Đẩy mạnh tăng trưởng “công nghiệp không khói”

Chiếm đến 55% lượng khách quốc tế đến Việt Nam (hơn 4,1 triệu lượt) và đóng góp 11% GDP thành phố trong năm 2013, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước; đồng thời cho thấy tiềm năng phát triển “ngành công nghiệp không khói” của thành phố là rất lớn.


Nâng cao chất lượng


Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn nhất cả nước nên hằng năm thu hút lượng lớn khách quốc tế. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh, khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chủ yếu qua đường hàng không. Trong đó, 10 thị trường có lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh nhiều nhất là Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nga và Pháp. Trong đó, các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Nga, Australia, Nhật có tốc độ tăng trưởng mạnh. Đáng lưu ý, Nga và Nhật là hai thị trường khách có mức chi tiêu cao, đã và đang được ngành du lịch thành phố xác định là những thị trường trọng điểm tập trung xúc tiến trong năm 2014. Theo đó, năm 2014, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh dự kiến đón 4,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7% so với năm 2013 theo định hướng thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững và xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh.

 

Du khách đang tham quan di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

 


Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển ổn định và tăng trưởng bền vững, ngành du lịch thành phố cần nâng cao hơn chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi đầu tư phát triển du lịch, xem đây là công tác then chốt giúp du lịch phát triển bền vững.

 

Khách du lịch quốc tế tham quan tượng đài Bác trước UBND thành phố.

 

Quý I năm 2014, khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đạt 1.245.882 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 54% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và đạt 28% kế hoạch năm 2014.

Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố góp phần nâng cao chất lượng quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp; tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin du lịch thành phố để tăng cường thông tin cho du khách và doanh nghiệp; thực hiện các chương trình kích cầu du lịch gắn với thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ nhân lực ngành du lịch. Ngoài ra, thành phố còn tăng cường công tác an ninh du lịch với mục tiêu chấm dứt nạn chèo kéo khách du lịch trên địa bàn thành phố; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cướp giật, xâm hại tài sản, thân thể du khách. Hiện thành phố cũng đang khẩn trương xây dựng đề án về việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.

Hợp tác phát triển nhiều loại hình


Theo bà Nguyễn Thị Hồng, việc hợp tác du lịch giữa các vùng hiện là vấn đề cấp thiết và mang tính lâu dài trong chiến lược phát triển ngành du lịch TP Hồ Chí Minh. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, ngành du lịch thành phố đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với khoảng 30 địa phương trong cả nước. Việc liên kết này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển du lịch trong cả nước; đồng thời giúp đa dạng hóa các loại hình du lịch của địa phương.

 

Lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ khách du lịch ở trung tâm thành phố.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý về chủ trương tái thành lập Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ đạo UBND TP thực hiện thủ tục thành lập theo quy định pháp luật hiện hành. Trước đó, vào tháng 2/2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc tách Sở sau 6 năm sáp nhập.


Theo đó, TP Hồ Chí Minh và các địa phương sẽ tích cực, chủ động hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng khai thác, đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch truyền thống; đồng thời đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn liền với sản phẩm du lịch truyền thống; đa dạng hóa các sản phẩm và các loại hình du lịch, phát huy liên kết vùng, liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch; tập trung đầu tư tôn tạo và khai thác tài nguyên du lịch, tạo các sản phẩm du lịch đặc thù. Hiện rất nhiều tour du lịch liên kết được du khách quốc tế quan tâm như TP Hồ Chí Minh - Thới Sơn (Tiền Giang), TP Hồ Chí Minh - chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) hay TP Hồ Chí Minh - Bến Tre, TP Hồ Chí Minh - Vĩnh Long...


Không chỉ hợp tác quảng bá hình ảnh của địa phương, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh và các địa phương còn tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng phạm vi thị trường quảng bá ra nước ngoài. Chính vì thế, lượng du khách nước ngoài tới các địa phương hiện ngày một tăng hơn.


Mở rộng du lịch đường sông


Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP Hồ Chí Minh, năm 2013 TP Hồ Chí Minh đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu đến bằng đường bộ và đường hàng không. Tuy nhiên, trong khi du lịch mua sắm, hội nghị, hội thảo... phát triển mạnh thì du lịch đường sông vẫn chỉ thu hút lượng khách khá khiêm tốn dù đã có hơn 30 doanh nghiệp lữ hành lớn nhỏ khai thác hình thức du lịch này.


Để đa dạng hóa loại hình du lịch và thu hút du khách, tiến tới đổi mới các chương trình du lịch, TP Hồ Chí Minh đã đề ra chiến lược phát triển du lịch đường sông giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 với việc đầu tư lên đến 11.000 tỉ đồng (trong đó có 10.000 tỉ đồng xã hội hóa, phần còn lại từ ngân sách) cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đường sông. Theo đó, thành phố cũng đã và đang xây dựng 5 luồng tuyến chính dành cho du lịch đường sông: tuyến nội đô từ Bạch Đằng đi các hướng trong nội thành, tuyến phía Tây từ Bạch Đằng đến Củ Chi, tuyến phía Bắc từ Bạch Đằng đến Hội Sơn (quận 9), tuyến phía Đông từ Bạch Đằng đến Cần Giờ và tuyến phía Nam từ Bạch Đằng đến cảng Phú Định (quận 6). Hiện UBND TP cũng đã giao cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn nghiên cứu mở tuyến du lịch tham quan cảnh trí sông nước từ trung tâm thành phố đến các chùa cổ ở quận 5, quận 6; đồng thời mở các tuyến du lịch từ trung tâm đi kênh Bến Nghé, Tàu Hủ ra kênh Tẻ về các tỉnh miền Tây.


Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ cải tạo và xây 50 bến đón tàu, cầu tàu và kết nối đường bộ tới các điểm tham quan; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận huyện có tuyến du lịch sông; xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và quận 9. Dự kiến trong tháng 5 này, TP Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu 7 tour du lịch đường sông, là các tour xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến các điểm tham quan ở Bình Quới, Củ Chi, nhà vườn Long Phước ở quận 9... TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông nước hàng năm tại khu vực bến Bạch Đằng - bến Nhà Rồng - cầu Mống và phát triển loại hình du lịch thể thao dưới nước, nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại Cần Giờ, Củ Chi và quận 9.


Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, với sự đầu tư này, dự kiến sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%; doanh thu tăng mỗi năm 30%... và đến năm 2020, du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố.


Bài và ảnh:M.T

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN