Đắm say lễ hội xuân Suối Giàng

Nằm trong Chương trình du lịch về cội nguồn 2011 liên kết giữa 3 tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai, du khách thập phương về dự lễ hội dân tộc Mông tại xã Suối Giàng sẽ được đắm chìm trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.

Nằm ở độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn với núi non hùng vĩ, ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Đặc biệt nơi đây còn có hàng vạn cây chè cổ thụ hơn 100 tuổi, trong đó có cả những cây chè trên 300 năm tuổi được xếp vào 1 trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới.

Thi giã bánh dày tại lễ hội xuân dân tộc Mông, xã Suối Giàng. Ảnh: Viết Tôn


Ở đây có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ, tạo nên một vẻ đẹp riêng mà chỉ Suối Giàng mới có. Những năm gần đây, đồng bào Mông, xã Suối Giàng, vẫn giữ gìn nét văn hóa truyền thống là lễ cúng tôn vinh cây chè tổ, đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong lễ hội xuân dân tộc Mông, xã Suối Giàng năm nay.

Ông Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng cho biết: Ngay từ sáng sớm, tại gốc cây chè cổ thụ tại Bản Mới, xã Suối Giàng, nhân dân trong bản đã bày mâm lễ vật cúng gồm rượu, hương, cơm nếp, giấy vàng, giấy đỏ và một con gà trống… còn sống. Chủ lễ là già làng, nghệ nhân Giàng Nhà Lử, thay mặt bà con nhân dân cúng tế. Nghi lễ cúng được thực hiện theo phong tục tín ngưỡng của dân tộc Mông nơi đây.

Cây chè là nguồn sống, nhưng cũng là nét văn hóa gắn bó với đồng bào dân tộc Mông, cây chè cũng là nơi để gửi gắm ước mơ, cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản. Vì vậy, hàng năm cứ vào dịp tháng 10 hoặc đầu xuân mới, theo nghi lễ truyền thống, người Mông Suối Giàng lại sắm lễ cúng cây chè tổ để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè Shan.

Và hôm nay cũng vậy, dưới gốc cây chè tổ, bà con dân bản đã dựng một đàn cúng nhỏ bầy sẵn các lễ vật. Thầy mo Giàng Nhà Lử làm lễ mời thần linh về chứng giám sau đó cắt tiết gà, mổ và luộc ngay tại nơi cúng tế rồi dâng lên thần. Thầy cúng đọc bài cúng thần thuốc để tạ ơn thần đã che chở, phù hộ cho bà con dân bản một năm mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa, cầu thần cây tiếp tục phù hộ cho bà con dân bản năm mới sức khỏe, cho cây chè ra nhiều búp, được mùa lúa ngô…

Lời của bài cúng đại ý: … Cầu thần trời, thần đất, thần chè phù hộ, che chở cho vạn vật, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống của người dân ấm no hạnh phúc. Nhớ khi xưa mới đến định cư, nơi đây chỉ có vài nóc nhà, cuộc sống đói rét lầm than… Nhờ ơn Đảng, người dân đã có cây chè quý, có được nguồn thu đáng kể, xóa được cái đói, giảm được cái nghèo. Kết thúc lễ cúng, tất cả những người tham dự cùng nhau thụ lộc, uống một ngụm rượu để lấy sức khỏe mà thần thuốc đã ban cho.

Lễ cúng cây chè tổ kết thúc, lễ hội xuân dân tộc Mông, xã Suối Giàng chuyển sang phần tham quan và tìm hiểu về quy trình sản xuất chè tuyết Shan cổ thụ theo phương pháp cổ truyền tại gia đình nghệ nhân Sổng Thị Phua, bản Giàng B. Tại đây, du khách đã được tận mắt chứng kiến nghệ nhân sao chè theo phương pháp cổ truyền. Theo nghệ nhân Sổng Thị Phua, chè tuyết Shan ngon là khi pha phải có màu tự nhiên, vàng sánh như mật ong rừng cộng với màu xanh tự nhiên của lá chè khi còn tươi, chè có vị ngọt đậm.

Ngoài ra, chè tuyết Shan được sao bằng phương pháp thủ công truyền thống còn có mùi thơm tựa như mùi của hương cốm mới, sự nồng ấm của tình người, tất cả hòa quyện vào với nhau cho người thưởng thức một cảm giác rất lạ mà không một phương pháp sao chè nào có thể làm được. Quy trình chế biến chè tuyết Shan không phức tạp nhưng đòi hỏi người sao phải kiên trì, không vội vàng, hấp tấp, chỉ cần người sao chè lơ là, mất tập trung thì mẻ chè đó coi như hỏng.

Một mẻ chè sao nhiều hay ít phụ thuộc vào kích cỡ của chảo sao chè, thông thường khoảng 3-4 kg chè tươi một mẻ. Tìm hiểu quy trình sản xuất chè tuyết Shan Suối Giàng, chúng tôi được biết: Khi chè vào vụ hái, khoảng 4 - 4 giờ 30 phút buổi sáng, khi đó sương sớm còn đọng nguyên trên những búp chè non, người dân phải dậy đi lên nương hái những búp chè non, hái nhẹ tay để búp chè không bị dập nát, rơi mất sương mai.

Để làm ra loại chè đặc sản của Suối Giàng thì búp chè hái phải là loại búp 1 tôm 2 lá, nếu nhiều lá quá, chè sẽ không ngon, nhiều vụn. Khi sao chè, nghệ nhân phải đảo thật đều tay, lúc đầu cho lửa to, sau khi chè héo thì giảm lửa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chè. Giai đoạn chế biến này người ta gọi là sao chè tiếng dân tộc Mông gọi là “Kiz Xyuôx”…

Sau khi đã tham quan quy trình sao chè tuyết Shan theo phương pháp truyền thống, du khách sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon của mẻ chè mới sao và cùng đắm chìm trong chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc với các tiết mục nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa dân gian truyền thống như múa khèn Mông, đàn môi, các trò chơi như đẩy gậy, đánh con quay, bắn nỏ…

Lễ hội xuân dân tộc Mông, xã Suối Giàng, diễn ra trong tiết trời dịu mát của núi rừng Văn Chấn như níu giữ chân du khách gần xa. Những điệu khèn réo rắt tại những ngôi nhà trên bản người Mông cứ dập dìu lưu luyến. Đây cũng là một hoạt động rất ý nghĩa trong chuỗi các sự kiện của Chương trình du lịch về cội nguồn 2011 do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức trong suốt một tuần qua.

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN