Dấu ấn đột phá trong phát triển du lịch

Sự kiện đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu vào ngày 25/12/2016 tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đặt dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch. Năm 2016 được coi là năm đột phá của du lịch Việt Nam.

Tăng trưởng vượt kỳ vọng
 
Quá trình phát triển 56 năm của ngành du lịch được đánh dấu bằng những năm đón khách quốc tế tăng trưởng. Năm 1994, Việt Nam đón 1 triệu lượt khách, năm 2010 đón 5 triệu lượt khách, năm 2013 đón 7 triệu. Năm 2016 đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25% so với năm 2015, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục từ trước đến nay: Tổng số khách nhiều nhất trong 1 năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng tuyệt đối trong 1 năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015).
 
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết: Cùng với sự tăng trưởng về lượng là sự chuyển biến về chất. Phân tích về cơ cấu khách quốc tế trong thời gian gần đây cho thấy, thị trường lớn nhất của Việt Nam là khách Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Đây là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, chi tiêu lớn. Thị trường khu vực này chiếm hơn 30% đến Việt Nam.
Du khách chơi trò trượt zipline tại Sông Chày - Hang Tối (Quảng Bình)
 
Với thị trường khách Trung Quốc, trước Việt Nam đón nhiều khách đường bộ có thu nhập thấp nhưng năm nay thì chủ yếu là đón khách đi theo hình thức thuê bao chuyến (charter fly), đây là dòng khách có mức chi tiêu cao. “Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ có điều tra về mức chi tiêu, thói quen để có sản phẩm du lịch phù hợp và cùng với địa phương quản lý chặt chẽ dòng khách này”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
 
Còn với dòng khách Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây tập trung là khách người cao tuổi và sinh viên. Đây là dòng khách có thời gian lưu trú dài, mức chi tiêu cao. “Các địa phương đón tiếp dòng khách này cùng với các doanh nghiệp du lịch đang nghiên cứu tạo ra sản phẩm phù hợp để kích thích tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế hơn”, ông Lê Tuấn Anh chia sẻ. Khu vực thị trường lớn thứ hai của du lịch Việt Nam là thị trường Tây Âu, trong đó bao gồm cả 5 nước được miễn thị đơn phương trong 2 năm qua đã có sự tăng trưởng rất nhanh. Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng của 5 thị trường khách Tây Âu được miễn visa tăng hơn 16%, trong đó tăng cao nhất là thị trường khách Italia tăng 30%, Tây Ban Nha 27%, Đức 19%... Bên cạnh đó, thị trường khách Nga tăng 27%, Hà Lan 24%...

“Trước đây, khách đến từ Tây Âu chủ yếu là khám phá, nhưng thời gian gần đây họ chọn Việt Nam là điểm đến nghỉ dưỡng. Dòng khách nghỉ dưỡng thường chi trả cao, lưu trú dài ngày và sẽ quay lại thường xuyên nếu dịch vụ tốt”, ông Lê Tuấn Anh nhận xét. Thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam là các thị trường gần như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines... và một số thị trường mới có sự tăng trưởng như Canada 15%, Mỹ 14%, New Zealand 24%. Với việc phát triển thị trường mới cho thấy điểm đến Việt Nam ngày càng nổi bật và được nhiều du khách lựa chọn.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, năm 2016 cũng có nhiều dấu ấn quan trọng trong chỉ đạo, điều hành đối với ngành du lịch. Năm 2016, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội. Tại kỳ họp lần thứ hai Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về nội dung Luật Du lịch (sửa đổi) và nhất trí cho phép bổ sung, hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2017. 

Du khách tìm hiểu về nghề nông tại làng quê Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế).


Đẩy mạnh xúc tiến  quảng bá
 
Năm 2016, ngành Du lịch đã tập trung nguồn lực cho hoạt động quảng bá xúc tiến ở nước ngoài với việc tham gia 10 hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại 16 thành phố của Trung Quốc và tại nhiều thị trường trọng điểm và mới như: Ấn Độ, Séc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Australia, Kazakhstan, Uzbekistan, Thái Lan; đón đoàn famtrip gồm 220 đại diện các hãng lữ hành của Đức, Áo và 9 đoàn doanh nghiệp, báo chí đến từ các thị trường lớn.  Trong nước, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tỉnh thành đã tổ chức thành công Hội chợ du lịch quốc tế năm 2016 là VITM (Hà Nội), BMTM (Đà Nẵng), ITE (TP. Hồ Chí Minh), Festival Huế... “Điểm mới trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam là đẩy mạnh xã hội hóa và truyền thông qua mạng xã hội. Tổng cục Du lịch phối hợp với Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) xây dựng trang web bằng tiếng Anh: vietnamtourism.vn với giao diện và nội dung mới phục vụ quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài...  Đây là một trong những nội dung ứng dụng chương trình e - marketing mà Việt Nam đang triển khai. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cùng với Vntrip tổ chức chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam qua mạng xã hội như #Why Vietnam, Super selfie... thu hút hàng triệu người tham gia.  

Tháng 12/2016, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về đề án “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đồng thời ban hành Nghị quyết về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.



Chấn chỉnh chất lượng dịch vụ
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch (9/8/2016), chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên toàn quốc, Tổng cục Du lịch đã triển khai Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tại 20 tỉnh/thành là địa bàn trọng điểm.  Đây là chiến dịch kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú lớn nhất từ trước tới nay nhằm chấn chỉnh, tạo bước chuyển về chất lượng dịch vụ tại cơ sở lưu trú. Xét về hạ tầng, cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú cao cấp của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực khi được sự đầu tư lớn của một số tập đoàn.
 
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ còn nhiều bất cập do liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, chiến dịch nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam hướng tới nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ. “Qua việc kiểm tra, Tổng cục Du lịch đã thu hồi quyết định công nhận hạng sao đối với 36 khách sạn từ 3 - 5 sao, trong đó Hà Nội và Quảng Ninh bị thu hồi nhiều nhất. Dù vậy, tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch vẫn còn tình trạng các khách sạn tự ý treo biển, gắn sao khách sạn dù chưa thẩm định. Đây là việc làm gian dối lừa khách hàng và cần sự tăng cường kiểm tra thường xuyên tại các địa phương”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
 
Theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, chiến dịch nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam đã tạo một bước chuyển về “chất” với các cơ sở lưu trú phân khúc cao cấp. “Từ trước, nhiều khách sạn không quan tâm đến chất lượng, dịch vụ sau đầu tư. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, nhiều khách sạn tự chuyển biến trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ. Đây là việc cần làm thường xuyên”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho biết.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Việt Nam còn những hạn chế cần khắc phục, trong đó phải kể đến chất lượng dịch vụ tại một số khu, điểm du lịch còn chưa đảm bảo; năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế chưa được cao; quản lý hoạt động khách du lịch một số thị trường và hướng dẫn viên người nước ngoài còn những bất cập; nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng, sự cố môi trường biển miền Trung tác động lớn đến việc thu hút khách... Do đó, năm 2017, bên cạnh việc cùng với các địa phương xúc tiến quảng bá thu hút khách, ngành du lịch đặt mục tiêu tăng cường quản lý, hướng tới đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng. Ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Phát triển mô hình nhà nông làm du lịch
Phát triển mô hình nhà nông làm du lịch

Nhiều nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp đang phát triển mạnh mô hình nhà nông làm du lịch, chuyên trồng các loại cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch như: Nhãn (Châu Thành), quýt hồng (Lai Vung), xoài (Cao Lãnh), hoa kiểng (Sa Đéc), trồng kiệu (Tam Nông), trồng sen (huyện Tháp Mười)...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN