miền đất nước lại ngược lên Yên Bái, vào Văn Chấn rồi ngược lên Tú Lệ mua gạo đem đi các nơi khác tiêu thụ.


Giá thóc và gạo Tú Lệ bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với các giống lúa nếp khác nhưng cung vẫn chưa đủ cầu. Đối với người dân sống quanh Tú Lệ, trong tỉnh Yên Bái, Tết năm nào cũng mua gạo nếp Tú Lệ về gói bánh chưng, thổi xôi thờ cúng tổ tiên và đãi khách trong ba ngày Tết.


Ngày nay, mỗi khi có dịp đi qua Tú Lệ, du khách gần xa đều ghé phố núi này thưởng thức món xôi với thịt nướng tuyệt ngon ở đây, khi ra về, ai cũng cố mua lấy dăm ba cân nếp Tú Lệ về làm quà cho bạn bè và người thân.

Trời trở về chiều, đoàn “lữ khách” chúng tôi ngồi quây quần bên mâm cơm, thưởng thức các món ăn được chế biến từ giống nếp quý, được uống những chén rượu đượm nồng hương thơm của núi, của rừng do những đôi tay ngà vừa nâng chén mời khách vừa hát điệu “Khắp mời lẩu” - Hát mời rượu, ai nấy trong đoàn đều cảm thấy ấm lòng.


Với riêng tôi, không chỉ có hương vị của giống gạo nếp quý, mà cả tiếng hát mời rượu trong veo của các cô gái miền sơn cước, cái vẻ tĩnh lặng, thanh bình của một phố núi, sự thân thiện mến khách của người dân nơi đây cùng cảnh vật hoang dại đầy vẻ kiêu kỳ bí ẩn bỗng trở nên rất đỗi gần gũi, thân quen.

Lộc Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN