Đề xuất tái lập Cục Xúc tiến du lịch

Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia trong thời gian tới, nhiều chuyên gia và địa phương đề xuất tái lập Cục Xúc tiến du lịch.

Quang cảnh hội nghị xúc tiến du lịch.

Ngày 3/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch năm 2017. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần thành lập cơ quan xúc tiến du lịch và xây dựng cơ chế hoạt động của tổ chức này.


Khó khăn kinh phí


Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 7,25 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,8% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách quốc tế đạt gần 307.000 tỷ đồng, tăng 26%. Một trong những lý do là sự thành công của công tác công bá, xúc tiến du lịch; thu hút du khách tới Việt Nam.


Hàng năm, Tổng cục Du lịch tham gia 13-14 hội chợ quốc tế, trong đó 6 hội chợ tham gia thường kỳ như Travex, ITB Đức, MITT Nga, TTM Plus Thái Lan, JATA Nhật Bản, WTM Anh... Việc tham gia các hội chợ quốc tế lớn, đều đặn đang dần từng bước tạo dựng hình ảnh du lịch tại thị trường du lịch lớn.


Cùng với việc tham gia các hội chợ du lịch, hàng năm Tổng cục du lịch tổ chức 10-15 đoàn famtrip, presstrip từ các thị trường chính Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu để giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ nổi bật của Việt Nam. “Điểm mới trong hoạt động xúc tiến trong thời gian qua là quảng bá trên mạng, e – marketing. Đây là hoạt động xúc tiến mang lại nhiều hiệu quả trong thời đại công nghệ thông tin. Do đó, trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này với nhiều nội dung đổi mới”, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết.


Một khó khăn lớn đối với hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch là kinh phí xúc tiến du lịch Nhà nước cấp gần như không tăng, thậm chí còn giảm. “Do đó, để khắc phục, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh để tập trung nguồn lực xúc tiến du lịch. Đồng thời Tổng cục Du lịch đã thành lập Hội đồng tư vấn du lịch TAB với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn”, ông Hà Văn Siêu cho biết.


Còn theo ông Hoàng Nhân Chính, đại diện Hội đồng tư vấn du lịch TAB, trong điều kiện nguồn tài chính hiện nay, ngành du lịch nên tập trung cho hoạt động e – marketing. Đến nay, các thành viên TAB đã cam kết đóng góp cho quỹ xúc tiến 40 tỷ đồng. Nguồn kinh phí sẽ tập trung vào một số thị trường trọng điểm.


Quang trọng là cơ chế hoạt động


Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng: Do không có đơn vị chuyên trách, nên hoạt động xúc tiến du lịch thời gian qua trải “mành mành”, phải chạy vạy xin tiền nên hoạt động gì cũng “bé bé”. Bên cạnh đó là việc chậm giải ngân. Nhiều chương trình đến sát hoạt động mới được giải ngân, thậm chí “nợ” tiền.


“Do đó, muốn xúc tiến du lịch phải có bộ máy chuyên nghiệp. Nên tái lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc cơ quan xúc tiến quốc gia, từ đó xác định nguồn kinh phí và cơ chế sử dụng, giải ngân sao cho hiệu quả”, ông Vũ Thế Bình đề xuất.


Còn ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist cho rằng: "Khi triển khai hoạt động xúc tiến quan trọng nhất phải nghiên cứu thị trường chuyên sâu. Do đó, vai trò của Tổng cục Du lịch cần định hướng nhóm thị trường và có cơ sở dữ liệu về thị trường mục tiêu để đẩy mạnh xúc tiến. Muốn vậy phải có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để tập hợp các doanh nghiệp, đồng thời là xây dựng cơ chế giải ngân, thông thoáng hiệu quả năng động.


Các doanh nghiệp du lịch đề nghị lập cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch và có kế hoạch dài hạn trong xúc tiến để huy động sự tham gia của doanh nghiệp, địa phương.


Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bộ đang xây dựng Nghị định về cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch, trong đó đang xây dựng đề xuất thành lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc Trung tâm xúc tiến du lịch quốc gia trên cơ sở của Vụ Thị trường hiện nay. Việc thành lập đơn vị này nhằm khắc phục những bất cập cố hữu lâu nay trong xúc tiến du lịch như thời gian chậm, không tập trung, khó khăn trong giải ngân.


Từ những góp ý của đại diện doanh nghiệp, địa phương và các chuyên gia, Tổng cục Du lịch sẽ tập hợp ý kiến để hoàn thiện đề án đổi mới hoạt động xúc tiến trong thời gian tới.


Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch biển, đảo
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch biển, đảo

Du lịch biển, đảo là tiềm năng và thế mạnh của nhiều quốc gia trong phát triển ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, để khai thác nguồn tài nguyên này bền vững cần có sự đầu tư về nguồn nhân lực, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và khai thác hiệu quả dịch vụ du lịch giải trí trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN