Cô Tô phát triển kinh tế biển, đảo

Khi đặt chân lên huyện đảo Cô Tô, cũng như các du khách khác, chúng tôi đến thắp hương ở khu di tích Hồ Chủ Tịch. Theo sử sách ghi lại, ngày 9/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm đảo Cô Tô nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo.


Thể theo nguyện vọng của quân và dân huyện đảo, Bác đã đồng ý cho phép dựng tượng của Bác. Cô Tô là địa danh duy nhất trong cả nước được dựng tượng Bác Hồ khi Người đang còn sống. Đứng dưới tượng đài Bác, chúng tôi càng khâm phục tầm nhìn chiến lược của Người trong việc khẳng định tầm quan trọng của hòn đảo tiền tiêu này.

 

Không khí trong lành, cảnh vật nguyên sơ, con người hiền hòa giản dị... là những nét níu chân du khách khi đến với Cô Tô.


Những ngày ở lại trên đảo, đi đến đâu, chúng tôi đều thấy những con đường nhựa, đường bê tông rộng rãi, thông thoáng, hàng cây xanh mát và hồ nước ngọt mênh mông. Ngành du lịch huyện Cô Tô đã tập trung tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch huyện đảo trên các phương tiện truyền thông, phát hành 3.500 cuốn lịch tuyên truyền về đảo; 30.000 quyển “Cẩm nang du lịch Cô Tô”; tổ chức tuần văn hóa, thể thao và du lịch; đặc biệt chương trình “Du lịch cộng đồng”, giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của địa phương đến với du khách trong nước và ngoài nước.


Mặc dù không phải mùa du lịch, nhưng chúng tôi vẫn gặp nhiều đoàn khách nội địa và quốc tế đến với Cô Tô. Một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch ở hòn đảo này là những bãi tắm tự nhiên, bờ cát mịn với làn nước biếc xanh; những khu rừng nguyên sinh hoang sơ, giản dị, tinh tế và mộc mạc như chính những người dân nơi đây... Nhưng điều hấp dẫn hơn cả đó là việc ở Cô Tô, tất cả mọi người dân cùng chung tay, góp sức làm “Du lịch cộng đồng”, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Hiện nay toàn huyện đã có hơn 200 phòng lưu trú kiên cố, bán kiên cố (phần lớn là do các hộ dân đầu tư xây dựng), bảo đảm phục vụ hơn 1.500 khách. Đầu tư phát triển ngành du lịch. Cuối năm 2014, UBND huyện sẽ đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động 10 đến 15 nhà nghỉ với hơn 200 phòng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân mua sắm tàu thủy, xe ô tô đưa đón khách bảo đảm an toàn và giá cả hợp lý.

 

Sầm uất thị trấn Cô Tô.


Đến với Cô Tô chúng tôi thực sự cảm thấy thanh thản, thư giãn, không bị “đeo bám”, “chặt chém”. Tất cả các dịch vụ du lịch được công khai niêm yết bảng giá, bán đúng theo quy định. Theo báo cáo của UBND huyện Cô Tô, mùa du lịch năm 2013, lượng du khách tới thăm Cô Tô đạt 45.000 lượt người (trong đó khách nước ngoài gần 400 khách, khách nội địa hơn 44.500 khách) đem lại doanh thu trên 60 tỷ đồng. So với năm 2012, tăng hơn 1.000 du khách và hơn 20 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 1.500 lao động.


Trao đổi với chúng tôi về xu hướng phát triển kinh tế biển đảo, gắn với “Du lịch cộng đồng”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, chúng tôi có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới như: Lựa chọn, quy hoạch và phát triển các Làng du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái; đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm nằm trên các tuyến du lịch chính của huyện... Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên và nhân viên phục vụ. Đăng ký “Thương hiệu du lịch Cô Tô”, UBND huyện đã kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo cơ chế ưu đãi thu thút nguồn lực, hỗ trợ nguồn kinh phí để khơi nguồn tiềm năng kinh tế biển, đảo, làm cho hòn đảo tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc sẽ thực sự trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với du khách”.


Nguyễn Kiên Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN